Trụ cột kinh tế Nga ‘ngấm đòn’ trừng phạt, xuất cả triệu tấn sang Việt Nam
Diễn biến gần đây cho thấy tình hình tiếp tục xấu đi.
3 năm sau khi Liên minh châu Âu áp lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu than của Nga – vốn chiếm tới 25% tổng sản lượng than xuất khẩu toàn cầu của nước này – ngành công nghiệp than Nga đang rơi vào khủng hoảng sâu sắc.
Cùng với các biện pháp siết chặt từ phía Mỹ, những đòn trừng phạt này đã khiến ngành than – một trụ cột quan trọng đối với hàng trăm nghìn lao động tại các thị trấn công nghiệp đơn ngành của Nga – có nguy cơ sụp đổ.
Dù quy mô nhỏ hơn nhiều so với ngành dầu khí, công nghiệp than vẫn đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, theo Newsweek, từ năm 2022, EU đã khiến Moscow mất khoảng 8 tỷ euro doanh thu hàng năm từ than. Không chỉ mất thị trường, các công ty than Nga còn chật vật duy trì hoạt động do thiếu thiết bị, công nghệ và nguồn tài chính.

Trước khi bị cấm vận, phần lớn thiết bị khai thác của Nga đến từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Nay, khả năng tiếp cận các công nghệ quan trọng gần như bị cắt đứt, trong khi chi phí vay vốn trong nước leo thang vượt 20%. Chính phủ Nga thừa nhận ngành than đang đối mặt với "cơn bão hoàn hảo": nợ doanh nghiệp lên tới 1.200 tỷ rúp (15,3 tỷ USD), nhu cầu sụt giảm, giá than thấp nhất trong 4 năm và đồng rúp yếu đi đáng kể.
“Tất cả các vấn đề đều xảy ra cùng lúc”, chuyên gia kinh tế Natalya Zubarevich nhận định trên The Moscow Times.
Diễn biến gần đây cho thấy tình hình tiếp tục xấu đi. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, các doanh nghiệp than Nga đã ghi nhận khoản lỗ lên tới 112 tỷ rúp (1,43 tỷ USD), theo Bộ Năng lượng. Thứ trưởng Dmitry Islamov thừa nhận các lệnh trừng phạt đang gây tổn hại nặng nề và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thực tế, hơn một nửa trong số khoảng 180 công ty than ở Nga hiện đang thua lỗ, và ít nhất 51 doanh nghiệp đã buộc phải ngừng hoặc chuẩn bị ngừng hoạt động. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Than Dmitry Lopatin, hơn 25% số công ty đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Việc mất các thị trường truyền thống khiến Nga ngày càng phụ thuộc vào một số ít khách hàng còn lại – trong đó Trung Quốc đóng vai trò sống còn. Theo Isaac Levi, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), “Bất kỳ biến động nào từ phía Trung Quốc cũng có thể khiến giá than Nga lao dốc thêm và làm gián đoạn toàn bộ chuỗi cung ứng.”
Việt Nam hiện là một trong ba thị trường tiêu thụ than lớn nhất của Nga. Trong 5 tháng đầu năm nay, Nga đã xuất sang Việt Nam khoảng 2,6 triệu tấn than, trị giá hơn 360 triệu USD. Tuy nhiên, giá than nhập khẩu từ Nga đã giảm mạnh khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn trung bình 135 USD/tấn.
Trong bối cảnh khủng hoảng chồng chất và tương lai ảm đạm, ngành than Nga đang đứng trước ngã rẽ sinh tử – không chỉ bởi áp lực từ bên ngoài mà còn vì những điểm nghẽn nội tại chưa có lời giải.
>> Hãng xe Mỹ phá sản chỉ sau 5 năm tại Trung Quốc: Nợ hơn 14.000 tỷ đồng, bán nhà máy không ai mua
Tổng thống Ukraine công bố thời điểm đàm phán với Nga
Nga nêu điều kiện để ông Putin gặp Tổng thống Trump ở Trung Quốc