Chứng khoán BSI cho rằng, trong những phiên tiếp theo (kể từ 9/2/2022), VN-Index có khả năng quay trở lại test ngưỡng MA20.
Tổng quan phiên 8/2:
Nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm hỗ trợ đà tăng cho thị trường phiên hôm nay. TCB, VPB, CTG, ACB, VIB,… giữ sắc xanh tới cuối phiên. Đáng tiếc là VCB và BID không thể đồng thuận mà giảm nhẹ nên lực kéo từ nhóm này không thật sự rõ rệt.
Vận tải, thép và thủy sản là 3 nhóm ngành nổi bật nhất phiên hôm nay. Cổ phiếu thép POM, HSG, NKG tăng trần, HPG cũng tăng tới gần 6%. Riêng HPG kéo VN-Index tăng tới gần 3 điểm. Sau nhiều ngày khiến nhà đầu tư buồn lòng liệu nhóm này đã “hồi tâm chuyển ý” để lấy lại xu hướng tăng?
Nhóm thủy sản là nhóm tăng tốt nhất phiên hôm nay, VHC, ANV, IDI, CMX tăng trần. Toàn nhóm này chỉ có 1 mã giảm điểm.
Ở nhóm vận tải, sắc xanh chiếm lĩnh nhóm này, đặc biệt là với các mã vận tải đường thủy như VSC, DXP, PJT đều tăng tốt.
Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,33 điểm (0,22%) lên 1.500,99 điểm; toàn sàn có 282 mã tăng, 169 mã giảm và 52 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,44 điểm (-0,34%) xuống 417,89 điểm; toàn sàn có 283 mã tăng, 165 mã giảm và 70 mã đứng giá. UpCOM-Index tăng 0,77 điểm (0,7%) lên 111,52 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 23.634 tỷ đồng - tăng 20,7% trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE tăng 23% lên mức 21.110 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng 348 tỷ đồng ở sàn HOSE trong đó vẫn tập trung "xả" VIC.
Nhận định phiên 9/2:
CTCK Yuanta Việt Nam: VN-Index có thể kiểm định lại ngưỡng 1.512 điểm?
Yuanta cho rằng, thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.512 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp đồng thời thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên Yuanta đánh giá dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu nhưng điểm tích cực là dòng tiền có xu hướng dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng mạnh cho thấy cơ hội ngắn hạn tiếp tục gia tăng.
CTCK Asean (ASEANSC): Sự giằng co có thể sẽ diễn ra?
Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến ‘Spinning top’ thứ 2 tại vùng kháng cự 1.505 – 1.510 điểm và "Gap up" tại vùng 1.485 – 1.490 điểm vẫn chưa được lấp là các tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy thị trường đang khó khăn trong việc thiết lập đà tăng, và rủi ro điều chỉnh vẫn còn hiện hữu. Điểm tích cực là thanh khoản cải thiện và giá đóng cửa vẫn nằm trên đường trung bình động 20 ngày (MA20 ngày).
Do đó, ASEANSC cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.495 – 1.500 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.485 – 1.490 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.505 – 1.510 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.515 – 1.520 điểm trong đó vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.
CTCK Mirae Asset: Thị trường đang ở trạng thái khả quan
Hiện điểm số kỹ thuật theo thang điểm của Mirae Asset đã quay về mức +7, thể hiện trạng thái khả quan trong ngắn hạn. Kết thúc phiên giao dịch 8/2, hệ số P/E của VN-Index là 17,0x.
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Có khả năng quay trở lại test ngưỡng MA20
Sau nhiều lần hụt hơi ngay trước vạch đích, cuối cùng VN-Index cũng thành công đóng cửa phiên 8/2 tại mốc 1.500,99, tăng nhẹ 3 điểm so với phiên 7/2. Trong những phiên tới, kể từ 9/2 VN-Index có khả năng quay trở lại test ngưỡng MA20.
[LIVE] Thị trường 12/12: VN-Index lấy lại sắc xanh, dòng tiền phân hóa
Chứng khoán đi ngang, nhóm quỹ ETF bị rút ròng hơn 34.000 tỷ đồng