Nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam được Nhật Bản phong hàm Giáo sư: Người khai sinh ra con chip điện tử ‘made in Vietnam’, trích lương hưu để cấp học bổng cho sinh viên
Ông được coi là nhà khoa học hàng đầu về vi mạch tại Việt Nam, Nhật Bản và có ảnh hưởng tại nhiều quốc gia.
Người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản phong hàm Giáo sư
Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô, sinh năm 1936 tại Kiến An, Hải Phòng, là một trong những nhà khoa học Việt Nam tiêu biểu, để lại dấu ấn sâu sắc trên lĩnh vực khoa học và công nghệ điện tử toàn cầu. Hành trình học tập và cống hiến của ông là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp trung học, ông cùng gia đình di cư vào TP. HCM. Tại đây, ông xuất sắc đỗ Thủ khoa vào Trường Kỹ sư Công nghệ (tiền thân của Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa TP. HCM).
Năm 1957, khi mới 21 tuổi, ông nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản và sang học ngành Điện tử tại Đại học Tokyo. Với thành tích học tập xuất sắc, ông tốt nghiệp năm 1962, lấy bằng Thạc sĩ hai năm sau và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học vào năm 1968.
Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ, ông trở thành chuyên viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Trung ương Toshiba Nhật Bản, nơi ông góp phần phát triển nhiều công trình nghiên cứu tiên tiến.
Không chỉ thành công ở nước ngoài, Giáo sư Đặng Lương Mô còn chọn con đường trở về quê hương cống hiến. Ông giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM) và Học viện Quốc gia Kỹ thuật (nay là Đại học Bách khoa TP. HCM). Tại đây, ông giữ chức Giám đốc Trường Điện (nay là Chủ nhiệm Khoa Điện) và đến năm 1973, ông được đề bạt làm Viện trưởng Học viện Quốc gia Kỹ thuật.
Năm 1976, ông trở lại Nhật Bản làm chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Trung ương Toshiba. Năm 1983, ông được phong Giáo sư vì có nhiều công trình khoa học điện tử được áp dụng trong thực tiễn. Ông từng kể, khi Đại học Hosei, Tokyo mở Khoa Điện tử - Tin học, cần một Giáo sư đầu ngành làm Chủ nhiệm, ông được phong hàm Giáo sư thực thụ để đảm nhiệm vai trò này. “Thật không ngờ, mình là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản phong hàm Giáo sư”, Giáo sư Đặng Lương Mô nói.
Ông đã có hơn 300 công trình nghiên cứu và hơn 10 bằng phát minh, sáng chế. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được trích đăng hoặc trích dẫn trong các sách nghiên cứu xuất bản tại Mỹ, nhất là sách giáo khoa sử dụng tại các đại học Mỹ. Với những thành tựu đó, Giáo sư Đặng Lương Mô đã làm rạng danh người Việt Nam trên lĩnh vực khoa học của thế giới.
Người khai sinh ra bộ vi xử lý (chip) made in Việt Nam
Trong những năm tháng sống và làm việc ở nước ngoài, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô luôn hướng về quê hương, đóng góp không mệt mỏi trên cả hai lĩnh vực: đào tạo nhân tài và phát triển khoa học công nghệ.
Ngay từ năm 1989, ông đã vận động các trường đại học và quỹ tài trợ tại Nhật Bản hỗ trợ các giảng viên từ Trường Đại học Bách khoa TP. HCM và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM sang Nhật tu nghiệp. Đồng thời, ông thành lập và cung cấp thiết bị cho Phòng thí nghiệm Mô phỏng và Thiết kế vi mạch tại Khoa Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa TP. HCM…
Năm 2002, Giáo sư Đặng Lương Mô trở về Việt Nam định cư. Ngay sau đó, ông tham gia giảng dạy và hướng dẫn sau đại học tại Đại học Bách khoa TP. HCM. Không chỉ dừng lại ở giảng dạy, ông còn giữ vai trò Trưởng ban vận động thành lập Câu lạc bộ Khoa học Kỹ thuật Việt kiều, kết nối các trí thức Việt Nam trên toàn cầu.
Một trong những dấu ấn lớn của ông là đặt nền móng cho sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch (ICDREC), Phòng Nghiên cứu Thiết kế và Mô phỏng Vi mạch và Chương trình đào tạo sau đại học hướng vi điện tử thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM.
“Năm 2005, mình đề xuất thiết lập Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo Thiết kế vi mạch. Mình luôn đồng hành cùng Trung tâm và góp phần tích cực với Đại học Quốc gia TP. HCM chế tạo ‘con chip’ điện tử đầu tiên mang thương hiệu ‘made in Viet Nam’. Rất mừng là Chính phủ đã công nhận (Công nghệ Vi mạch - vị trí hàng đầu) trong 46 ngành Công nghệ cao được ưu tiên phát triển tại Việt Nam”, ông từng trả lời phỏng vấn trên Báo Dân tộc và Phát triển.
Nhiều công trình nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô đã được trích đăng hoặc trích dẫn trong các sách nghiên cứu xuất bản tại Mỹ, nhất là sách giáo khoa sử dụng tại các đại học Mỹ. Năm 1984, ông được Công ty Toshiba (Nhật Bản) trao bằng khen về thành tích nghiên cứu xuất sắc. Năm 1991, ông nhận bằng khen tại Hội nghị Quốc tế ICCAD vì những đóng góp xuất sắc.
Với những thành tựu này, ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học New York từ năm 1992 và trở thành Hội viên Thượng cấp của Hội Kỹ sư Điện - Điện tử - Tin học (IEEE) của Hoa Kỳ. Tại Nhật Bản, ông được trao nhiều bằng khen từ Viện Nghiên cứu Trung ương Toshiba và Đại học Hosei.
Ông còn là cầu nối cho Đại học Hosei và Đại học Bách khoa TP. HCM ký kết hiệp định hợp tác từ năm 1998. Theo đó, Đại học Hosei tài trợ chi phí sinh hoạt cho các giảng viên Đại học Bách khoa sang Nhật nghiên cứu. Từ đó đến nay, hàng chục giảng viên đã được hưởng lợi từ chương trình này.
Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu và đào tạo, hàng năm, Giáo sư Đặng Lương Mô trích một phần lương hưu để cấp học bổng cho các sinh viên xuất sắc gặp khó khăn.
Với những đóng góp không mệt mỏi của Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô, năm 2003, ông đã nhận bằng khen của UBND TP. HCM tặng cho kiều bào có công; Huy chương Vì sự nghiệp các hội khoa học kỹ thuật, Giải thưởng Vinh danh nước Việt dành cho những kiều bào Việt Nam đã làm vinh danh nước Việt trên thế giới (năm 2004)...
Ông cũng từng được vinh danh trong Danh sách Những người nổi tiếng thế giới (Marquis Who’s Who In The World).