Người duy nhất trong lịch sử được cả Hoàng đế và dân gian tôn xưng là 'Phu Tử', khiến 4 vị vua chúa trọng vọng, tới tận lều cỏ mời ra giúp nước

04-05-2024 07:01|Quỳnh Châu

Ông tuy không có địa vị khoa bảng cao, chỉ dạy học rồi lui về ở ẩn nhưng vẫn vang danh cả nước, được người dân nể phục.

Người đạo hạnh thanh cao, có trình độ uyên bác

Nguyễn Thiếp sinh năm 1723 trong một gia đình hiếu học tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Áo, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay thuộc Can Lộc, Hà Tĩnh). Bố ông là Quản lĩnh Nguyễn Quang Trạch, mẹ người họ Nguyễn.

Tượng đài La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp tại Nghệ An. Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại

Tượng đài La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp tại Nghệ An. Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại

Ông ham học từ nhỏ, đến tuổi trưởng thành phải xa nhà, theo chú lên Thái Nguyên học. Nhưng chỉ được hai năm, người chú mất, Nguyễn Thiếp phải tự tìm đường về Hà Nội. Đến Đông Anh thì ông ốm nặng, may có người giúp đỡ nên thoát chết nhưng lại mắc di chứng tâm thần.

Theo lời Nguyễn Thiếp kể trong Hạnh Am ký, khi bệnh phát, đầu óc ông hoang mang, không biết làm gì cả. "Chứng bệnh này, với người ham học như ông, quả là một tai họa ghê gớm", tác giả Trần Lê Sáng viết trong cuốn Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp - ba bậc thầy của nền giáo dục Việt Nam.

Dù bị chứng tâm thần, Nguyễn Thiếp vẫn tự đấu tranh tư tưởng, kiềm chế được bệnh và chủ động trong vấn đề học tập. Năm 1743, ông thi đỗ Hương giải, được bổ làm Huấn Đạo rồi thăng Tri Huyện Thanh Chương (Nghệ An). Ra làm quan giữa thời buổi nhiễu nhương, với cảnh tượng “chúa ác, vua hèn”, giặc giã liên miên, càng ngày Nguyễn Thiếp càng bộc lộ nỗi ưu thời mẫn thế, chán ghét chốn quan trường.

Năm 1786, Nguyễn Thiếp quyết định rũ áo, từ quan, lên núi Thiên Nhẫn lập trại và bắt đầu sống cuộc đời ẩn cư với danh hiệu La Sơn Phu Tử. Ông đã dạy học và đi đây đó khắp núi Hồng, sông Lam. Qua hơn 10 năm dạy học trong nhân dân, uy tín của Nguyễn Thiếp được lưu truyền, lan tỏa khắp cả nước. Ông nổi tiếng là người đạo hạnh thanh cao, có trình độ uyên bác. Cả nước hâm mộ tôn ông là bậc thầy. Ông cũng là con người cao sĩ, sống ẩn dật. Chúa Trịnh nhiều lần mời ông ra làm quan, nhưng ông từ chối. Chỉ đến khi vua Quang Trung kiên nhẫn cầu hiền đến ba lần, ông mới nhận lời giúp.

Nguyễn Thiếp từng nhiều lần từ chối lời mời của Nguyễn Huệ. Ảnh minh họa/Báo Giáo dục & Thời đại

Nguyễn Thiếp từng nhiều lần từ chối lời mời của Nguyễn Huệ. Ảnh minh họa/Báo Giáo dục & Thời đại

Sau khi đại thắng quân Thanh, năm 1791, vua Quang Trung cho mời Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân để bàn việc quốc gia đại sự. Cảm động trước sự chân tình của vị vua “áo vải cờ đào”, ông nhận lời giúp vua, cứu nước, đã có những đóng góp to lớn cho nhà Tây Sơn với cương vị cố vấn cấp cao của triều đình, được vua Quang Trung hết mực tin tưởng.

"Bộ não" của nền giáo dục Tây Sơn

Sau khi Quang Trung đánh đuổi giặc Thanh, Nguyễn Thiếp trở thành một trong những vị học giả được vua tin cậy nhất. Vua biết ông không thích tham gia chính sự nên chỉ nhờ giải quyết những việc có tính chất học thuật và đặc biệt giao hẳn cho ông việc tổ chức nền giáo dục mới. Vua Quang Trung rất quý trọng học vấn và tư cách của Nguyễn Thiếp nên phong ông là La Sơn Phu Tử, gọi là Tiên sinh chứ không gọi tên.

Năm 1791, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp viết tấu lên vua trả lời ba việc về đạo làm vua. Một là vua phải làm thế nào để thực hiện một ông vua có đức. Hai là vua phải làm thế nào để lòng dân quy thuận. Ba là việc giáo dục phải tổ chức thế nào cho có hiệu quả.

Theo Nguyễn Thiếp, việc học cần ở chỗ thiết thực. "Người không học, không biết đạo", ông cho rằng kẻ đi học chỉ để học điều ấy.

Thời đó, vua Quang Trung muốn mời La Sơn Phu Tử ở lại Phú Xuân dạy học cho chính mình và khuếch trương nền giáo dục của đất nước nhưng Nguyễn Thiếp đã về trường cũ, tiếp tục hàng loạt cải cách giáo dục theo sự gợi ý của vua.

