Đại chiến chuỗi cà phê Việt 2025: Kẻ phình to, người teo tóp
Khi Phúc Long, Katinat, Highlands Coffee và Starbucks đồng loạt mở rộng hiện diện, thì The Coffee House lại ngậm ngùi đóng cửa gần 1/3 số cửa hàng chỉ trong vòng một năm.
Theo báo cáo mới nhất về xu hướng chuỗi bán lẻ hiện đại tại Việt Nam do Q&Me công bố, Phúc Long là cái tên tăng trưởng ấn tượng nhất trong năm qua. Sau khi về chung nhà với tập đoàn Masan, chuỗi này đã mở thêm 79 cửa hàng, nâng tổng số lên 237 điểm bán, tương đương mức tăng trưởng tới 50%.
Chiến lược “đưa cà phê vào siêu thị” của Phúc Long cho thấy sự nhanh nhạy trong việc tận dụng lợi thế hệ sinh thái WinMart để triển khai mô hình kiosk. Bằng cách cắt giảm chi phí mặt bằng, tiếp cận tập khách hàng trung lưu và mở rộng diện rộng mà không cần đầu tư vào cửa hàng truyền thống, Phúc Long đang chứng minh hiệu quả từ mô hình lai (hybrid) giữa kiosk và flagship.
Theo sau là Katinat, thương hiệu đang nổi lên như một “hiện tượng Gen Z”. Với tốc độ tăng trưởng 35%, từ 69 lên 93 cửa hàng, Katinat tập trung vào những vị trí đắc địa như ngã tư, ngã ba trung tâm thành phố và đầu tư mạnh vào thiết kế không gian mang tính thẩm mỹ cao. Cộng với mức giá “phải chăng” từ 40.000 – 60.000 đồng/ly, thương hiệu này dễ dàng tiếp cận lớp khách hàng trẻ, ưa chuộng sự “trendy” và không gian sống ảo.
![]() |
Highlands Coffee vẫn duy trì phong độ tăng trưởng. Ảnh minh họa |
>> Chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam duy trì ngôi vương, lãi gần 3 tỷ/ngày
Trong khi đó, Starbucks, đại diện quốc tế duy nhất trong danh sách, vẫn giữ chiến lược “tăng trưởng chọn lọc”. Tăng 22% số lượng cửa hàng (từ 104 lên 127), chuỗi cà phê Mỹ này tập trung duy trì định vị cao cấp, đảm bảo tính đồng nhất trong trải nghiệm và chất lượng dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh chương trình khách hàng thân thiết và thanh toán không tiền mặt.
Không thể không nhắc đến Highlands Coffee, chuỗi có quy mô lớn nhất cả nước với 855 cửa hàng, tăng thêm 85 điểm chỉ trong một năm. Với khẩu hiệu “phủ sóng toàn quốc”, Highlands hướng đến phục vụ đa dạng đối tượng từ dân văn phòng, sinh viên đến người dân địa phương, chủ yếu thông qua các sản phẩm phổ thông và mô hình vận hành linh hoạt.
Trái ngược với xu hướng bành trướng của các đối thủ, The Coffee House lại giảm từ 141 xuống còn 93 cửa hàng, tương đương mức sụt giảm 34%. Một động thái được giới chuyên môn cho là nằm trong nỗ lực “tự cứu mình” sau chuỗi năm kinh doanh thua lỗ.
![]() |
The Coffee House sụt giảm 34%. Ảnh minh họa |
>> Chuỗi cà phê giá rẻ hàng đầu Trung Quốc lên kế hoạch trở lại Mỹ, tấn công trực diện vào Starbucks
Theo dữ liệu từ Vietdata, năm 2023, The Coffee House ghi nhận doanh thu khoảng 700 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước, trong khi khoản lỗ sau thuế vẫn duy trì trên 100 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2022, chuỗi này đã lỗ lũy kế đến 1.170 tỷ đồng, trở thành một trong hai chuỗi lớn báo lỗ nặng nề nhất, cùng với Ông Bầu.
Việc nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh rời khỏi vị trí CEO được cho là bước ngoặt khiến thương hiệu mất dần bản sắc. Menu không có nhiều đổi mới, định vị thương hiệu trở nên mờ nhạt trong bối cảnh khách hàng ngày càng có nhiều lựa chọn từ “cà phê sang giá rẻ” như Katinat đến “trải nghiệm quốc tế” như Starbucks.
Việc từng thử sức với trà sữa qua thương hiệu Ten Ren nhưng thất bại với việc đóng toàn bộ 23 cửa hàng trong chưa đầy 2 năm càng cho thấy thách thức của The Coffee House khi tìm hướng đi mới.
Cuối năm 2024, thương vụ Golden Gate mua lại 99,98% cổ phần The Coffee House với mức giá khoảng 270 tỷ đồng đã tạo ra bước ngoặt đáng chú ý. Với hệ sinh thái F&B rộng lớn, từ Gogi House, Manwah đến Kichi-Kichi, Golden Gate được kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho The Coffee House thông qua tái cấu trúc, cải tổ vận hành và định vị lại thương hiệu.
Hiện tại, chuỗi này đang chuyển hướng sang kênh bán hàng online và phát triển ứng dụng đặt hàng riêng. Theo nguồn tin nội bộ, các giao dịch trực tuyến đã chiếm khoảng 50% tổng lượng bán hàng mỗi ngày.
>> KFC, Highlands Coffee, Trung Nguyên Legend và cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường F&B 2024
Đánh bại Starbucks, chuỗi cà phê bình dân sắp mở thêm 200 cửa hàng trên khắp Đông Nam Á
Chuỗi cà phê lớn nhất tại Việt Nam sở hữu 850 cửa hàng, 'đút túi' 13 tỷ đồng doanh thu mỗi ngày