Các doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn do lãi suất tăng cao, nguồn vốn khó tiếp cận.. Trong khi đó, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, hàng tồn kho nhiều.
Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn
Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) vừa có báo cáo gửi Ủy ban nhân dân Thành phố về hoạt động sản xuất kinh doanh đến tháng 2/2023 của doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, khảo sát 100 doanh nghiệp trên địa bàn, có tới 83% đơn vị đang gặp khó khăn. Cụ thể, có 43% doanh nghiệp gặp khó khi lãi suất vay cao; 40% đơn vị khó tiếp cận nguồn vốn và 38,2% doanh nghiệp phản ánh thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó, có 41,2% doanh nghiệp cho biết thị trường bị thu hẹp; hơn 30% doanh nghiệp gặp khó khi hàng tồn kho nhiều...
Không chỉ câu chuyện lãi suất mà việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn vì nhiều lý do, trong đó có quy định về tài sản đảm bảo. Việc tiếp cận vốn tiếp tục khó khăn ở nhiều góc độ. Một doanh nghiệp sản xuất với phần lớn tài sản là máy móc thiết bị và hàng tồn kho… khả năng để được ngân hàng chấp thuận tài sản bảo đảm để được vay vốn rất hạn chế.
Đối với ngành dệt may, HUBA nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này gặp khó khăn do ảnh hưởng lãi suất tăng cao và tỷ giá USD đang biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu, dẫn đến sức ép giảm lợi nhuận đầu năm.
Mặt khác, do lãi suất ngân hàng quá cao nên doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, cố gắng vượt qua giai đoạn này và hạn chế đầu tư trong năm nay.
Trong khi đó, đơn hàng đầu năm của ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ vẫn tiếp tục giảm mạnh, dự kiến còn giảm đến hết quý II với mức giảm khoảng 50-60%.
Còn các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm hoạt động cần ứng trước chi phí trả trước mùa vụ, nguồn cung dự trữ trong khi áp lực đầu vào tăng cao. Doanh nghiệp cần vay vốn với mức lãi suất phù hợp để giữ chân khách hàng, giữ thị trường.
Đối với lĩnh vực bất động sản, HUBA đánh giá hiện rất khó khăn và đi vào suy thoái trong kim ngạch xuất khẩu của ngành vật liệu xây dựng cũng sụt giảm nghiêm trọng.
Về lực lượng lao động, khảo sát của HUBA cho thấy số doanh nghiệp lớn đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. Điều này xảy ra là bất thường so với các năm trước, với lý do không có đơn hàng dự trữ.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quý II năm 2022 xuống còn 65% của quý này. Đây là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới.
Các doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý II/2023 vẫn còn khó khăn khi sức mua của các thị trường toàn cầu ở mức thấp.
Hỗ trợ về vốn, lãi suất
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đế kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/nin sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay.
Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay. Đồng thời khống chế trần lãi suất, giữ mức lãi suất cho vay khoảng 8%-8,5%.
Doanh nghiệp cũng kiến nghị ngân hàng thương mại đẩy mạnh thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, quan tâm cơ cáu nợ, giữ nhóm nợ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Kiến nghị ngân hàng Nhà nước có kế hoạch giảm lãi vay hỗ trợ tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu.
Song song đó, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét miễn giảm thuế thu nhập cá nhân trong năm 2023 bởi người làm công ăn lương là những cá nhân và gia đình ảnh hưởng rất nhiều từ dịch bệnh COVID-19 đến nay nhưng thuế thu nhập cá nhân chưa được ưu đãi như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất.
Đồng thời để giải quyết tình hình hết sức khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, nhà nước tiếp tục thực hiện áp dụng thuế giá trị gia tăng 8% cho tất cả các ngành kinh tế tới hết năm 2023.
Ngoài ra, HUBA cũng kiến nghị các chính sách gia hạn nợ vay, chính sách về trái phiếu, thuế, chính sách kích cầu đầu tư, cải cách hành chính… để hỗ trợ doanh nghiệp.