Ngọn núi 'có lỗ hổng thông với trời đất' hiếm người biết bên trong Hoàng thành Thăng Long, là nơi chứa biểu trưng quyền lực cao nhất của Nhà nước phong kiến

08-03-2024 14:21|Quỳnh Như

Vốn được nhắc nhiều trong các áng thơ văn cổ nhưng không phải ai cũng biết rõ về ngọn núi này.

Khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội năm 1882, người Hà Nội đã cảm khái: “Trời cao biển rộng đất dày/Núi Nùng sông Nhị chốn này làm ghi”. Nhị Hà là sông Hồng, vậy Nùng sơn là núi to hay nhỏ và ở vị trí nào?

Theo sử sách ghi lại, từ thuở Hà Nội còn là ngôi làng nhỏ bên bờ sông Tô Lịch, ở đây đã có một quả núi đất thiên tạo được gọi là Nùng sơn. Trên đỉnh Nùng sơn có một ngôi đền. Đền thờ thần Long Đỗ, tức là thần sông Tô Lịch. Trên đỉnh Nùng sơn có "lỗ thông hơi".

Trong cuốn sách Hoàng Việt dư địa chí, nhà sử học Phan Huy Chú viết: "Núi Nùng ở giữa thành. Triều Lý định đô lấy núi làm đài chính điện, đến thời Lê là điện Kính Thiên, nay (triều Nguyễn) là điện phía trước hoàng cung. Xưa truyền rằng, giữa núi có một lỗ hổng là nơi thông hơi của hồ, ao và núi, nên gọi là Long Đỗ (rốn rồng)".

Theo sách Đại Nam nhất thống chí của nhà Nguyễn: "Núi Nùng ở trong thành, có tên nữa là núi Long Đỗ. Lý Thái Tổ đóng kinh đô, dựng chính điện ở trên núi, đời Lê gọi là điện Kính Thiên, bản triều đặt làm hành cung, vẫn gọi theo tên cũ, năm Thiệu Trị thứ ba, đổi gọi là điện Long Thiên, điện Đình ở núi Nùng, có xây bệ cao chín bậc, tả hữu có hai con rồng, dài hơn một trượng, chế từ đời Lý".

Nền điện Kính Thiên với đôi rồng đá phía trước

Nền điện Kính Thiên với đôi rồng đá phía trước

Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời vua Lê Thánh Tông. Đây là nơi vua Lê Thái Tổ tuyên bố lên ngôi và trở thành nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài, nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự và thờ cúng. Năm 1886, điện bị thực dân Pháp phá huỷ để xây nhà ban chỉ huy pháo binh, hiện chỉ còn di tích thềm bậc và nền điện (trong khu Hoàng thành Thăng Long ngày nay).

Hệ thống thành bậc điện Kính Thiên (thường được gọi là thành bậc rồng điện Kính Thiên) được công nhận là Bảo vật quốc gia từ tháng 12/2020. Ngày nay, không gian nơi này đã trở thành một di tích "kép" cho cả hai thời đại: Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long xưa và Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam - Di tích lịch sử quan trọng của lịch sử hiện đại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều người vẫn nhầm lẫn rằng núi Nùng là núi Sưa trong công viên Bách Thảo (Hà Nội). Có giả thiết này bởi dựa vào cao độ của gò đất và chi tiết người Pháp đã từng tìm thấy những phần cột đá chạm hình rồng cuốn bị vứt lăn lóc trong khu vực Bách Thảo thời thuộc Pháp.

Nhiều người cho rằng núi Nùng là núi Sưa trong công viên Bách Thảo

Nhiều người cho rằng núi Nùng là núi Sưa trong công viên Bách Thảo

Tuy nhiên, đã có nhiều nhà khoa học phản biện về giả thiết này. Các ý kiến phản biện cho rằng, những phần cột đá được tìm thấy trong vườn Bách Thảo không phải là những dấu tích cố định để có thể dùng làm tọa độ xác minh vị trí núi Nùng.

Trên đỉnh ngọn núi này còn có một ngôi đền nhỏ thờ Hắc đế. Tấm biển trên ngôi đền ghi dòng chữ: “Sưa sơn lăng miếu”, tức là “ngôi miếu trên núi Sưa”. Sưa là một loài cây gỗ quý, trước đây mọc thành rừng trên ngọn núi này, vì thế mới có tên gọi là núi Sưa.

Lại có ý kiến khác cho rằng, núi Nùng chính là núi Voi trên đường Hoàng Hoa Thám, bởi đây là nơi cao nhất Hà Nội. Những người ủng hộ giả thuyết này còn dẫn câu thơ của vua Thành Thái viết về núi Nùng: “Nùng lĩnh phù vân kim cổ sắc” (tạm dịch là “Mây trên núi Nùng mang màu kim cổ”). Họ cho rằng, núi có mây phải là núi cao.

Sau khi xuất hiện giả thuyết này, nhiều nhà sử học cũng lên tiếng cho rằng núi Nùng không thể là núi Voi. Những ý kiến phản biện dẫn còn ra nhiều câu nói cổ, như: “Cao nhất xích vi sơn” nghĩa là cao một thước cũng là núi, hay “Sơn bất tại cao, hữu thần tắc linh” nghĩa là núi thiêng không bởi cao mà có thần trên đó là thiêng.

Tuy nhiên, dẫn một câu thơ cũ để làm cứ liệu lịch sử e không hợp. Thơ văn, đặc biệt là thơ văn cổ, thường có tính ước lệ, ngoa dụ. Nhưng điều hiển nhiên mà ai cũng thấy là vào năm 1902, thời điểm vua Thành Thái làm câu thơ trên, núi Voi có cao thì cũng không thể đến mức có “mây vờn trên núi”. Bởi mới trải hơn 100 năm, Hà Nội không thể được bồi đắp nhanh đến mức gần như san bằng ngọn núi "chạm tới mây" này!

Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long được xây trên ngọn núi Nùng xưa. Ảnh tư liệu

Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long được xây trên ngọn núi Nùng xưa. Ảnh tư liệu

Vì thế, căn cứ vào dẫn chứng của các nhà nghiên cứu, núi Nùng chính là nền điện Kính Thiên - cung điện quan trọng bậc nhất ở trung tâm Cấm thành Thăng Long, nơi ngự của Hoàng đế và là biểu trưng quyền lực cao nhất của quốc gia Đại Việt ở thời Lê từ thế kỷ XV-XVIII.

>> Ngọn núi chỉ cao hơn 200m nhưng 'cõng' gần 200 đền, chùa và bức tượng Phật ngồi trong vách núi cao nhất thế giới của Việt Nam

Ngọn núi cao gần 200m nằm ở nơi hợp lưu giữa 2 con sông, là ‘Linh quy hí thủy’ ẩn chứa câu chuyện ‘bàn chân tiên’

Ngọn núi thiêng nhưng từng không có chùa, 'cõng' tượng Phật Quan Âm 125m cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á

Ngọn núi thiêng hình đầu Rồng ngậm viên ngọc ở một tỉnh miền Trung, từng là 'trận địa lửa' trong nhiều cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ngon-nui-co-lo-hong-thong-voi-troi-dat-hiem-nguoi-biet-ben-trong-hoang-thanh-thang-long-la-noi-chua-bieu-trung-quyen-luc-cao-nhat-cua-nha-nuoc-phong-kien-d117535.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ngọn núi 'có lỗ hổng thông với trời đất' hiếm người biết bên trong Hoàng thành Thăng Long, là nơi chứa biểu trưng quyền lực cao nhất của Nhà nước phong kiến
POWERED BY ONECMS & INTECH