Hàng chục năm qua, nơi đây đã trở thành một hiện tượng nổi bật của tín ngưỡng Việt Nam sau thời kỳ đổi mới.
Hàng năm cứ từ mồng 10 tháng Giêng âm lịch trở ra, khách thập phương lại lũ lượt đổ về đền Bà Chúa Kho (thôn Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) lễ bái cầu tài cầu lộc. Việc cầu khấn ai cũng giống ai nhưng nguồn gốc, thân thế, sự nghiệp Bà Chúa Kho thì mỗi người hiểu mỗi khác. Vậy Bà Chúa Kho là ai?
Bí ẩn thân thế Bà Chúa Kho
Tại Bắc Ninh, có các nơi thờ Bà Chúa Kho, đó là làng Cổ Mễ (phường Vũ Ninh), làng Quả Cảm (xã Hòa Long), làng Thượng Đồng (phường Vạn An), làng Hạ Đồng (huyện Tiên Du). Ngoài ra, ở gần đó cũng có đền Bà Chúa Kho ở làng Trung Đồng, huyện Việt Yên, Bắc Giang.
Từ truyền thuyết ở các làng, Bà Chúa Kho có nguồn gốc từ Bà Chúa Quả Cảm (Bà Chúa Lẫm), Hoàng phi đệ tam cung của vua Trần Anh Tông. Lễ hội chính của các làng tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng và 15 tháng Tám Âm lịch. Riêng đền Bà Chúa Kho ở làng Cổ Mễ có giỗ chính vào 12 tháng Giêng.
Sau thập niên 80 của thế kỷ trước, hàng chục vạn lượt người từ khắp nơi đổ về đi lễ mỗi năm, thực hiện lễ "vay tiền", "trả tiền", "trả lãi" ở đền.
Ngoài Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, Bắc Giang, danh xưng Bà Chúa Kho còn xuất hiện ở nhiều nơi như Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình... Tuy nhiên vai trò và niềm tin thờ cúng của các bà có phần khác nhau. Chẳng hạn như Quản trưởng quốc khố Lý Thị Châu Nương ở đình Giảng Võ, Hà Nội; Bạch Hoa tiết liệt anh phong giám thương công chúa ở các di tích miếu thờ Cột Cờ, đền Nguyên Thương, đền Bồng Lai ở TP. Nam Định; Lê Bạch Nương thiên phủ chư tích ở đường Điện Biên III, TP. Hưng Yên; Bà Chúa Ngừ Trần Thị Dung ở thôn Lại, huyện Hưng Hà, Thái Bình...
Các Bà Chúa Kho được thờ ở Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên và Thái Bình là nhân vật có thật được lịch sử hóa, là người có công trông giữ kho lương, vũ khí cho đất nước trong thời kỳ chống xâm lược, được nhân dân tôn vinh làm phúc thần sau khi mất.
Còn Bà Chúa Kho ở làng Cổ Mễ - ngôi đền nổi tiếng, được nhiều người biết đến nhất, xuất phát từ truyền thuyết cho rằng tên gọi Bà Chúa gắn liền với núi Kho. Tương truyền, nơi đây là khu vực cất của cải, lương thực, vũ khí của vua quan nhà Lý khi đánh giặc Tống. Hiểu đơn giản, bà là người trông coi núi Kho. Ngoài ra, Bà Chúa Quả Cảm hay Bà Chúa Lẫm không liên quan đến việc trông kho nhưng vẫn được nhân dân tôn là Bà Chúa Kho.
Những câu chuyện tâm linh huyền bí
Không ai biết tên bà, khi bà qua đời, nhân dân lập đền thờ để ghi lại công ơn bà là đã hết lòng chăm lo cho dân ấm no. Công lao của bà đã được triều đại phong kiến ghi nhận qua việc sắc phong đền thờ bà là "Chủ khổ linh từ" (Đền thiêng thờ Bà Chúa Kho) có kiến trúc thế kỷ XIX, làm theo kiểu chữ T chạm khắc công phu.
Đầu thế kỷ XX, người Pháp xây dựng tại quả núi Kho nhà máy giấy Đông Dương. Đây là nhà máy rất lớn, bao trùm gần như toàn bộ núi. Ông chủ Bê-tô người Pháp sai người phá ngôi đền để xây dựng nhà máy, tuy nhiên, người dân Cổ Mễ đã quyết liệt phản đối. Mặc dù người Pháp xây tường bao rất cao, bảo vệ nghiêm ngặt nhưng các cụ già vẫn tìm cách trèo vào, quyết lấy thân mình bảo vệ ngôi đền cổ này.
Một lần, khi Bê-tô quyết tâm phá đền thì bà vợ tự dưng lăn ra đau bụng quằn quại. Bác sĩ giỏi được triệu đến, hết uống thuốc lại tiêm nhưng những cơn đau không hề dứt. Trong hoàn cảnh đó, một công nhân người làng Cổ Mễ đã đề nghị làm mâm lễ cúng trong đền. Không biết làm cách nào khác, ông chủ Bê-tô đồng ý. Lễ cúng vừa dứt thì vợ ông chủ Bê-tô hết đau bụng. Kinh ngạc trước sự linh thiêng của ngôi đền, ông chủ Bê-tô không phá đền nữa, mà cho làm một con đường bê tông nhỏ từ cổng nhà máy dẫn lên đền và để người dân tự do ra vào cúng bái.
Đền Bà Chúa Kho không có gì đặc biệt, chủ yếu được xây dựng lại vào những năm 1990, song sự phong phú về đồ lễ thì hiếm nơi nào sánh được. Mặc dù tiền vay - trả chỉ là vàng mã mang tính ước lệ nhưng có giá trị rất lớn lên đến hàng trăm triệu đồng. Người ta quan niệm rằng, có đồ lễ hậu hĩnh để làm đẹp lòng thần thánh thì mới mong có lợi nhuận thực tế với chi phí đã bỏ ra, dù cuối cùng, tất cả được thiêu thành tro để gửi về nơi các thần trú ngụ.
Mọi người tới đây, ngoài việc thành tâm dâng lễ, cầu lộc, cầu tài, còn là dịp gặp nhau, cùng nhau vãn cảnh đền, thăm các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của xung quanh như đình Cô Mễ, thành cổ Bắc Ninh, Văn Miếu Bắc Ninh, các khu phố cổ, thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương.