Ngọn núi 120.000 năm tuổi duy nhất vừa được công nhận là con người: Có đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý, dân địa phương coi là tổ tiên
Đây được xem là một trong những ngọn núi lửa hình nón hình thành hoàn hảo nhất tại New Zealand và đối xứng nhất thế giới.
Ngọn núi lửa Taranaki một trong những biểu tượng thiên nhiên quan trọng của New Zealand, vừa được trao quyền pháp lý như một con người theo một đạo luật mới. Đây là địa danh thứ ba tại quốc gia này nhận được sự công nhận đặc biệt, sau khu rừng bản địa Te Urewera và con sông Whanganui.
Theo CNN, đạo luật được thông qua vào ngày 30/1 đã chính thức trao cho Taranaki các quyền tương đương với một con người, bao gồm cả quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý. Theo đó, ngọn núi được công nhận với tư cách cá nhân mang tên "Te Kāhui Tupua" và được luật pháp xác định là “một tổng thể sống động và không thể chia cắt”, bao gồm Taranaki cùng các đỉnh núi và vùng đất xung quanh.
Núi Taranaki hay còn gọi là Taranaki Maunga là ngọn núi cao thứ hai trên Đảo Bắc của New Zealand, với độ cao 2.518m. Đây được xem là một trong những ngọn núi lửa hình nón đối xứng nhất thế giới và được đánh giá là một trong những ngọn núi lửa hình thành hoàn hảo nhất tại New Zealand.
Ngọn núi đã ngừng phun trào từ năm 1775 và hiện đang trong trạng thái “ngủ yên”. Nằm trong công viên quốc gia Egmont, gần thành phố New Plymouth, Taranaki thu hút đông đảo du khách nhờ cảnh quan ngoạn mục, những cung đường đi bộ đường dài tuyệt đẹp và các hoạt động thể thao mùa đông như trượt tuyết.
Sự nổi tiếng của Taranaki ngày càng gia tăng kể từ khi Lonely Planet đưa nơi này vào danh sách những điểm đến đáng ghé thăm nhất năm 2016. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo vệ hệ sinh thái xung quanh. Việc công nhận ngọn núi là một thực thể pháp lý không chỉ giúp cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo Taranaki được gìn giữ cho các thế hệ mai sau.
Việc công nhận này không chỉ có ý nghĩa pháp lý mà còn góp phần bảo vệ ngọn núi thiêng trước những tác động tiêu cực từ con người. Bà Debbie Ngarewa Packer, đồng lãnh đạo Đảng Te Pāti Māori, nhấn mạnh rằng điều này sẽ giúp duy trì "sức khỏe" và phúc lợi của Taranaki, ngăn chặn tình trạng khai thác đất đá trái phép, khôi phục mục đích sử dụng truyền thống và hỗ trợ công tác bảo tồn động vật hoang dã bản địa.
Từ lâu, 8 bộ tộc Māori tại địa phương đã coi Taranaki như tổ tiên hoặc một thành viên ruột thịt trong gia đình. Trong quan niệm của họ, con người, động vật, núi non và thực vật đều gắn kết chặt chẽ trong một hệ sinh thái chung. Do đó, bất kỳ hành vi lạm dụng hay phá hoại ngọn núi đều bị xem là tổn hại trực tiếp đến chính cộng đồng của họ.
Chính phủ New Zealand và 8 bộ tộc Māori sẽ cùng nhau chia sẻ trách nhiệm bảo vệ ngọn núi Taranaki. Bộ trưởng Andrew Little - người tham gia đàm phán thỏa thuận cho biết việc công nhận Taranaki là một thực thể pháp lý sẽ góp phần nâng cao hiệu quả bảo tồn. Thỏa thuận này cũng đảm bảo quyền tiếp cận công cộng đối với ngọn núi, song các quy định nghiêm ngặt sẽ được áp dụng nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.
New Zealand là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận các đặc điểm tự nhiên có quyền hợp pháp như con người. Năm 2014, nước này thông qua đạo luật trao quyền sở hữu cho khu rừng bản địa Te Urewera trên Đảo Bắc. Đến tháng 1/2017, con sông Whanganui cũng được công nhận là một thực thể pháp lý với đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm.
Việc trao quyền hợp pháp cho núi Taranaki tiếp tục khẳng định cam kết của New Zealand trong việc bảo vệ thiên nhiên, đặc biệt là các địa danh mang ý nghĩa văn hóa và tâm linh đối với cộng đồng bản địa. Đây không chỉ là một bước tiến trong công tác bảo tồn mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với truyền thống và tín ngưỡng của người Māori, góp phần tạo ra một mô hình bảo vệ môi trường bền vững cho tương lai.
Ảnh: Sưu tầm Internet