Nghịch lý thị trường 240 tỷ USD: 'Ông lớn' xuống tiền thời điểm ít ai ngờ

29-01-2024 07:22|Mạnh Hà

Các nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ mua ròng liên tiếp trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau một năm bán rất mạnh. Các tổ chức ngoại mua vào ở thời điểm ít ai ngờ khi thanh khoản trước Tết rất thấp.

Nội án binh, ngoại âm thầm mua vào

Trong tuần 22-26/1, các quỹ đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua vào cổ phiếu Việt trong bối cảnh sức cầu ở vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán rất thấp. Nhóm các nhà đầu tư ngoại nối dài chuỗi ngày mua ròng trong đầu năm mới 2024 sau một năm 2023 bán ròng cả tỷ USD giá trị cổ phiếu.

Trong tuần 22-26/1, nhóm đầu tư Dragon Capital chi ra hàng trăm tỷ đồng mua thêm 4,5 triệu cổ phiếu VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 6,87% lên 7,72%.

Sau 2 năm khá thất vọng, lỗ 36% trong năm 2022 và chỉ đạt hiệu suất hơn 10,3% (thấp hơn thị trường chung) trong năm 2023, quỹ lớn nhất của Dragon Capital - VEIL đang trở lại với những cổ phiếu nhóm ngành thép, vật liệu xây dựng và đầu tư công.

Trên thực tế, nhóm Dragon Capital bắt đáy một số cổ phiếu Việt khá sớm. Từ đầu tháng 11/2023, nhóm này chính thức trở thành cổ đông lớn tại Vinaconex sau khi quỹ thành viên VEIL bắt đáy thành công 1,3 triệu cổ phiếu VCG, nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 5%.

Từ giữa tháng 12/2023, nhóm Dragon Capital cũng đưa cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG) trở lại vị trí số 1 trong danh mục đầu tư quy mô 1,7 tỷ USD của mình. Tỷ trọng HPG tại Dragon Capital đạt hơn 9% sau 2 năm ông lớn ngoại rút mạnh vốn khỏi tập đoàn của tỷ phú ngành thép Trần Đình Long.

Tính chung trong cả tuần 22-26/1, khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 1.300 tỷ đồng giá trị cổ phiếu Việt. Khối ngoại cũng trở thành điểm sáng trong tuần, qua đó nâng đỡ thị trường chứng khoán bớt giảm trong bối cảnh dòng tiền nội có dấu hiệu rút ra trước Tết khiến thanh khoản sụt giảm.

chungkhoanhh10 ok.jpg
Thị trường chứng khoán giao dịch ảm đạm trước Tết. (Ảnh: HH)

Bên cạnh VCG, khối ngoại nói chung cũng mua ròng nhiều cổ phiếu, bao gồm: HPG, Eximbank (EIB), Vietinbank (CTG), Sacombank (STB), Chứng khoán HCM, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), VPBank (VPB), Tôn Hoa Sen (HSG)…

Như vậy, trong 12 phiên liên tiếp vừa qua, khối ngoại mua ròng 11 phiên (trừ phiên ngày 25/1). Nhóm cổ phiếu chứng khoán được gom mạnh.

Trong phiên cuối tuần 26/1, thị trường cũng ghi nhận khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng hơn 550 tỷ đồng giá trị cổ phiếu.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng suy giảm, qua đó gây áp lực lên thị trường chung.

Chốt phiên 26/1, chỉ số VN-Index giảm gần 0,5% xuống 1.175,67 điểm.

Dòng tiền thận trọng trước kỳ nghỉ Tết khiến thanh khoản khớp lệnh trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong phiên 26/1 sụt giảm còn chưa đến 11.000 tỷ đồng.

Chứng khoán được dự báo là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2024

Trong một đánh giá gần đây, Dragon Capital cho rằng, dòng vốn lớn sẽ tìm đến thị trường chứng khoán trong năm 2024 và cổ phiếu sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong năm nhờ mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn được dự báo sẽ ở mức cao.

Hiện, thị trường chứng khoán Việt Nam có quy mô vốn hóa khoảng 240 tỷ USD.

Theo Dragon Capital, 2023 là năm khởi đầu một chu kỳ phục hồi mới khi nền kinh tế dần thoát ra khỏi những tác động tiêu cực của những thay đổi chính sách trong thị trường trái phiếu.

Ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Chứng khoán KB Hàn Quốc cũng có cái nhìn tích cực về thị trường chứng khoán trong năm mới. Theo ông, trong những ngày cuối năm Quý Mão, thanh khoản trên thị trường chứng khoán tụt giảm như thường thấy trước mỗi dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, thị trường được kỳ vọng sẽ tăng tốc sau kỳ nghỉ.

Ông Nhân cho rằng, với những tín hiệu trên biểu đồ dài hạn xuất hiện gần đây, VN-Index hứa hẹn có đợt tăng giá mạnh và dài lần thứ 3 trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Hai lần trước xuất hiện vào các năm 2005 (với kỳ vọng Việt Nam gia nhập WTO) và 2020 (do nới lỏng tiền tệ toàn cầu trong đó có Việt Nam).

Còn theo Dragon Capital, các chỉ số hoạt động kinh tế gần đây chuyển biến tích cực, đặc biệt là từ giai đoạn nửa cuối năm 2023. Và thị trường chứng khoán thường đi trước 4 tới 6 tháng so với nền kinh tế.

Sang năm 2024, Dragon Capital cho rằng kinh tế thế giới còn nhiều thách thức. Dù vậy, kinh tế trong nước sẽ phục hồi đáng kể trong bối cảnh mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp.

Thị trường chứng khoán được xem là một kênh đầu tư hấp dẫn khi lãi suất tiền gửi 12 tháng xuống dưới ngưỡng 5%/năm. Hơn thế, tại Việt Nam cũng không có quá nhiều kênh đầu tư. Trong khi đó, thị trường bất động sản đòi hỏi quy mô vốn lớn, thanh khoản thấp và vẫn đang trong giai đoạn trầm lắng. Các nhà đầu tư vẫn thận trọng về về tiến độ pháp lý của các dự án.

Dragon Capital cũng dự báo dòng vốn nước ngoài có thể tăng lên nếu Việt Nam cởi bỏ được nút thắt ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) cũng như những tiến triển trong quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Chứng khoán Maybank thì đưa ra hai kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024, với việc nâng hạng thị trường là yếu tố then chốt. Trong kịch bản tích cực, Maybank cho rằng, chỉ số VN-Index có thể đạt 1.420 điểm,.

Trong nửa đầu năm 2024, nhiều tổ chức dự báo thị trường chứng khoán có thể rung lắc. Tuy nhiên, ở nửa cuối năm, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều chính sách tiền tệ, hạ lãi suất điều hành, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng tốc, khi đó kinh tế Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi. Thị trường chứng khoán vì vậy được cho sẽ tăng trưởng mạnh hơn.

Sau cú bắt tay của Mai Linh, thêm hãng taxi truyền thống ‘điện hóa’ với dàn xe VinFast

Tập đoàn có doanh thu 34 tỷ USD sắp thoái vốn khủng tại PVI

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nghich-ly-thi-truong-240-ty-usd-ong-lon-xuong-tien-thoi-diem-it-ai-ngo-2244767.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nghịch lý thị trường 240 tỷ USD: 'Ông lớn' xuống tiền thời điểm ít ai ngờ
    POWERED BY ONECMS & INTECH