Người đàn ông 76 tuổi xây hơn 200 ngôi nhà gỗ không dùng đinh, không bản vẽ, được vinh danh nhờ kỹ thuật độc nhất
Một trong những điều khiến nhiều người ngưỡng mộ ông là việc ông không bao giờ dùng bản vẽ thiết kế. Ông chỉ lắng nghe mong muốn của gia chủ, sau đó hình dung trong đầu và bắt tay vào làm việc.
Theo Sohu, cụ ông Thạch Thiện Chương, 76 tuổi, người dân tộc Động, là nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội thời gian gần đây nhờ ngôi nhà do chính ông tự tay xây dựng.
Ông Chương sống tại khu tự trị dân tộc Động Tam Giang, TP. Liễu Châu, Quảng Tây, là người dân tộc thiểu số. Ở làng của ông, hầu hết người dân đều sống trong những ngôi nhà gỗ truyền thống. Tuy nhiên, vào năm 1974, hơn 300 ngôi nhà trong làng bị thiêu rụi sau một trận hỏa hoạn. Khi đó, ông Chương mới 20 tuổi và chưa thành thạo các nghề thủ công, chế tác công trình bằng gỗ. Nhưng vì cần nhà để sinh sống và mong muốn giúp đỡ người dân, ông đã tận dụng kinh nghiệm học việc từ một người thợ thủ công, tự nghiên cứu về kỹ thuật xây dựng nhà gỗ.

Ban ngày, ông Chương đi khảo sát các công trình xây dựng nhà gỗ. Ban đêm, ông nghiên cứu và tự hình dung, phác thảo các khối hình trong đầu. Nhờ vậy, ông vừa có thể làm việc đồng áng vừa giúp đỡ người khác xây nhà. Sau hơn 10 năm, ông đã thành thạo kỹ thuật xây nhà gỗ.
Khoảng năm 1988, Thạch Thiện Chương cảm thấy đây là thời điểm thích hợp để khởi nghiệp. Ông quyết định xây dựng ngôi nhà gỗ đầu tiên có hai tòa tháp, ba tầng, với diện tích khoảng 200m2. Mọi công đoạn đều do ông tự thực hiện, từ chọn nguyên liệu là gỗ thông đến cắt, mài, vận chuyển, đóng bàn ghế… Chính vì thế, Thạch Thiện Chương vô cùng tự hào về công trình này.
Sau khi ngôi nhà hoàn thành, người dân trong làng dần tìm đến ông để nhờ xây dựng nhà. Nhờ bàn tay khéo léo cùng trí nhớ ấn tượng, ông đã xây dựng khoảng 2/3 số nhà gỗ trong làng. Trong khoảng 20 năm, hơn 200 ngôi nhà gỗ đã được Thạch Thiện Chương dựng nên.
Một trong những điều khiến nhiều người ngưỡng mộ ông là việc ông không bao giờ dùng bản vẽ thiết kế. Ông chỉ lắng nghe mong muốn của gia chủ, sau đó hình dung trong đầu và bắt tay vào làm việc. Không những thế, kiến trúc nhà gỗ truyền thống của người Động là dạng nhà sàn, nhiều tầng, mái dốc, đặc biệt không sử dụng đinh thép. Tất cả các mối nối đều là cấu trúc mộng và chốt gỗ.

Không cần bản vẽ, chỉ dựa vào trí nhớ nhưng ông có thể đánh dấu chính xác để mộng và lỗ mộng vừa khít, đảm bảo sự ổn định và vững chắc của toàn bộ công trình. Con trai ông chia sẻ với truyền thông rằng tòa nhà gỗ đôi mà gia đình anh đang ở hiện nay được chính cha mình xây dựng cách đây hơn 30 năm. Công trình có hình dáng độc đáo và đến nay vẫn chưa hề lỗi thời. Dù đã cao tuổi, ông vẫn không tự mãn mà luôn học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng mới, cố gắng áp dụng các khái niệm kiến trúc hiện đại vào công trình gỗ truyền thống, với hy vọng góp phần gìn giữ và phát triển nghề xây dựng nhà gỗ.
Tính đến nay, các ngôi nhà do ông xây dựng đã vượt qua thử thách thời gian, đứng vững suốt nhiều thập kỷ.
Năm 2019, ông được vinh danh là người kế thừa tiêu biểu kỹ thuật xây dựng nhà gỗ của dân tộc Động – một di sản văn hóa phi vật thể của huyện tự trị dân tộc Động Tam Giang.

Năm ngoái, khi ông đang xây dựng một tòa nhà gỗ ba tầng, con trai ông đã phát trực tiếp quá trình thi công. Buổi livestream nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, khiến Thạch Thiện Chương được nhiều người biết đến và ca ngợi là "sự tái sinh của Lỗ Ban".
Từ đó, ông nhận được nhiều lời mời xây nhà từ khắp nơi trên cả nước. Hiện tại, ông đang truyền dạy lại kỹ thuật dựng nhà truyền thống cho con cháu và học trò. Đây được xem là một di sản văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc Động.
Kỹ thuật dựng nhà gỗ của người Động là một trong những biểu hiện đặc sắc nhất của văn hóa dân gian truyền thống tại khu vực cư trú của dân tộc này. Đây cũng là một trong những dự án tiêu biểu đầu tiên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Điểm nổi bật của phương pháp xây dựng này là sử dụng kỹ thuật ghép mộng và chốt thay vì đinh hoặc đinh tán. Nhờ đó, các công trình không chỉ bền vững hàng trăm năm trước tác động của thời tiết mà còn có giá trị thẩm mỹ cao và thể hiện trình độ thủ công tinh xảo.
Nguồn: Sohu
>>Căn nhà cổ 200 tuổi hiếm có được dựng hoàn toàn bằng gỗ mít, có tầng hầm chứa được 10 người