Người phụ nữ gửi tiết kiệm ngân hàng hơn 7 tỷ đồng, đến rút thì 'bốc hơi' về 0: Ngân hàng từ chối đền bù, tòa án 'vạch mặt' cựu nhân viên
Chỉ vì một sai lầm trong quá khứ, người phụ nữ mất đi toàn bộ số tiền tiết kiệm trong tài khoản.
Mẹ của cô Lý chăm chỉ làm lụng, tiết kiệm nhiều năm và có một khoản tiền gửi ngân hàng. Năm 2020, người phụ nữ này bất ngờ nhập viện vì đột quỵ, cô Lý phải nhanh chóng thu xếp công việc vào viện với mẹ.
Trước khi đến bệnh viện, cô Lý lo lắng rằng số tiền mặt mang theo có thể không đủ nên đã ghé qua nhà mẹ để lấy sổ tiết kiệm được ủy quyền nhằm đến phòng giao dịch rút tiền. Tuy nhiên, khi đến nơi, cô bất ngờ nhận được thông báo từ nhân viên ngân hàng rằng tài khoản không còn tiền và số dư chỉ là con số 0. Nhân viên còn cho biết số tiền đã được chuyển sang một tài khoản khác. Thông tin này khiến cô Lý vô cùng sửng sốt, bởi cô chắc chắn rằng tài khoản tiết kiệm của mẹ mình đang có 2,1 triệu NDT (tương đương 7,3 tỷ đồng). Điều khó hiểu là mẹ cô không hề tiêu dùng gì, vậy làm thế nào mà số tiền trong tài khoản lại bốc hơi hoàn toàn?
Để làm rõ mọi chuyện, cô Lý khẩn thiết yêu cầu được xem sao kê tài khoản. Tuy nhiên, yêu cầu hợp lý này lại vấp phải sự từ chối của nhân viên ngân hàng. Lý do đưa ra là phải có sự đồng ý của quản lý. Đáng tiếc, quản lý lại đang đi công tác, khiến cô Lý rơi vào thế khó.
Tuy nhiên, sau nửa tháng mong chờ mà không có hồi âm, người phụ nữ không thể nào yên lòng. Cô quyết định trực tiếp đến ngân hàng để làm rõ mọi chuyện. Tại đây, giám đốc ngân hàng khẳng định rằng mọi giao dịch đều diễn ra bình thường nhưng những lời giải thích đó vẫn không thể xua tan đi nỗi lo lắng trong lòng cô.
Khi ngân hàng không đưa ra được giải pháp xử lý thỏa đáng, cô Lý quyết định trình báo sự việc lên cảnh sát địa phương. Ngay sau khi nhận được thông tin và tiến hành điều tra, cảnh sát đã xác định thủ phạm chính là một cựu nhân viên ngân hàng. Người này khai nhận toàn bộ sự thật cùng thủ thuật lừa đảo mẹ cô Lý.
Vì không am hiểu các thủ tục phức tạp của ngân hàng, cụ bà đã giao toàn bộ thông tin cá nhân của mình cho giao dịch viên để nhờ hỗ trợ. Người này dần trở thành một gương mặt quen thuộc và gây dựng được sự tin tưởng hoàn toàn từ cụ bà. Qua thời gian, mối quan hệ giữa hai người trở nên thân thiết hơn.
Trong một lần tiếp đón cụ bà tại ngân hàng, nhân viên ngân hàng nói trên đề xuất bà nên thiết lập thêm tính năng bảo mật trên ứng dụng ngân hàng để tăng cường an toàn cho tài khoản. Không rành về công nghệ, bà đã đưa điện thoại của mình cho hắn xử lý mà không hề nghi ngờ gì.
Sau đó, hắn lợi dụng lòng tin của cụ bà, rút tiền tiết kiệm này đi đầu tư và không thể hoàn trả vì vỡ nợ. Sau khi sự việc vỡ lở, ngân hàng khẳng định không liên quan và không có trách nhiệm gì. Cựu nhân viên ngân hàng thừa nhận mọi lỗi lầm và muốn trả lại số tiền đã lấy từ mẹ cô Lý nhưng không có khả năng trả toàn bộ.
Hắn đề xuất phương án hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt trong vòng 20 năm, đồng nghĩa với việc gia đình cô Lý sẽ nhận được 10.000 NDT mỗi tháng (tương đương 35 triệu đồng). Không đồng ý với giải pháp này, gia đình nạn nhân quyết định đưa vụ việc ra tòa án. Sau quá trình xét xử, tòa án đã đưa ra phán quyết cuối cùng: Kẻ chủ mưu phải chịu trách nhiệm chính trong việc hoàn trả toàn bộ số tiền cho gia đình cô Lý. Đồng thời, ngân hàng cũng bị yêu cầu phải chịu trách nhiệm giám sát hắn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này.
Vì cựu nhân viên ngân hàng không có số tiền lớn để trả nợ nên ngân hàng đã đồng ý cho hắn tạm ứng khoản tiền 2,1 triệu NDT. Bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng, người đàn ông này còn phải đối mặt với các bản án khác do những hành vi vi phạm pháp luật mà anh ta đã thực hiện.