Thế giới

Nhà đầu tư bất ngờ rút vốn ồ ạt, ‘quay xe’ sang châu Âu: Chuyện gì đang xảy ra với siêu cường số 1 thế giới?

Thanh Lê 08/04/2025 15:02

Lần đầu tiên sau nhiều năm, trong làn sóng tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn cho dòng vốn đầu tư, trái phiếu kho bạc Mỹ đang đối mặt với sự cạnh tranh nghiêm trọng từ các thị trường khác.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm khoảng 40 điểm cơ bản kể từ đầu năm, từng có thời điểm tụt xuống dưới 4% vào thứ Hai sau loạt đòn thuế quan của Tổng thống Donald Trump.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu tương đương tại châu Âu và Nhật Bản lại tăng.

Nhà đầu tư bất ngờ rút vốn ồ ạt, ‘quay xe’ sang châu Âu: Chuyện gì đang xảy ra với siêu cường 1 thế giới? - ảnh 1
Trái phiếu kho bạc Mỹ đang đối mặt với sự cạnh tranh nghiêm trọng từ các thị trường khác

Tại Đức, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm hiện ở mức 2,61%, phản ánh khả năng Chính phủ sẽ phát hành hàng loạt trái phiếu để tài trợ cho chi tiêu quốc phòng. Ở Nhật Bản, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm – vốn quanh mức 0% trong nhiều năm – đã tăng vọt lên khoảng 1,25% khi nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần cho chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Dù vẫn thấp hơn lợi suất trái phiếu Mỹ, nhưng mức lợi suất hiện tại tại châu Âu và Nhật Bản trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư tại hai khu vực này khi họ phòng ngừa rủi ro tỷ giá đồng USD khi mua trái phiếu Mỹ. Điều này có thể khiến dòng vốn đầu tư quay trở lại thị trường trong nước – nơi mà triển vọng chính sách ổn định hơn.

“Các chính sách của chính quyền Mỹ đang dần làm suy yếu nhu cầu trái phiếu kho bạc từ nhà đầu tư nước ngoài”, Matthew Raskin, Trưởng bộ phận nghiên cứu lãi suất Mỹ tại Deutsche Bank nhận định.

Điều này cho thấy vị thế “đặc biệt” của Mỹ đang dần phai nhạt, kéo theo những hệ lụy lâu dài: Deutsche Bank cảnh báo về một cuộc “khủng hoảng niềm tin” vào đồng USD, trong khi UBS cho rằng đây là cơ hội để đồng euro nâng cao vị thế như một đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Tuy nhiên, vẫn cần có sự thận trọng. Hồi giữa năm 2023, trái phiếu Đức cũng từng được đánh giá hấp dẫn, nhưng sau đó một đợt bán tháo mạnh ở thị trường trái phiếu Mỹ đã đẩy lợi suất 10 năm lên tới 5%, làm mất đi lợi thế của châu Âu. Nếu chiến tranh thương mại làm gia tăng lạm phát, lợi suất trái phiếu Mỹ có thể lại tăng cao.

Việc những thay đổi dòng vốn đang được thảo luận đã cho thấy nhà đầu tư toàn cầu đang chuẩn bị tinh thần cho việc châu Âu có thể đóng vai trò lớn hơn trong thị trường tài chính quốc tế, đặc biệt khi cạnh tranh dòng vốn đang ngày càng khốc liệt. Điều này có thể khiến thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ trở nên dễ tổn thương hơn, nhất là trong bối cảnh nguồn cung có thể tiếp tục tăng mạnh.

Một bài kiểm tra quan trọng sẽ đến vào thứ Ba, khi Chính phủ Mỹ chuẩn bị phát hành 58 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 3 năm, tiếp theo sẽ là trái phiếu kỳ hạn 10 và 30 năm trong tuần này.

Hiện tại, các biến động giá gần đây đang tạo nên một nghịch lý: nhà đầu tư đổ xô vào trái phiếu Mỹ như một kênh trú ẩn trong bối cảnh chiến tranh thương mại, làm tăng giá trái phiếu và mang lại lợi nhuận cho người nắm giữ. Nhưng vì lợi suất di chuyển ngược chiều với giá, những người mua mới lại đối mặt với mức lợi suất thấp hơn – kém hấp dẫn hơn.

