Người dân tại Hà Nội đang ngày càng khó tiếp cận với nhà ở hơn do sự thiếu hụt về nguồn cung căn hộ sơ cấp, đẩy giá nhà tăng liên tục.
Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý I/2022 của CBRE Việt Nam cho biết, có khoảng 3.500 căn hộ chung cư mở bán trong quý đầu năm, giảm 39% theo quý và 20% theo năm. Phần lớn nguồn cung mới đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu (6 dự án).
Nguồn cung mới khan hiếm, trong khi tỷ lệ người tìm mua nhà mới tăng cao, đã đẩy giá chung cư tiếp tục đi lên. Khảo sát giá chào mua qua hệ thống Batdongsan.com.vn cho thấy, mặt bằng giá chung cư tăng 10 - 15% trong quý I/2022, trong đó giá bán phân khúc trung cấp (chiếm chủ đạo nguồn cung mới) ở quanh mức 40 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).
Do không tìm được các dự án mới mở bán có giá phù hợp với điều kiện tài chính, nhiều người có xu hướng tìm đến các căn hộ chung cư cũ (đã sử dụng từ 3 - 5 năm) trên thị trường thứ cấp, song giá các sản phẩm này cũng đã tăng cao, trung bình khoảng 30 triệu đồng/m2.
Đại diện CBRE Việt Nam nhận định, giá nhà Hà Nội không ngừng leo thang là do nguồn cung căn hộ mới trong nội đô khan hiếm, nếu có thì cũng tập trung tại những khu vực trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa… nên có giá rất cao. Bên cạnh đó là do xu hướng nâng cấp định vị các dự án khu đô thị diễn ra những năm gần đây.
Còn ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay, việc tăng giá bán còn đến từ nguyên nhân thủ tục đầu tư kéo dài quá lâu và giá vật liệu xây dựng không ngừng tăng buộc các chủ đầu tư phải đẩy giá lên tương ứng để đảm bảo lợi nhuận.
“Nếu một dự án nhà ở thương mại được triển khai suôn sẻ trong 3 năm thì chi phí quản lý doanh nghiệp thường chiếm khoảng 5%/giá thành, nhưng vừa qua, quãng thời gian này kéo dài thêm gấp rưỡi hoặc gấp đôi làm đội lên nhiều chi phí”, ông Đính nói.
“Với hiện trạng giá vật liệu xây dựng tăng cao trong 2 năm nay, nếu bây giờ làm nhà giá rẻ, phù hợp với túi tiền của đại bộ phận người dân (dưới 25 triệu đồng/m2 như hiện tại hoặc dưới 20 triệu đồng/m2 như trước đây) thì các chủ đầu tư sẽ chắc chắn lỗ”, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch VACC cùng chia sẻ.
Ở một góc nhìn khác, TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho hay, việc giá nhà tăng cao cũng một phần xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp thu gom lượng lớn đất đai để phát triển dự án, nhưng thực chất chỉ “làm có lệ” nhằm mục đích “găm giữ” đất chờ giá tăng, trong khi các nhà phát triển thực thụ lại thiếu đất, thiếu dự án trầm trọng.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam, sau những xáo trộn bởi dịch bệnh vừa qua, năm 2022 được xem là năm bản lề cho giai đoạn phát triển tiếp theo của nền kinh tế. Do đó, giá bất động sản sẽ còn tăng và tốc độ tăng phụ thuộc vào khả năng hấp thụ và mức độ chấp nhận của thị trường.
Trên thực tế, giá chung cư liên tục đi lên, trong khi thu nhập của đại bộ phận người lao động thành thị lại chưa thể theo kịp tốc độ tăng giá nhà.
Trong khi đó, với thực trạng hiện nay, để kéo giảm giá nhà là rất khó, nhà ở xã hội nguồn cung nhỏ giọt, hàng loạt dự án nằm “đắp chiếu” do những vướng mắc, ách tắc về thủ tục hành chính. Việc giá nhà tăng cao được cho là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, với mục tiêu là tới năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, trong đó diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28 m2 sàn/người và khu vực nông thôn đạt 26 m2 sàn/người.