Tên tuổi của vị quan từng làm quan dưới 3 triều vua Lê, làm rạng danh đất nước làm nhiều người ca tụng không ngớt.
Vị quan được đặt tên theo tiếng hổ gầm
Ngự sử Bùi Cầm Hổ là một trong những vị quan lỗi lạc, liêm khiết, cương trực trong lịch sử Việt Nam. Theo sử sách ghi lại, ông sinh sống ở chân núi Bạch Tỵ, xã Đậu Liêu, huyện Thiên Lộc, nay là phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông sinh năm 1390, mất năm 1483, là con trai của cụ Bùi Tôn Đường. Từ khi sinh ra, quanh nhà ông Bùi Cầm Hổ toàn tiếng hổ gầm, được phán là điềm lành nên gia đình đặt tên ông với ý nghĩa họ Bùi bắt được hổ.
Từ nhỏ, ông Bùi Cầm Hổ đã nổi tiếng là người thông minh, sáng dạ và vô cùng ngay thẳng, tướng mạo lại phi phàm. Ông được cả gia đình kỳ vọng, tin tưởng sẽ làm nên nghiệp lớn trong tương lai. Vì vậy, lớn lên ông được bố mẹ cho ra Thăng Long để dùi mài kinh sự, với hy vọng con sẽ đỗ đạt, thành tài.
Nổi tiếng nhờ vụ án oan "bát cháo lươn", được vua Lê phong chức quan
Trong thời gian miệt mài sự nghiệp bút nghiên trên Thăng Long, ông Bùi Cầm Hổ vô tình nghe về câu chuyện 1 người vợ bị nghi giết chồng vì sau khi nấu cho chồng ăn bát cháo lươn. Quan xét xử yêu cầu nhốt người vợ này vào ngục. Thấy sự tình còn nhiều uẩn khúc, ông Bùi Cầm Hổ xin gỡ tội cho người phụ nữ xấu số này và tìm ra chân tướng sự việc. Ông yêu cầu mua loại lươn vàng, đầu cất cao như rắn lại có lốm đốm đen ở đầu về và thử nghiệm. Khi đến công đường, Bùi Cầm Hổ cho tử tù ăn loại lươn mới mua, kết quả tử tù đột ngột qua đời. Điều này đồng nghĩa với việc loại lươn này quả thật có độc và người phụ nữ được kết luận vô tội.
Ông Bùi Cầm Hổ nổi tiếng thông minh, phá được án oan cho 1 người phụ nữ. Ảnh: Tiền Phong
Bùi Cầm Hổ cũng giải thích rằng loài vật này trông rất giống lươn nhưng thực ra là rắn có độc. Vì không biết nên người vợ đã vô tình nấu cho chồng ăn khiến chồng qua đời trong khi chính cô cũng không hiểu rõ lý do.
Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) sau khi nghe câu chuyện Bùi Cầm Hổ giải được án oan giết người đã mời ông vào triều trọng thưởng, sau đó ban cho chức quan Ngự sử. Ông là người hiếm hoi được vua ban chức quan thay vì phải thi cử gian nan.
Quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ làm quan suốt 30 năm, dưới 3 đời vua đầu thời Hậu Lê là vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông. Ông nổi tiếng là 1 vị quan thanh liêm, một lòng cống hiến vì đất nước, vì nhân dân.
Đặc biệt, trong những năm tháng làm quan trong triều, tên tuổi của Ngự sử Bùi Cầm Hổ còn gây tiếng vang vì 2 lần đi sứ nhà Minh làm rạng danh Tổ quốc. Vào năm 1438, khi quan tổ châu Tư Lãng phủ Thái Bình nổi dậy, ông đã đích thân tố cáo điều này với vua Minh, cuối cùng ổn định được vùng biên. Ông được đánh giá là nhà ngoại giao có tài, có chiến lược.Không chỉ vậy, ông còn từng tham gia dẹp loạn biên giới, trấn thủ tại Lạng Sơn 2 năm.
Về quê năm 70 tuổi, vẫn đau đáu nỗi lo giúp dân
Vào năm 70 tuổi, quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ quyết định rời kinh, về quê an dưỡng tuổi già. Vùng đất quê hương của vị quan này thường xuyên phải chịu thời tiết khắc nghiệt, dễ xảy ra hạn hán vào mùa khô nên đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Là 1 người học rộng tài cao, lại hết lòng phụng sự vì nhân dân, vì đất nước, quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ không chịu ngồi yên.
Ông nhận thấy nước mưa thường từ núi Hồng Lĩnh chảy ra huyện Nghi Xuân rồi chảy xuống biển nên đã huy động nhân dân đắp 1 bờ đá nhằm chắn dòng Thác Bạc. Việc này giúp nước mưa dội xuống đồng ruộng theo đúng dự tính của ông. Từ ấy trở đi, đời sống người dân vùng này cũng được tăng lên bởi đất đai không còn khô cằn, hoa màu thôi héo úa, người dân yên tâm làm ăn, canh tác.
Đóng góp của vị quan họ Bùi khiến người dân vô cùng biết ơn. Mọi người đều nể phục ông Bùi Cầm Hổ vì sự thông minh, trí đức lại có lòng thương dân vô hạn. Tới tận tuổi nghỉ hưu, ông vẫn cống hiến hết mình chỉ mong sao người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vị quan được dân chúng yêu quý, lập đền thờ
Những công lao của Ngự sử Bùi Cầm Hổ đối với nhân dân, đất nước được toàn thể người dân ghi nhận. Sau khi ông mất vào năm 1483, hưởng thọ 93 tuổi, người dân ở quê nhà và dòng họ đã quyết định lập 1 đền thờ để tưởng nhớ dưới chân núi Bạch Tỵ. Dù qua nhiều mốc thời gian lịch sử, đền thờ quan Bùi Cầm Hổ bị xuống cấp nhưng nay người ta đã phục dựng cẩn thận, chỉn chu.
Đền thờ trước kia của Ngự sử Bùi Cầm Hổ. Ảnh: Internet
Thượng điện của ngôi đền gây chú ý vì được làm bằng gỗ lim, hoành phi rắn chắc, lâu đời. Trong ngôi đền, người ta vẫn lưu giữ được những di vật của Ngự sử họ Bùi như áo, mũ cùng đạo sắc phong của vua.
Vào năm 1992, đền thờ ông Bùi Cầm Hổ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hàng năm, người dân địa phương và con cháu thường tổ chức lễ báo ân cho Ngự sử Bùi Cầm Hổ vào tháng chạp. Đây cũng là dịp nhiều người dân muôn nơi tìm về thắp hương và vái vọng, tỏ lòng kính nể, biết ơn công lao của vị quan này.
Đền thờ vị vua họ Bùi ngày nay. Ảnh: Đức Hùng
Những di vật vẫn còn được lưu giữ của vị vua liêm khiết. Ảnh: Đức Hùng
Sau rất nhiều thế kỷ, cái tên Ngự sử Bùi Cầm Hổ vẫn ghi sâu trong trí nhớ của không ít người Việt. Những công lao, tiếng tăm của ông sẽ còn mãi với non sông gấm vóc Việt Nam.
Tham khảo:
- Vị quan triều Lê được đặt tên theo tiếng hổ gầm - Báo VnExpress
- Ngôi đền thờ vị quan tài năng chưa đỗ đạt đã được ban chức Ngự sử - Chuyên trang Du lịch Báo Lao Động
- Vị quan tài năng dưới 3 triều vua Lê nổi tiếng với vụ án oan "bát cháo lươn" - Trang thông tin điện tử tổng hợp Eva