Thị trường xăng dầu trong nước đang đứng tình trạng mất cân đối về cung - cầu. Thời gian gần đây, nhiều đại lý, cửa hàng đóng cửa hoặc thông báo tạm hết hàng.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành, nguồn cung xăng dầu trong nước lâu nay chủ yếu đến từ hai nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Dung Quất (thuộc CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn) với tỷ lệ khoảng 75% trong đó Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) chiếm 35% nguồn cung. Vì vậy, khi nhà máy này giảm cắt công suất hoạt động, thị trường đã bị ảnh hưởng.
Từ cuối năm 2021, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã công bố cắt giảm công suất, thậm chí có nguy cơ tạm dừng hoạt động do gặp khó khăn về tài chính. Lỗ lũy kế của doanh nghiệp đã lên tới hơn 60.000 tỷ đồng - vượt quy mô vốn chủ sở hữu.
Bên cạnh câu chuyện giảm công suất của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, theo các chuyên gia trong ngành, nguồn cung trên thị trường xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng của việc một số đại lý găm hàng để chờ kỳ điều chỉnh giá xăng dầu.
Hiện giá dầu thô trên thị trường thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 90 USD/thùng và đang hướng tới mốc 100 USD/thùng - tăng hơn 20% so với hai tháng trước.
Hiện nhiều giải pháp cân đối cung - cầu trên thị trường xăng dầu đã được Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan đưa ra. Về nguồn cung, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), một trong bốn bên tham gia liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang nỗ lực đàm phán với các đối tác góp vốn còn lại về giải pháp tái cấu trúc tổng thể nhà máy nhằm duy trì hoạt động nhà máy an toàn, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho các bên.
Lãnh đạo PVN khẳng định, những vướng mắc trước mắt của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đang được tháo gỡ và dự kiến từ giữa tháng 2/2022, nhà máy sẽ dần khôi phục sản xuất. Ngay khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn khôi phục hoạt động và Nhà máy Dung Quất tiếp tục duy trì việc vượt công suất, thị trường sẽ bình ổn trở lại.
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, nguồn cung xăng dầu hoàn toàn đảm bảo nhu cầu trong nước. Dẫn chứng là trong tháng 1, sản lượng xăng dầu do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cung cấp tăng so với cam kết hợp đồng là 18%, nguồn cung từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vượt 12%.
PVN cũng chỉ đạo CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn liên tục tăng công suất lên mức tối đa là 108%, tương ứng tăng thêm 30.000 m3/tháng đồng thời chỉ đạo Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) nhập khẩu và dự kiến ngày 22/2/2022 sẽ về 70.000 m3 xăng dầu.
Bộ Công thương sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng cơ chế điều hành giá xăng dầu phù hợp, linh hoạt hơn với thị trường.
Giới phân tích cũng đánh giá nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ tiếp tục dẫn sóng tăng trưởng trong quý I/2022 và đem lại cơ hội tốt cho nhà đầu tư.