Khi vua Quang Trung thành lập Viện Sùng Chính tại nơi ở của Nguyễn Thiếp, vua đã mời ông làm Viện trưởng. Sau đó, nhà vua tiếp tục ban bố Chiếu lập học, khuyến khích các xã mở trường học, những người đã trúng tuyển ở kỳ thi cũ phải thi lại, những người dùng tiền bạc để mua bằng cấp thì phải thu hồi.

Công việc của Viện Sùng Chính có ý nghĩa rất lớn đối với việc đặt cơ sở cho công cuộc cải cách giáo dục của nhà Tây Sơn. Công lao lớn nhất của Nguyễn Thiếp là thực hiện chủ trương của vua Quang Trung đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước ta. Ông đã dịch nhiều bộ sách quan trọng từ chữ Hán sang chữ Nôm, như các bộ: Tiểu học, Tứ thư (gồm 32 tập) và các bộ Kinh thi, Kinh thư, Kinh dịch... sang chữ Nôm để chuẩn bị quy chế mới về học tập và thi cử dưới thời Tây Sơn.

Tháng 9/1792, vua Quang Trung đột ngột băng hà, mọi lo toan cho sự nghiệp giáo dục của La Sơn Phu Tử bị đứt quãng; mọi cố gắng của ông cũng thành dang dở. Sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh vẫn có lòng kính trọng nhất định, ngỏ ý muốn mời Nguyễn Thiếp ra giúp triều đình nhưng ông đã từ chối. Nguyễn Thiếp về lại Thiên Nhẫn, tiếp tục sống cuộc đời ẩn dật như xưa, không bận lòng đến thế sự. Hai năm sau, ngày 25 tháng Chạp năm Quý Hợi (1804), ông mất tại quê nhà.

Đền thờ La Sơn Phu Tử - Nguyễn Thiếp ở xã Kim Song Trường (Can Lộc, Hà Tĩnh). Ảnh: Thiên Vỹ/Báo Hà Tĩnh

Đền thờ La Sơn Phu Tử - Nguyễn Thiếp ở xã Kim Song Trường (Can Lộc, Hà Tĩnh). Ảnh: Thiên Vỹ/Báo Hà Tĩnh

Báo Pháp Luật dẫn lời nhận xét của ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh: "Đương thời, Nguyễn Thiếp được người dân suy tôn làm Phu Tử, uy tín lừng lẫy. Ông tuy không có địa vị khoa bảng cao, chỉ dạy học rồi lui về ở ẩn nhưng vẫn vang danh cả nước, được người dân nể phục. Danh tiếng của ông do phẩm chất cao thượng, quá trình tu dưỡng và những đóng góp của ông cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục mà thành.

Nguyễn Thiếp là tấm gương sáng chói về tri thức và đạo đức cho nhiều thế hệ ở Việt Nam. Ông là người duy nhất được cả vua, cụ thể là Hoàng đế Quang Trung, lẫn dân gian vinh danh “Phu Tử”. Nguyễn Thiếp cũng là trường hợp duy nhất trong lịch sử nước ta được tất cả các quân vương đương thời, từ Chúa Trịnh Sâm, Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ, Hoàng đế Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản cho đến Chúa Nguyễn Ánh, trọng vọng và khẩn cầu giúp trị nước.

Đặc biệt, Nguyễn Huệ đã 7 lần gửi thư, chiếu cho cụ và 4 lần hội kiến với ông. Trong tư cách cố vấn tối cao của Hoàng đế Quang Trung cả trong thời chiến lẫn thời bình, Nguyễn Thiếp thực sự là một vị quốc sư. Chính trên cương vị này, Nguyễn Thiếp đã có những đóng góp to lớn và nổi trội cho quốc gia và dân tộc Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về giáo dục".

Tham khảo:

- Nguyễn Thiếp - nhà sư phạm quyết tâm cải cách giáo dục - Báo VnExpress

- La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp: Bộ não của nền giáo dục thời Tây Sơn - Báo Giáo dục & Thời đại

- 300 năm ngày sinh La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp (1723 - 2023): Người tâm huyết với đạo học - Báo Pháp Luật

- La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp với Nhà Tây Sơn - Bảo tàng Quang Trung

>> Vị quan lỗi lạc được vua Lê Thái Tổ trọng thưởng, ban chức Ngự sử không cần thi cử: Gắn với vụ oan 'bát cháo lươn', 2 lần đi sứ nhà Minh rạng danh đất nước

Nữ Trạng nguyên đầu tiên và duy nhất trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam

Nữ Trạng nguyên duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam: Giả trai đi thi Trạng, được mệnh danh là ‘bà chúa Sao Sa’ bởi quá xinh đẹp và tài năng

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nguoi-duy-nhat-trong-lich-su-duoc-ca-hoang-de-va-dan-gian-ton-xung-la-phu-tu-khien-4-vi-vua-chua-trong-vong-toi-tan-leu-co-moi-ra-giup-nuoc-d121767.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Người duy nhất trong lịch sử được cả Hoàng đế và dân gian tôn xưng là 'Phu Tử', khiến 4 vị vua chúa trọng vọng, tới tận lều cỏ mời ra giúp nước
    POWERED BY ONECMS & INTECH