Ngay cả khi trần nợ công của Mỹ được nâng lên mà không xảy ra vỡ nợ, nhiều nhà đầu tư dự đoán khó khăn vẫn còn.
Chính phủ Mỹ đang ngày càng tiến gần hơn đến nguy cơ vỡ nợ và tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen cảnh báo rằng vụ việc sẽ “phá vỡ nền tảng đã giúp xây dựng nên hệ thống tài chính toàn cầu”.
Trong bối cảnh đó, chỉ số S&P 500 đã tăng 9,2% từ đầu năm nay, lên mức cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Mức độ biến động trên thị trường thì giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021.
Khi khủng hoảng trần nợ xảy ra vào năm 2011, S&P 500 đã sụt hơn 15% kể từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8, khi S&P hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ.
Các nhà phân tích của BlackRock dự báo lần này bối cảnh kinh tế còn tồi tệ hơn. Thời điểm năm 2011, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang hỗ trợ thị trường với lãi suất thấp và nhà đầu tư thì đang lo lắng về tình trạng giảm phát.
Nhà đầu tư "tháo chạy"...
Nhiều nhà đầu tư đang rút tiền từ các quỹ chứng khoán trong tháng thứ 7 liên tiếp. Dữ liệu của Refinitiv cho thấy họ đã rút gần 24 tỷ USD trong ba tuần đầu tháng 5.
Ngày X - thời điểm chính phủ Mỹ cạn sạch tiền, càng làm trầm trọng thêm nỗi sợ của nhà đầu tư về một đợt giảm giá khác trên thị trường chứng khoán.
Các cá nhân đã mua trái phiếu Kho bạc và rót tiền vào các quỹ thị trường tiền tệ đang bất an về tác động của một vụ vỡ nợ đến các khoản đầu tư của họ.
Một số khác tìm nơi trú ẩn trong các chứng khoán nợ của chính phủ nhưng tránh xa trái phiếu Kho bạc ngắn hạn để mua vào các trái phiếu dài hạn.
Nhu cầu gia tăng đã giúp giữ lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 5 năm thấp hơn 0,5 điểm % so với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm.
Dòng vốn chảy vào các quỹ thị trường chứng khoán mỹ (Đơn vị: tỷ USD) |
Các nhà phân tích cho biết, lợi suất trái phiếu dài hạn có thể chịu nhiều áp lực hơn trong những tuần tới và các nhà giao dịch quyền chọn đang kỳ vọng về những biến động lớn. Lợi suất sẽ giảm khi giá trái phiếu tăng.
Ngay cả khi trần nợ công của Mỹ được nâng lên mà không xảy ra vỡ nợ, nhiều nhà đầu tư dự đoán khó khăn vẫn còn.
Nếu ông Biden nhượng bộ và đồng ý cắt giảm chi tiêu liên bang để đạt được thoả thuận với Đảng Cộng hoà, việc này có thể kìm hãm tăng trưởng, làm tổn hại đến lợi nhuận doanh nghiệp và đè nặng lên thị trường chứng khoán.
Cú sốc cho thị trường thậm chí còn lớn hơn nếu lạm phát không hạ nhiệt nhanh chóng như nhiều người kỳ vọng.
“Thị trường thực sự lạc quan rằng lạm phát sẽ lùi dần về mức mục tiêu của Fed. Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu lạm phát kẹt ở mức 3 hoặc 4%? Đó là rủi ro đuôi (tail risk) mà toàn bộ thị trường đều chưa chuẩn bị đón nhận”, chiến lược gia Michael de pass của Citadel Securities cảnh báo.