Ngôi chùa tháp bằng gạch cao nhất Việt Nam: Là nơi cất giữ 3 bảo vật quốc gia đặc biệt quý hiếm, một trong "An Nam tứ đại khí" cũng từng nằm ở đây
Không chỉ là danh tích Thành Nam từng đặt một chiếc vạc lớn xếp vào hàng “An Nam tứ đại khí”, ngôi chùa này còn có 3 bức tượng đặc biệt quý hiếm.
Nơi lưu giữ bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ hơn 300 năm
Chùa Phổ Minh (còn gọi là chùa Tháp) được biết đến là một cổ tự linh thiêng xứ Sơn Nam Hạ xưa, nay thuộc phường Lộc Vượng (TP Nam Định) là một trong những nơi ghi đậm dấu ấn các vua Trần. Theo tư liệu lịch sử, chùa có từ thời Lý và nằm trong khu vực Hành cung Thiên Trường - nơi sau này dành cho các Thái thượng hoàng nhà Trần lui về nghỉ dưỡng sau khi nhường ngôi.
Năm 1262, Thượng hoàng Trần Thái Tông cho tu bổ lại và mở rộng chùa với quy mô lớn. 46 năm sau, Phật hoàng Trần Nhân Tông băng hà ở am Ngọa Vân trên ngọn Tử Phong (Yên Tử), vua Trần Anh Tông đã đem 7 trong số 21 hạt xá lợi đặt trong cỗ kiệu bát cống bằng đá rồi xây tháp Phổ Minh lên trên.
Chùa Phổ Minh cũng là nơi Trần Nhân Tông tu hành khi mới xuất gia. Đó là những lý do giải thích sự gắn bó của chùa với dòng thiền Trúc Lâm.
Đầu năm 2023, bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ được công nhận là bảo vật quốc gia cũng là một trong những điểm nhấn của chùa Phổ Minh cùng với tòa tháp nặng 700 tấn xây dựng từ năm 1305.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn với tư thế nằm nghiêng được thờ tại chùa Phổ Minh. Ảnh: Báo Dân Việt. |
Hiện nay, bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ đặt thờ ở hậu điện, chính giữa là Phật hoàng Trần Nhân Tông, hai bên trái - phải là Pháp Loa và Huyền Quang. Theo hồ sơ di sản, bộ tượng có niên đại từ thế kỷ 17, hiện trạng còn nguyên vẹn, được tạo tác bằng chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng, trọng lượng mỗi pho tượng khoảng 150kg.
Tượng Pháp Loa - Đệ Nhị Tổ Trúc lâm (bên trái) và tượng Huyền Quang - Đệ Tam Tổ Trúc lâm (bên phải). Ảnh: Báo Dân Việt. |
Ngoài kiến trúc độc đáo cùng những câu chuyện mang tính lịch sử, chùa Phổ Minh còn là nơi đặt vạc Phổ Minh - một trong tứ đại khí của Đại Việt cùng với tháp Báo Thiên, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm và chuông Quy Điền.
Ngôi chùa tháp bằng gạch cao nhất Việt Nam
Chùa Phổ Minh được mở rộng với quy mô lớn cùng với việc xây dựng các cung điện ở Thiên Trường dưới thời nhà Trần vào năm 1262. Bởi thế, chùa Phổ Minh được coi là đại danh lam của nước Việt xưa gắn liền với những nhân vật lịch sử thời Trần.
Từ năm 1533 - 1592, chùa Phổ Minh tiếp tục được trùng tu. Người đứng ra tu sửa chùa là công chúa Mạc Ngọc Lâm. Bà đã về chùa tu hành một thời gian và phát tâm tu sửa cảnh chùa. Kể từ sau đợt trùng tu này, chùa Phổ Minh còn trải qua nhiều lần tu sửa khác nhưng chùa vẫn giữ được dáng vẻ, quy mô bề thế với kiểu kiến trúc "nội công, ngoại quốc".
