Trung Quốc và Liên minh châu Âu xích lại gần nhau
Là hai mục tiêu kinh tế lớn nhất trong cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một số nhà phân tích cho rằng Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc có thể xích lại gần nhau hơn và tìm kiếm tiếng nói chung. Thế nhưng, tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU tại Bắc Kinh tuần qua, hai bên đã lộ ra những bất đồng sâu sắc và sự ngờ vực làm gia tăng rạn nứt giữa hai bên.

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU diễn ra tại Bắc Kinh trong bối cảnh cả EU và Trung Quốc đều phải đối mặt với mức thuế quan cao đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ. Bên cạnh đó, sự bất ổn trong quan hệ thương mại với Mỹ khiến Bắc Kinh phải tìm cách thắt chặt quan hệ với EU và các nền kinh tế lớn khác.
Trung Quốc tăng thuế xe điện với EU

Trong những tuần gần đây, các quan chức EU tái khẳng định mối quan ngại lâu nay về "hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường châu Âu", đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về động thái siết chặt chuỗi cung ứng đất hiếm của Bắc Kinh.
Trung Quốc đã phản ứng gay gắt bằng động thái tăng thuế đối với xe điện của khối 27 thành viên vào năm ngoái, đồng thời tiến hành một loạt cuộc điều tra thương mại riêng rẽ nhằm trả đũa.
Tháng trước, sau khi EU tuyên bố sẽ cấm các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu công khai các thiết bị y tế có giá trị vượt quá một mức nhất định, Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách hạn chế mua các thiết bị do châu Âu sản xuất.
Ngày 21/7, Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ trích quyết định của EU đưa hai ngân hàng Trung Quốc và một số công ty khác vào danh sách trừng phạt mới nhất của EU. Trung Quốc cho rằng động thái này sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc - EU. Căng thẳng khiến hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU bị rút ngắn một ngày so với kế hoạch kéo dài hai ngày.
Châu Âu hợp tác với Trung Quốc trong nhiều vấn đề toàn cầu
Đầu tháng này, Trung Quốc ban hành chính sách hoãn thuế đối với các nhà sản xuất cognac lớn của châu Âu sau cuộc điều tra chống bán phá giá, được coi là hành động trả đũa khối này áp đặt mức thuế lên tới 45% đối với xe điện Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết những lo ngại sâu sắc của EU với Bắc Kinh vẫn chưa được giải quyết. Phát biểu tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 tại Canada hồi tháng 6, bà Ursula von der Leyen nói rằng: "Trung Quốc đang sử dụng tình trạng bán độc quyền (về đất hiếm) như một con bài mặc cả và còn biến nó thành vũ khí để làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh trong ngành công nghiệp quan trọng".
Bà cũng kêu gọi G7 hành động thống nhất để gây sức ép lên Bắc Kinh. EU hiện đang phải nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận với Mỹ trước thời hạn chót vào ngày 1/8 nhằm tránh bị áp thuế nặng và có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với các đối tác Trung Quốc.
Noah Barkin, thành viên cấp cao của Quỹ Marshall, cho biết: "Kịch bản tồi tệ nhất là châu Âu sẽ rơi vào một cuộc chiến thương mại trên cả hai mặt trận: với Mỹ và Trung Quốc".
Châu Âu không muốn cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, mà muốn "tái cân bằng" mối quan hệ kinh tế vốn đã thâm hụt hơn 300 tỷ euro vào năm ngoái. Châu Âu cũng đặt mục tiêu "giảm thiểu rủi ro" cho chuỗi cung ứng của mình và hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu chung như biến đổi khí hậu, một lĩnh vực tiềm năng đạt được thỏa thuận trong tuần này.
>> Cuộc chơi thuế quan Mỹ - Trung có bước ngoặt, vòng đàm phán mới sẽ bắt đầu vào tuần sau