Người Đức 'say mê' một đặc sản nên trở thành khách hàng trung thành của Việt Nam, 4 tháng đầu năm nước ta thu về 3,8 tỷ USD
Ngoài ra, các thị trường mới nổi như Algeria, Bỉ và đặc biệt là Mexico cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm.
Dù sản lượng sụt giảm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 vẫn lập kỷ lục về kim ngạch, nhờ giá tăng vọt. Theo số liệu mới công bố từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê đạt gần 3,8 tỷ USD – mức cao nhất từ trước đến nay, tăng tới 51,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, dù sản lượng giảm gần 10%.
Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 4/2025, Việt Nam xuất khẩu 665.889 tấn cà phê, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh 67,6% lên mức 5.700 USD/tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn bứt phá ấn tượng.
Riêng trong tháng 4/2025, Việt Nam xuất khẩu 166.606 tấn cà phê, thu về 965,83 triệu USD, với giá trung bình 5.797 USD/tấn – giảm nhẹ so với tháng 3 (cả về lượng, kim ngạch và giá), nhưng vẫn nhỉnh hơn tháng 4 năm ngoái.
Thị trường châu Âu tiếp tục dẫn đầu
Đức tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 17% tổng lượng xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2025. Tổng khối lượng cà phê xuất sang Đức đạt 112.843 tấn, trị giá 628,12 triệu USD, tăng 17% về lượng, tăng gần gấp đôi về kim ngạch (97,6%) và tăng 69% về giá so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 4, xuất khẩu sang Đức đạt 27.889 tấn, trị giá 153,51 triệu USD, giảm so với tháng 3.
![]() |
Đức tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam Ảnh minh hoạ |
>> Cây cà phê giống 'cháy' hàng
Đứng thứ hai là thị trường Italia, với 57.798 tấn cà phê, tương đương 307,66 triệu USD, giá trung bình 5.323 USD/tấn. Dù khối lượng giảm 21,8%, nhưng nhờ giá tăng mạnh 71,1%, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 33,8%.
Tây Ban Nha cũng là điểm sáng với kim ngạch 292,55 triệu USD cho 50.142 tấn cà phê. Dù lượng giảm 9,4%, nhưng giá tăng 51,4% đã giúp tổng giá trị tăng vọt 67,1%.
Ngoài ra, các thị trường mới nổi như Algeria, Bỉ và đặc biệt là Mexico cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm.
Trong khi xuất khẩu cà phê sang các thị trường truyền thống tăng trưởng tốt, thị trường Trung Quốc ghi nhận xu hướng trái chiều. Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2025, nước này nhập khẩu 48.300 tấn cà phê, trị giá 315,9 triệu USD – giảm mạnh 41,7% về lượng và 8,7% về trị giá.
Đáng chú ý, nhập khẩu cà phê từ Việt Nam vào Trung Quốc đạt 5.850 tấn, giảm 14% về lượng, nhưng trị giá lại tăng 53,8% nhờ giá tăng mạnh 78,9%, đạt trung bình 5.334 USD/tấn. Nhờ đó, thị phần cà phê Việt Nam tại Trung Quốc tăng từ 8,21% lên 12,10% – một bước tiến lớn trong bối cảnh Trung Quốc giảm nhập từ các thị trường lớn khác như Brazil và Colombia.
Giá cà phê "trượt dốc" đầu tháng 5
Dù xuất khẩu đạt kết quả ấn tượng, thị trường nội địa lại ghi nhận diễn biến kém sôi động. Đầu tháng 5/2025, giá cà phê tại Tây Nguyên bất ngờ lao dốc mạnh từ 2.200 – 2.500 đồng/kg, xuống còn 125.000 – 125.500 đồng/kg. Nguồn cung trong nước không dồi dào, người dân bán ra cầm chừng khiến giao dịch trầm lắng.
Trong khi đó Giá cà phê Arabica tương lai giao dịch quanh mức 3,81 đô la một pound, gần mức thấp nhất kể từ ngày 22 tháng 4, trong bối cảnh kỳ vọng về nguồn cung cao hơn. Các dự báo đang chỉ ra rằng vụ thu hoạch cà phê của Brazil sẽ tăng đáng kể. Theo Safras & Mercado, sản lượng cà phê của Brazil cho mùa vụ 2025/26 hiện ước tính đạt 65,51 triệu bao 60 kg, tăng gần 5% so với dự đoán trước đó. Với việc điều chỉnh tăng sản lượng hạt cà phê Arabica và Canephora, con số này chỉ giảm 1% so với vụ thu hoạch trước. Trong khi đó, đại diện từ illycaffè cho biết thêm rằng vụ thu hoạch Arabica năm 2025 của Brazil có thể giảm ít hơn dự kiến ban đầu, nhờ vào lượng mưa trong tháng 4. Conab thuộc sở hữu nhà nước gần đây đã nâng dự báo thu hoạch Arabica lên 37 triệu bao 60 kg, mặc dù vẫn dự đoán mức giảm hàng năm là 6,6%. Trong khi đó, Honduras, quốc gia trồng cà phê Arabica hàng đầu Trung Mỹ, dự kiến sẽ tăng sản lượng cà phê thêm 5,1% lên 5,8 triệu bao trong niên vụ 2025/26, theo USDA.
Dù gặp một số trở ngại ngắn hạn về nguồn cung và sự sụt giảm từ thị trường Trung Quốc, xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn cho thấy sức bật mạnh nhờ giá cao và tăng trưởng ổn định ở các thị trường trọng điểm. Với giá cà phê thế giới vẫn ở mức cao và nhu cầu tiêu dùng phục hồi tại châu Âu, ngành cà phê Việt Nam có cơ hội giữ vững đà tăng trưởng trong những tháng tới.
>> Bất ngờ với quốc gia mua cà phê Việt nhiều gấp 54 lần, vượt cả Trung Quốc