Với mẫu hình nến trong phiên 7/2, có thể thấy thị trường có thể sẽ có những rung lắc cũng như giằng co quanh ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm trong phiên 8/2/2022.
Tổng quan phiên 7/2:
VCB là cổ phiếu có đóng góp tích cực khi góp hơn 4 điểm vào đà tăng của VN-Index; tiếp theo sau là các mã GAS, VHM, MSN, VJC, GVR, HVN,…
Ở chiều ngược lại, VIC với mức giảm sâu là mã có tác động tiêu cực nhất đến thị trường. CTG, BID, DIG lần lượt đứng ở những vị trí sau đó.
Ở nhóm VN30, sắc xanh chiếm được ưu thế lớn với 23 mã tăng, 5 mã giảm và 2 mã đứng giá. VJC tạo điểm nhấn với mức tăng hết biên độ, POW có đà tăng cận trần, GAS vượt hơn 5%, PLX chỉ còn tăng hơn 4% khi đã có lúc giao dịch trong sắc tím. VCB, MSN, GVR và PNJ là những mã vượt trên 3%.
Ở chiều ngược lại, VIC giảm sâu hơn 6% khi khối ngoại bán ròng mạnh ở mã này. CTG, BID, VPB và TPB là những mã còn lại của nhóm giảm.
Chỉ số ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí tăng trưởng gần 6% trong phiên đầu tuần nhờ vào sắc tím của các mã OCH, VNG, NVT, DAH, SDA. Tiếp theo sau là ngành vận tải - kho bãi với VJC, HVN, GMD, HAH, SKG,… cũng đã tăng hết biên độ.
Ở nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ, CIA, AST, FRT và CTF kịch trần, SVN bật mạnh 6%, PNJ tiến hơn 3%, HAX vượt 2% và sắc xanh nhẹ xuất hiện ở các mã còn lại.
Nhóm cổ phiếu họ FLC tiếp tục xuất hiện sắc tím ngày đầu năm. KLF, AMD, ROS, HAI và FLC kịch trần, ART tăng mạnh hơn 8%, trong khi đó GAB lại giảm nhẹ dưới mức tham chiếu.
Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng 18,7 điểm (1,26%) lên 1.497,66 điểm; toàn sàn có 382 mã tăng, 91 mã giảm và 32 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,6 điểm (0,62%) lên 419,33 điểm; toàn sàn có 197 mã tăng, 48 mã giảm và 28 mã đứng giá. UpCOM-Index tăng 1,02 điểm (0,93%) lên 110,75 điểm.
Thanh khoản thấp hơn phiên trước do giao dịch kém sôi động ở phiên chiều. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 19.582 tỷ đồng - giảm 11,6% trong đó giá trị khớp lệnh ở sàn HOSE giảm 10,5% xuống mức 17.152 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng trên sàn HOSE và HNX lần lượt hơn 300 tỷ đồng và 28 tỷ đồng. VHM, KBC và SSI là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh ở sàn HOSE. Đối với sàn HNX, PVS và CDN là những mã dẫn đầu nhóm mua ròng.
Nhận định phiên 8/2:
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): VN-Index có thể giằng co quanh 1.500 điểm
SHS đánh giá dù phiên 7/2 là một phiên tăng điểm nhưng thanh khoản trong phiên vẫn ở mức thấp hơn trung bình 12 phiên liên tiếp. Điều này cho thấy một bộ phận nhà đầu tư vẫn chưa quay trở lại thị trường. Với mẫu hình nến trong phiên 7/2, có thể thấy thị trường có thể sẽ có những rung lắc cũng như giằng co quanh ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm trong phiên 8/2.
Tuy nhiên, những rung lắc này có thể sẽ sớm qua đi để bước vào một nhịp tăng điểm hướng đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.530 - 1.550 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng 4).
CTCK MB (MBS): Hướng đến mốc 1.548 điểm
MBS cho rằng việc thị trường bật tăng mạnh mẽ sau kỳ lễ dài ngày cho phản ánh tâm lý nhà đầu tư bị dồn nén. Bên cạnh nhóm cổ phiếu dầu khí được hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu thế giới, thị trường cũng hướng tới các cổ phiếu được hưởng lợi từ sự mở cửa của nền kinh tế như: Hàng không, ô tô, cảng biển,… tâm lý nhà đầu tư cũng hưng phấn hơn khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng có phiên phục hồi ấn tượng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu Small Cap với mức tăng bình quân hơn 3% trong phiên 7/2.
MBS dự báo, đà tăng của thị trường sẽ tiếp diễn khi các tín hiệu kỹ thuật đang ủng hộ như chỉ số VN-Index đã lấy lại MA50, chỉ báo MACD cũng cho tín hiệu cắt lên,… đưa mục tiêu của chỉ số VN-Index hướng đến mốc 1.548 điểm.
CTCK Ngần hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS): Cơ hội sẽ nằm ở những cổ phiếu vốn hóa lớn
VCBS nhận định, việc áp lực điều chỉnh giảm có xu hướng gia tăng khi VN-Index vượt lên khỏi ngưỡng 1.500 điểm trong phiên 7/2 là điều dễ hiểu trong bối cảnh thị trường vẫn đang thiếu vắng một động lực hỗ trợ đủ mạnh. Công ty này cho rằng chỉ số sẽ cần thêm thời gian để tích lũy và ổn định lại mặt bằng giá quanh vùng điểm số 1.490 - 1.500 điểm.
CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN): Thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy
YSVN cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại đường trung bình 20 phiên (tức là mức 1.486 điểm) trong phiên giao dịch 8/2 đồng thời thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho thấy dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và dòng tiền có thể sẽ chưa tăng mạnh tại các mức giá cao, điều này cũng thường diễn ra vào mùa công bố kết quả kinh doanh hàng quý.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng mạnh từ vùng bi quan quá mức cho thấy cơ hội ngắn hạn tiếp tục gia tăng.
Nhận định chứng khoán 16 - 20/12: Cân nhắc khả năng VN-Index lùi về 1.240 điểm
Một cổ phiếu VN30 âm thầm vượt đỉnh năm trong tuần VN-Index giảm điểm