Chứng khoán Aseansc dự báo trong phiên giao dịch 1/3/2022, áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.495 - 1.500 điểm có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng.
Tổng quan phiên 28/2:
Áp lực bán mạnh khiến nhóm cổ phiếu lớn tiếp tục lao dốc trong phiên chiều; VN-Index bị đẩy lùi về mốc 1.490 điểm khi đóng cửa.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index tuy đánh mất ngưỡng tâm lý 1.500 điểm nhưng vùng 1.485 - 1.490 vẫn đang cho phản ứng mỗi khi chỉ số chạm ngưỡng này. VN30-Index thậm chí còn giảm hơn 9 điểm, tiếp tục thu hẹp khoảng cách với chỉ số chính sàn HOSE.
Ngoài sắc đỏ của VIC, VN-Index tiếp tục chịu thêm áp lực giảm từ các cổ phiếu Large Cap trong phiên chiều như PNJ, MSN, HDB,… Ở chiều ngược lại, sắc xanh của ông lớn ngành sắt thép HPG đóng góp 1,5 điểm tăng cho chỉ số.
Với HNX-Index, PVS và TVC đang là hai mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số với mức đóng góp hơn 0,7 điểm. Trong khi đó, THD, BAB và IDC đang là những mã tác động tiêu cực nhất.
Nhóm cổ phiếu sắt thép và phân bón vẫn duy trì sự tích cực đến kết phiên như HSG và NKG kịch trần, POM (+4,6%), HPG (+2,8%), VIS (+2,5%); nhóm phân bón với DCM và DPM kịch trần, LAS (+9,5%), BFC (+3,4%).
Sóng tăng đã trở lại với họ dầu khí với hai mã PVS, PET tăng kịch trần trong khi PVB bứt phá với tỷ lệ tăng 7%, PVS (+3,3%), PVT (+2,5%), PVD (+2%),...
Trong khi đó phần lớn các ngành như bất động sản, vận tải kho bãi, ngân hàng, chứng khoán,… đều giao dịch khá ảm đạm.
Đóng cửa phiên, VN-Index giảm 8,76 điểm (0,58%) còn 1.490 điểm; HNX-Index tăng 0,26 điểm (0,06%) lên 440,42 điểm; UpCOM-Index giảm 0,46 điểm (0,32%) còn 112,3 điểm.
Thanh khoản thị trường suy giảm cho thấy dòng tiền vẫn đang lo ngại trước tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt trên 28.058 tỷ đồng - tương đương hơn 902 triệu đơn vị cổ phiếu được mua bán. Tính riêng trên HOSE, thanh khoản đạt 23.580 tỷ đồng - giảm 8% so với phiên thứ Sáu tuần trước.
Khối ngoại hiện bán ròng trên HOSE với giá trị xấp xỉ 240 tỷ đồng, trong đó HPG là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 89 tỷ đồng, tiếp theo lần lượt là VIC (54 tỷ đồng), POW (45 tỷ đồng)…
Nhận định phiên 1/3:
CTCK Asean (Aseansc): Giảm điểm trong phiên sáng
Dự báo trong phiên giao dịch 1/3, áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.495 - 1.500 điểm có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.485 - 1.490 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.475 - 1.480 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS): Dao động tích lũy trong vùng 1.480 - 1.520 điểm
VCBS đánh giá xu hướng hiện tại của VN-Index vẫn khá tích cực và thị trường sẽ cần thêm thông tin hỗ trợ để tiếp tục duy trì xu hướng này. Bên cạnh đó, giá các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như chỉ số VN-Index đều đang có xu hướng kiểm tra lại các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn gần nhất.
Chỉ số trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ vẫn là dao động tích lũy với thanh khoản không cao trong vùng 1.480 - 1.520 điểm.
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Có thể sẽ nhảy gap
SHS trên góc độ kỹ thuật nhận định diễn biến trong phiên giao dịch 1/3 có thể bị ảnh hưởng khá nhiều bởi kết quả đàm phán Nga-Ukraine.
Trong kịch bản tích cực, đàm phán diễn ra thuận lợi, VN-Index có thể bứt phá khỏi vùng giá hiện tại để lấy lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, nếu đàm phán thất bại và leo thang căng thẳng, VN-Index có thể sẽ cần lùi về các vùng hỗ trợ thấp hơn để tìm kiếm lực cầu bắt đáy. Trong bất kỳ kịch bản nào, khả năng thị trường nhảy gap trong phiên 1/3 là hoàn toàn có thể diễn ra.
VN-Index giảm 4 phiên liên tục, về lại 1.262 điểm
Nhận định chứng khoán 13/12: Cơ hội xuất hiện khi VN-Index về 1.260 điểm