Dịp giáp Tết Nguyên đán 2024 cũng là thời điểm rất nhiều hộ dân ở huyện Krông Pa (Gia Lai) tất bật chuẩn bị làm món bò một nắng đón Tết và bán cho du khách thập phương.
Huyện Krông Pa là vùng đất cằn cỗi nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai. Đây là khu vực có thời tiết rất khắc nghiệt, nắng nóng quanh năm và được ví là "chảo lửa" Krông Pa.
Tuy nhiên, đây lại là vùng đất có rất nhiều sản vật nức tiếng. Nổi bật trong số đó phải kể đến món bò một nắng Krông Pa thơm ngon.
Hầu hết các hộ dân tại huyện Krông Pa đều chăn nuôi từ 1-2 con bò, có những hộ lên đến vài chục, thậm chí hàng trăm con để tăng gia sản xuất vươn lên làm giàu, đồng thời tập quán này cũng nhằm đáp ứng cho sản xuất món bò một nắng trứ danh.
Cứ mỗi độ Tết sắp đến, không khí sản xuất, chế biến các món ăn từ bò như bò một nắng, khô bò, bò xé sợi,... càng trở nên nhộn nhịp, náo nhiệt ở các cơ sở, hộ gia đình nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và ngoài tỉnh.
Anh Mai Văn Huỳnh (chủ cơ sở bò một nắng Quỳnh Ngân) chia sẻ, dịp cuối năm cây cối đâm chồi nảy lộc, bò cũng béo và cho chất lượng thịt tốt hơn. Đây cũng là thời điểm tất bật khi nhà nhà ai cũng làm việc hết công suất, người cắt thịt, người băm sả, ớt, giã muối làm món bò một nắng.
"Để chuẩn bị phục vụ cho việc làm bò một nắng, heo một nắng, vào đợt cao điểm mỗi tuần cơ sở tôi sản xuất cả tạ bò gửi đi khắp cả nước. Các sản phẩm thường được bán với giá từ 300 - 600 ngàn/1kg. Cũng nhờ bán các sản phẩm địa phương mà gia đình chúng tôi có thêm một nguồn thu nhập lớn” anh Huỳnh cho hay.
Giữa cái nắng gắt của vùng “chảo lửa” Krông Pa (Gia Lai), chị Nguyễn Thị Nụ - chủ cơ sở bò một nắng ở Krông Pa kể, để có món bò một nắng ngon, ngay từ lúc tờ mờ sáng chị đã đi chợ chọn kỹ từng miếng thịt đùi, thăn bò đỏ au rồi về sơ chế, cắt lát to bằng bàn tay, tẩm ướp để làm ra món đặc sản bò một nắng Krông Pa.
Theo chị Nụ, tiền thân của món bò một nắng chính là công thức làm món nai một nắng của các thợ săn người đồng bào Jrai. Ban đầu việc phơi thịt chỉ đơn giản nhằm mục đích bảo quản thịt không bị hư hỏng khi đi săn trong rừng nhiều ngày. Do vậy, gia vị làm ra món ăn này không cần quá cầu kỳ, chỉ ướp đơn giản với một chút muối, mì chính và ít ớt cay mang theo khi đi săn bắn.
"Theo thời gian, thịt nai cũng ít dần, công thức làm món ăn dân dã này theo đó cũng đã cải tiến thay thế bằng thịt bò và nêm nếm thêm một số gia vị cho phù hợp với khẩu vị hơn. Giờ đây, món bò một nắng đã dần quen thuộc và không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người Gia Lai", chị Nụ cho hay.
Nói về khó khăn trong việc làm món bò một nắng Krông Pa, chị Nụ thông tin dịp gần tết thỉnh thoảng lại có vài trận mưa phùn khiến người dân làm bò một nắng rất lo lắng, bởi trời mưa miếng bò khi phơi ra sẽ không cho đúng chuẩn vị bò một nắng Krông Pa, trời cứ nắng thật to thì món bò này lại càng ngon, càng thơm, màu đỏ của bò lại càng tươi và bắt mắt.
Chia sẻ về thu nhập từ việc làm món bò một nắng, chị Nụ thông tin, cứ mỗi dịp cuối năm gia đình chị thu nhập lên đến cả trăm triệu đồng, có những gia đình làm nhiều thì việc kiếm vài trăm triệu là chuyện bình thường.
Tết của người Gia Lai không quá cầu kỳ, đôi khi chỉ cần vài miếng bò một nắng, nướng sơ qua trên bếp than hoa, thêm chén muối kiến vàng giã ớt cay, vài lát dưa leo là cả gia đình, anh em, bạn bè đã có ngồi bên nhau nâng ly chúc mừng năm mới.
Hương vị ngọt thơm của từng thớ thịt bò tơ được tẩm ướp với ớt, tỏi, hành, sả nướng lên thơm lừng, chấm kèm với chút muối kiến vàng vẫn là “vị quê” mà những người con đất Gia Lai khi xa nhà nhớ mãi.