Ngôi đền 'mượn vốn, xin lộc' uy tín bậc nhất của giới kinh doanh, năm nào cũng quá tải khách ‘vay tiền’
Người ta quan niệm rằng, có đồ lễ hậu hĩnh để làm đẹp lòng thần thánh thì mới mong có lợi nhuận thực tế với chi phí đã bỏ ra.
Trong tâm thức dân gian, Bà Chúa Kho được xem như một nhân vật lịch sử, dù có nhiều dị bản về tên tuổi, xuất thân và công trạng của bà. Theo truyền thuyết, bà có thể là Lý An Quốc, Trần Thị Ngọc...?, xuất thân từ nhiều nguồn khác nhau là em gái thứ sáu của vua Lý Thánh Tông, là vợ vua Lý, hay Hà Giang công chúa được giao nhiệm vụ trông coi Cổ Mễ. Một số tài liệu khác lại cho rằng bà là con của một gia đình làm nghề gốm, quê ở Quả Cảm, xuất thân nghèo khó.
Dù có nhiều dị bản về thân thế, điểm chung trong các truyền thuyết về Bà Chúa Kho là bà có công chiêu dân lập ấp, khai hoang ruộng đất, quản lý kho lương thực của triều đình, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống quân Tống trên sông Như Nguyệt (năm 1077).
Các nhà nghiên cứu nhận định, tư liệu về Bà Chúa Kho có nhiều điểm mâu thuẫn và trái ngược nhau. Điều này không khó hiểu, bởi bà vốn không phải là một nhân vật lịch sử chính thống mà là một nhân vật huyền thoại, được lịch sử hóa theo từng thời kỳ và địa phương.
Tùy theo nhu cầu và cảm quan của dân chúng, hình tượng Bà Chúa Kho được xây dựng theo nhiều cách khác nhau: có nơi gắn bà với hoàng tộc, có nơi lại khắc họa bà là một người phụ nữ xinh đẹp, nết na, giỏi giang. Tuy nhiên, tựu trung lại, Bà Chúa Kho luôn được tôn vinh là người có công với dân với nước, được nhân dân ngưỡng mộ và thờ phụng.
Ở nước ta có 3 Bà Chúa Kho được phong là Phúc Thần, bao gồm Bà Chúa Kho ở Nam Định, Bà Chúa Kho ở Giảng Võ (Hà Nội) và nổi tiếng nhất là Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh.
Trong đó, đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh (đền Quả Cảm) thuộc cụm di tích đình - đền - chùa thôn Quả Cảm, nằm trong khu vực phòng tuyến sông Như Nguyệt, nơi diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1077. Bà được cho là người con gái xinh đẹp, thông minh, giỏi quản lý kho lương thực của triều đình trong và sau chiến thắng Như Nguyệt, dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt.
Tại Bắc Ninh còn có đền Bà Chúa Kho ở Cổ Mễ, Vũ Ninh, nhưng Quả Cảm mới là quê hương chính gốc của Bà, cũng là nơi lưu giữ lăng mộ và di hài của bà.
Nhân dân lập đền để tưởng nhớ công lao của bà trong việc chăm lo đời sống, giúp dân ấm no. Công đức của bà đã được triều đình phong kiến ghi nhận, sắc phong đền thờ bà là "Chủ Khổ Linh Từ" - ngôi đền thiêng thờ Bà Chúa Kho. Kiến trúc đền có từ thế kỷ XIX, được chạm khắc công phu theo kiểu chữ T.
Theo người dân địa phương, đầu thế kỷ XX, đền Bà Chúa Kho từng suýt bị phá bỏ. Khi đó, thực dân Pháp xây dựng nhà máy giấy Đông Dương trên núi Kho, bao phủ gần như toàn bộ khu vực này. Ông chủ nhà máy, Bê-tô (người Pháp), đã ra lệnh phá bỏ ngôi đền để mở rộng nhà máy. Tuy nhiên, người dân Cổ Mễ kiên quyết phản đối.
Dù người Pháp xây tường bao quanh nhà máy, cấm người dân vào đền, nhưng các bô lão trong làng vẫn tìm cách vượt tường để bảo vệ ngôi đền thiêng.
Khi Bê-tô cương quyết phá đền, vợ ông ta bỗng dưng bị đau bụng dữ dội, dù đã dùng nhiều thuốc vẫn không khỏi. Trong lúc nguy cấp, một công nhân người Cổ Mễ đề nghị lập mâm lễ cúng trong đền. Lễ cúng vừa kết thúc, vợ ông Bê-tô lập tức khỏi bệnh. Quá kinh ngạc trước sự linh thiêng của ngôi đền, ông chủ Bê-tô hủy bỏ kế hoạch phá đền, thậm chí còn xây một con đường bê tông dẫn từ cổng nhà máy lên đền, để người dân thuận tiện đến dâng lễ.
Dù đền không có kiến trúc quá đặc biệt vì chủ yếu được trùng tu vào những năm 1990, nhưng sự phong phú về đồ lễ lại hiếm nơi nào sánh được. Người dân đến đền không chỉ để cầu tài lộc mà còn vay vốn từ Bà Chúa Kho theo hình thức tâm linh.
Mặc dù việc vay - trả tiền chỉ mang tính tượng trưng, nhưng nhiều người chi lễ với giá trị rất lớn, có khi lên đến hàng chục triệu đồng. Họ quan niệm rằng đồ lễ hậu hĩnh sẽ làm đẹp lòng thần linh, từ đó công việc kinh doanh thuận lợi, sinh lời gấp nhiều lần số vốn “vay”. Sau khi dâng lễ, các đồ cúng đều được hóa vàng, gửi về nơi thần linh ngự trị.
Hàng năm, Lễ hội đền Bà Chúa Kho được tổ chức vào đúng ngày giỗ của Bà (mùng 10 tháng Giêng). Đây là dịp để người dân cầu bình an, tài lộc, kinh doanh thuận lợi.
Đặc biệt, cứ mỗi 5 năm, đền tổ chức lễ rước lớn với nhiều nghi thức truyền thống, được người dân gìn giữ suốt hàng trăm năm. Đây không chỉ là một hoạt động tâm linh mà còn mang ý nghĩa giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, tôn vinh đức độ và công lao của Bà Chúa Kho đối với nhân dân.
>> Ngôi đền nộp hơn 25 tỷ đồng tiền công đức, xây dựng từ thời Hậu Lê, hơn 500 năm lịch sử
Phát hiện ngôi đền cổ hơn 2.000 năm tuổi nằm ẩn trong vách đá
Thành phố lớn thứ 3 Việt Nam đề xuất công nhận ngôi đền cổ thuộc Ngũ linh từ là di tích quốc gia