Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đang triển khai các cơ chế nhằm tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh giá khí đốt và hóa đơn tiền điện gia tăng cũng như để bảo tồn những nguồn tài nguyên ngày càng trở nên khan hiếm.
Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu thực hiện các kế hoạch giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ trong giai đoạn từ 1/8/2022 – 21/3/2023 để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Ngoài ra, nhiều nước thành viên cũng đang thực hiện các nỗ lực ở cấp quốc gia để tiết kiệm năng lượng.
Châu Âu đang đứng trước nguy cơ thiếu năng lượng trầm trọng
Cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng đang tác động ngày càng rõ rệt tới kinh tế và cuộc sống của người dân ở châu Âu, đồng thời báo hiệu một mùa đông khó khăn trên khắp châu lục.
Giá điện ở các nước châu Âu tăng chóng mặt đến ngưỡng khó tưởng tượng trong những tháng qua và dự kiến sẽ tiếp tục lên cao hơn nữa trong thời gian tới.
Theo AFP, giá điện trong hợp đồng năm tới ở Đức đã lên đến 995 euro/MWh, trong khi giá hợp đồng tương đương ở Pháp vượt mức 1.100 euro, đánh dấu mức tăng gấp 10 lần so với năm 2021 ở cả hai nước.
Đối với các hộ gia đình tại châu Âu, khủng hoảng năng lượng đã là thực tế rõ ràng, phản ánh qua hoá đơn điện, khí đốt tăng từ vài chục % cho đến cả vài trăm %, giá cả hàng hoá tiêu dùng cũng tăng do lạm phát, đồng thời phải thực hiện một loạt các biện pháp khẩn cấp để tiết kiệm năng lượng như hạn chế sưởi ấm, hạn chế tiêu dùng điện…
Tất cả những điều này càng trở nên phức tạp hơn khi châu Âu đã và đang trải qua một mùa hè vô cùng khắc nghiệt về thời tiết, với nắng nóng cực đoan kéo dài, hạn hán lớn nhất trong vòng 500 năm, mùa đông sắp đến… khiến nhu cầu năng lượng ngày càng cấp bách hơn.
Các nước phương Tây thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng
Tại Đức, các toà nhà công sở, trong đó có cả toà nhà quốc hội, không sử dụng nước nóng. Kể từ đầu tháng 9/2022, các tòa nhà công cộng, ngoại trừ các cơ sở như bệnh viện, nhà dưỡng lão được duy trì nhiệt độ sưởi tối đa 19°C, nhưng toàn bộ hệ thống sưởi ở hành lang và tiền sảnh được yêu cầu tắt.
Các doanh nghiệp, cửa hàng sẽ không được phép bật đèn chiếu sáng mặt tiền từ 22h đến 6h sáng hôm sau. Biển hiệu quảng cáo cũng không được phép bật trong thời gian trên.
Dự kiến, những quy định mới này sẽ được áp dụng trong 6 tháng.
Chiến lược tiết kiệm năng lượng của Italy nhằm cắt giảm 7% mức tiêu thụ khí đốt bằng cách hạn chế hệ thống sưởi trong các tòa nhà và chuyển sang sử dụng than.
Các biện pháp ngắn hạn bao gồm việc rút ngắn thời gian sưởi mùa đông trong hai tuần, giới hạn nhiệt độ phòng đến 19°C, giảm số giờ sưởi ấm trong các tòa nhà, văn phòng và tăng cường sản xuất điện từ các nguồn thay thế như than đá.
Tại Tây Ban Nha, từ 10/8, nước này đã áp dụng các quy định hạn chế sử dụng điều hòa không khí và không đặt nhiệt độ thấp hơn 27 độ C trong những tháng nóng nhất trong năm. Quy định áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, từ các phương tiện giao thông công cộng đến các cửa hàng, văn phòng, nhà hát và rạp chiếu phim. Trong khi đó, mức nhiệt sưởi ấm tối đa trong mùa đông là 19 độ C.
Đến cuối tháng 9/2022, tất cả những cơ sở có điều hòa nhiệt độ hoặc hệ thống sưởi ấm tại nước này đều phải có hệ thống đóng mở cửa tự động để tránh lãng phí điện.
Từ 22h, các cửa hàng ở Tây Ban Nha phải tắt các đèn cửa sổ, đèn trang trí tại các tòa nhà công cũng phải tắt.
Về hệ thống chiếu sáng công cộng, tại Pháp, các màn hình quảng cáo có lắp đèn chiếu sáng bị cấm hoạt động từ 1-6h sáng hằng ngày, trừ những nơi như sân bay hay ga tàu hỏa.
Ước tính, một màn hình kỹ thuật số LCD rộng 2m2 sẽ tiêu thụ lượng điện năng trung bình hằng năm tương đương mức tiêu thụ của một hộ gia đình cho mục đích chiếu sáng và sử dụng các sản phẩm gia dụng, không tính sưởi ấm.
Trong khi đó, người dân Phần Lan được khuyên nên giảm thời gian đi tắm hơi. Trong những thói quen hằng ngày, từ tháng 10, Phần Lan sẽ khuyến khích người dân giảm nhiệt độ máy sưởi, giảm thời gian tắm và không sưởi ấm gara.
Xem thêm: Xu thế phát triển năng lượng tái tạo trước bài toán thiếu năng lượng trên toàn cầu
Nước thành viên EU yêu cầu liên minh sẵn sàng gửi quân đến Ukraine
Ukraine hé lộ kế hoạch 10 điểm mới, Nga lên tiếng về vụ tên lửa ATACMS