Chùa Phổ Minh nhìn từ trên cao. Ảnh: Vietnamnet. |
Tháp Phổ Minh là một công trình kiến trúc độc đáo. Đây là ngôi chùa tháp lớn nhất, cổ nhất và còn nguyên vẹn nhất ở Việt Nam. Các hạng mục kiến trúc, công trình của chùa gồm: Cổng Tam quan, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, tháp Phổ Minh, hành lang, nhà tổ, phủ mẫu…
Sở dĩ gọi là chùa tháp Phổ Minh bởi đây là nơi lưu giữ bảo vật tháp Phổ Minh tượng trưng một thời Hào khí Đông A nhà Trần. Tháp có 14 tầng, cao 19,51m. Hai tầng tháp dưới cùng xây bằng đá có chạm khắc hoa văn cánh sen, hoa văn sóng nước. 12 tầng trên xây bằng gạch bắt mạch, để trần không trát. Mỗi đầu viên gạch có dòng chữ “Hưng Long thập tam niên” (năm Hưng Long thứ 13- 1305) và khắc họa hình rồng nổi thời Trần. Đỉnh tháp là một khối đá tạo dáng hình bông sen nhiều lớp cánh.
Bảo vật tháp Phổ Minh tượng trưng một thời Hào khí Đông A nhà Trần. |
Xung quanh tháp có tường bao quanh. Chính giữa các tường có để cửa ra vào tháp, được trang trí bằng những đôi rồng đá. Dưới chân tháp Phổ Minh là 2 cây hương lớn (hay còn gọi là cột kinh) được làm bằng đá, tạo tác tinh xảo theo hình hoa sen.
Cụm kiến trúc chính của chùa bao gồm các gian tiền đường và toà thượng điện. Sau thượng điện, cách một sân hẹp là ngôi nhà dài 11 gian. Ở giữa là 5 gian nhà tổ, bên trái là 3 gian nhà tăng và bên phải là 3 gian điện thờ. Hai dãy hành lang nối tiền đường ở phía trước với ngôi nhà 11 gian ở phía sau làm thành một khung vuông bao quanh kiến trúc chùa. Trong sân chùa, ngoài ngôi tháp còn có hai nhà bia ở hai bên.
Các công trình kiến trúc và chạm khắc trong chùa còn giữ được nhiều những dấu ấn của thời Trần với những chạm khắc tinh xảo trên cửa, tam quan, bậc tiền đường…
Bên cạnh những giá trị về kiến trúc nghệ thuật, chùa Phổ Minh còn gây ấn tượng với du khách bởi những cây muồm di sản hơn 300 năm tuổi. Những tán cây xanh to lớn, cành vươn dài phủ bóng mát khắp khoảng sân, xua tan đi cái nắng oi ả mùa hè. Chỉ cần bước chân vào chùa, ngắm nhìn những mảng màu xanh mướt xen lẫn với đường nét hoài cổ, cũ kĩ trầm mặc và lắng nghe tiếng chuông gió leng keng trong trẻo, dường như mọi muộn phiền đều được xoa dịu.
Chùa Phổ Minh cũng là nơi lưu giữ được nhiều cổ vật giá trị, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của nước ta dưới triều Trần.
Chùa tháp xuất hiện trong đồng tiền mệnh giá 100 đồng của Việt Nam. Ảnh tư liệu. |
Đến nay, chùa tháp Phổ Minh đã tồn tại qua 7 thế kỷ, mặc dù trải qua nhiều sóng gió, thiên tai giặc giã nhưng cây tháp vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, trở thành một kỳ quan quý hiếm, độc đáo.
Hiện nay trên cả nước chỉ còn ba cây tháp được xây từ thời Trần, đó là tháp Phổ Minh (Nam Định), tháp Huệ Quang (Yên Tử, Quảng Ninh) và tháp Bỉnh Sơn (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), trong đó tháp Phổ Minh là ngọn tháp bề thế hơn, xây dựng công phu, mỹ thuật, kỹ thuật hơn cả.
Năm 2012, chùa Phổ Minh được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Hàng năm, chùa đón tiếp hàng chục nghìn khách thập phương ghé thăm.