Nhà đầu tư bất ngờ rút vốn ồ ạt, ‘quay xe’ sang châu Âu: Chuyện gì đang xảy ra với siêu cường 1 thế giới? - ảnh 2
Chủ sở hữu nước ngoài tập trung vào trái phiếu kho bạc dài hạn

Trong quá khứ, thâm hụt ngân sách của Mỹ được tài trợ một phần bởi dòng vốn quốc tế tìm kiếm cơ hội từ trái phiếu kho bạc. Theo phân tích của Barclays, nhà đầu tư nước ngoài hiện nắm giữ khoảng 30% thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ và là nhóm mua ròng lớn nhất trong năm ngoái – tổng cộng 910 tỷ USD, trong đó khoảng một nửa là trái phiếu chính phủ.

Đáng chú ý, phần lớn lượng trái phiếu Mỹ do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đều có kỳ hạn dài, theo dữ liệu từ Chính phủ Mỹ. Khi nhu cầu giảm, điều này có thể khiến đường cong lợi suất Mỹ dốc hơn, theo Ales Koutny – Giám đốc bộ phận lãi suất quốc tế tại Vanguard.

Một dấu hiệu ban đầu cho thấy cách nhà đầu tư đang phản ứng với sự thay đổi toàn cầu có thể xuất hiện trong vài ngày tới. Tại Nhật Bản, năm tài chính mới vừa bắt đầu. Nhật Bản là một nhân tố lớn trên thị trường trái phiếu toàn cầu do chính sách lãi suất siêu thấp kéo dài của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản khiến nhà đầu tư buộc phải tìm kiếm lợi suất ở các thị trường khác.

“Sẽ có dòng vốn chuyển dịch từ Nhật sang châu Âu do lợi suất hấp dẫn hơn", Hideo Shimomura – Giám đốc danh mục cấp cao tại Fivestar Asset Management nhận định. “Tôi nghĩ đây sẽ là xu hướng chung của nhà đầu tư Nhật”.

Đức là nước tiên phong cho sự chuyển dịch này khi vào tháng 3. Chính phủ nước này công bố kế hoạch giải ngân hàng trăm tỷ euro cho quốc phòng và hạ tầng – kéo lợi suất Bund tăng vọt vì kỳ vọng sẽ có lượng lớn trái phiếu được phát hành để tài trợ.

Với nguồn tiết kiệm dồi dào, châu Âu hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của chính phủ Mỹ, đồng thời đóng vai trò không nhỏ trong việc tài trợ cho doanh nghiệp Mỹ. Nếu các quốc gia châu Âu tăng cường đầu tư, phần tiết kiệm này nhiều khả năng sẽ ở lại trong nước thay vì chảy sang Mỹ.

Trong khi đó, chính sách của Mỹ dưới thời Trump đang tạo ra sự bất ổn, làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu kho bạc. Ngoài cuộc chiến thương mại, ông Trump còn gây chấn động chính trường nội bộ khi thúc đẩy thu hẹp quy mô chính phủ liên bang và làm rạn nứt quan hệ với các đồng minh truyền thống khi bày tỏ mong muốn “mua lại” kênh đào Panama, Greenland và cả Canada.

“Thị trường quốc tế đang thực sự hoang mang trước các nguyên tắc chính sách hiện tại và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ chắc chắn của lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai", Mark Howard – nhà phân tích chiến lược tại BNP Paribas cho biết.

Dù thế nào đi nữa, ngày càng nhiều nhà đầu tư và chuyên gia chiến lược đang chuẩn bị tinh thần cho một chu kỳ tăng lợi suất tại châu Âu. Ông Howard dự báo “quá trình quay lại xu hướng đầu tư mang tính dân tộc sẽ diễn ra từ từ" và cho rằng “lợi suất cao hơn ở châu Âu và Nhật Bản sẽ đủ để thỏa mãn xu hướng này".

“Nếu chúng ta đang bước vào một giai đoạn phi toàn cầu hóa trong dài hạn, điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cán cân cung cầu của trái phiếu Mỹ kỳ hạn dài", Chitrang Purani – Giám đốc danh mục đầu tư tại Capital Group chia sẻ.

>> 9.500 tỷ USD 'bốc hơi' trong 3 ngày: Nhà đầu tư tháo chạy, chuyên gia cảnh báo ’chưa phải đáy’

Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu với tốc độ không tưởng rồi đổ vào trái phiếu, chuyện gì đang xảy ra?

Rủi ro thị trường trái phiếu rung chuyển, nền kinh tế đối diện hàng loạt cú sốc: Siêu cường số 1 thế giới 'lung lay'?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nha-dau-tu-bat-ngo-rut-von-o-at-quay-xe-sang-chau-au-chuyen-gi-dang-xay-ra-voi-sieu-cuong-1-the-gioi-139993.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhà đầu tư bất ngờ rút vốn ồ ạt, ‘quay xe’ sang châu Âu: Chuyện gì đang xảy ra với siêu cường số 1 thế giới?
    POWERED BY ONECMS & INTECH