Dự báo trong phiên giao dịch 21/6/2022, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.170 - 1.180 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.150 - 1.160 điểm.
Tổng quan thị trường chứng khoán ngày 20/6
Giống như 1 số phiên đầu tuần gần đây, VN-Index tiếp tục có 1 phiên giảm điểm mạnh và hầu như không có lực hồi phục. Các nhóm mạnh hơn thị trường thời gian gần đây như điện, dầu khí,... hôm nay cũng không chịu được áp lực bán chung của thị trường.
Nhìn toàn cảnh thị trường, dòng cổ phiếu mạnh đứng trước nguy cơ điều chỉnh ngắn trong khi nhóm cổ phiếu có quan hệ mật thiết với chỉ số như ngân hàng, chứng khoán,... lại chưa ngưng giảm và chưa có dấu hiệu tạo đáy.
Kết phiên, hàng loạt các Large Cap như GAS, BID, MSN, HPG, TCB đồng loạt lao dốc và kéo chỉ số VN-Index giảm sâu.
Chỉ số HNX-Index cũng chìm sâu trước sự sụt giảm mạnh của nhiều mã như PVS (-9,87%), IDC (-7%), NVB (-5,29%), CEO (-9,86%),…
Cổ phiếu ngành khai khoáng, chứng khoán và vật liệu xây dựng tiếp tục để lại thất vọng cho nhà đầu tư với nhiều cổ phiếu giảm sâu như nhóm dầu khí PVD, PVC, PVS (giảm kịch sàn); nhóm khai thác than có TNT (-6,9%), TC6 (-5,75%), TDN (-3,28%)…; cổ phiếu chứng khoán xuất hiện 13 mã giảm sàn BSI, ART, VCI, VDS, VND, SSI, HCM…; nhóm vật liệu xây dựng có HPG, HSG, NKG, VGS kịch sàn.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu thủy sản vẫn duy trì sắc xanh đến hết phiên. MPC tăng 7,1%, ACL tăng 6,9%, FMC tăng 2,6%, IDI tăng 2,7%; các mã SJ1, VHC và AAM thu hẹp sắc xanh và kết phiên với mức tăng quanh 1%.
Như dự báo trước đó của công ty chứng khoán, thị trường thời điểm hiện tại khá khó để đưa ra quyết định giải ngân, nhà đầu tư nên tập trung nghiên cứu các nhóm cổ phiếu ít ảnh hưởng bởi lạm phát và chờ đợi cơ hội khi xu hướng rõ ràng hơn.
Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 36,9 điểm (-3,03%) xuống 1.180,4 điểm; toàn sàn có 72 mã tăng, 407 mã giảm (139 mã giảm sàn) và 36 mã đứng giá. HNX-Index giảm 12,14 điểm (-4,33%) xuống 267,92 điểm; toàn sàn có 39 mã tăng, 178 mã giảm (54 mã giảm sàn) và 23 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,66 điểm (-1,91%) xuống 85,44 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên thứ Sáu tuần trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 17.071 tỷ đồng - giảm 4% trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm 5,8% xuống còn 14.734 tỷ đồng.
Về giao dịch của khối ngoại, khối này bán ròng tổng cộng 604 tỷ đồng trên sàn HOSE trong đó HPG và MWG là hai mã bị bán ròng nhiều nhất. Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 11.12 tỷ đồng, trong đó SHS là mã bị bán ròng nhiều nhất.
Nhận định thị trường chứng khoán ngày 21/6
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): Dòng tiền có xu hướng ủng hộ đà giảm
Việc chứng khoán Việt Nam có thể giảm xuống ngưỡng 1.160 - 1.180 khi Fed tăng lãi suất 0,75% được dự báo từ trước.
CTCK Asean (Aseansc): Kiểm định vùng hỗ trợ 1.170 - 1.180 điểm
Thị trường phiên 20/6 ghi nhận một phiên giảm điểm khá mạnh do áp lực giải chấp gia tăng, trong bối cảnh thanh khoản giảm khá nhưng vẫn cao hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế. Do đó, Aseansc cho rằng khả năng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính giảm điểm trước khi tìm được vùng cân bằng mới.
Dự báo trong phiên giao dịch 21/6/2022, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.170 - 1.180 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.150 - 1.160 điểm.
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Rủi ro phá đáy cao
Với tín hiệu sụt giảm về cuối phiên 20/6, chỉ số đã chính thức đánh mất vùng hỗ trợ gần quanh 1.200. Đây cũng là vùng then chốt có vai trò quyết định đến khả năng bảo toàn được vùng đáy ngắn hạn quanh 1.15x. Vì vậy, rủi ro phá đáy đang tăng lên mức cao và trong kịch bản đó, VN-Index sẽ tiếp tục hướng xuống vùng hỗ trợ mạnh kế tiếp tại quanh 1.120 (+/-20).
Nhận định chứng khoán 12/12: Thận trọng VN-Index điều chỉnh
VN-Index vùng 1.270-1.280 điểm: Dòng tiền lớn giữ giá để gom hàng?