Chứng khoán Vietcombank - VCBS cho rằng, xu hướng của chỉ số trong tuần 29/11 - 3/12/2021 sẽ là kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ quanh ngưỡng 1.490 điểm và chờ đợi sự lan tỏa rộng hơn của sắc xanh ra các cổ phiếu khác trên thị trường trước khi có thể chinh phục các mốc kháng cự mới.
Nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán tuần từ 22 - 26/11
Kết tuần giao dịch, VN-Index tăng 40,68 điểm (+2,8%) lên 1.493,03 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 5% xuống 165.943 tỷ đồng, khối lượng giảm 9% xuống 5.341 triệu cổ phiếu;
HNX-Index tăng 4,66 điểm (+1,03%), lên 458,63 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 18,7% xuống 20.188 tỷ đồng, khối lượng giảm 26,2% xuống 724 triệu cổ phiếu.
Thanh khoản thị trường có phần giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 39.719 tỷ đồng/phiên, giảm 8,1%, trong đó, giá trị khớp lệnh giảm 10,6% và đạt 36.816 tỷ đồng/phiên.
Trong tuần, nhóm cổ phiếu trụ cột là ngân hàng với tăng mạnh nhất, thúc đẩy VN-Index lên đỉnh lịch sử mới tại trên 1.500 điểm vào phiên 25/11, với VCB (+8,1%), BID (+2,4%), CTG (+4,6%), TCB (+3,3%), MBB (+7,1%), VPB (+8,3%), ACB (+3,4%), HDB (+3,81%), STB (+10,6%), MSB (+12,8%), TPB (+9,2%), LOB (+5,3%), SSB (+11,78%), OCB (+14,3%), SHB (+7,3%)...
Nhóm cổ phiếu tài chính khác là công ty chứng khoán cũng góp sức với SSI (+10,3%), HCM (+4,5%), VCI (+6,2%), VND (+4%), FTS (+3,8%), CTS (+5,62%), SHS (+9,5%), MBS (+3,5%), BVS (+3,8%),
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng có tuần tăng khá với VIC (+3,9%), VHM (+3,5%), NVL (+8,3%), MSN (+6,9%), PDR (+5,62%), FPT (+3,8%), các mã VNM, MWG, VJC, BVH nhích hơn 1%.
Ở chiều ngược lại, ngành dầu khí tiếp tục giảm, với GAS (-3,8%), PLX (-4,4%), OIL (-5,5%), BSR (-2,8%), PVD (-7,7%), PVS (-4,2%), PVB (-3,5%), PVT (-2,7%)...
Tương tự như các tuần trước đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn đóng vai trò quan trọng giúp thị trường chứng khoán đi lên trong bối cảnh khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng mạnh.
Theo dữ liệu của FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước có tuần mua ròng thứ 4 liên tiếp trên HOSE với giá trị tăng 50% so với tuần trước đó và đạt 4.711 tỷ đồng. Tính chung cả 4 tuần giao dịch vừa qua (từ đầu tháng 11), giá trị mua ròng đạt tổng cộng 14.297 tỷ đồng. Nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh thì cá nhân trong nước mua ròng 4.265 tỷ đồng - tăng 41% so với tuần trước.
Cũng có giao dịch tương đối tích cực, khối tự doanh của các công ty chứng khoán mua ròng trở lại 128 tỷ đồng trên HOSE sau 3 tuần bán ròng liên tiếp. Tuy nhiên, nếu xét về khớp lệnh thì dòng vốn này có tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp với giá trị khoảng 430 tỷ đồng.
Trái ngược lại với những biến động tích cực từ cá nhân trong nước và tự doanh, tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) tiếp tục bán ròng 1.538 tỷ đồng (tăng 29% so với tuần trước). Giá trị bán ròng thông qua khớp lệnh là 1.236 tỷ đồng.
Khối ngoại có tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp với giá trị gấp 2,8 lần tuần trước đó và ở mức 3.300 tỷ đồng. Nếu xét về khớp lệnh thì giá trị bán ròng của khối này là 2.699 tỷ đồng. Tính chung cả 4 tuần qua (từ đầu tháng 11), dòng vốn ngoại sàn HOSE bán ròng tổng cộng 7.700 tỷ đồng.
Nhận định chứng khoán tuần 29/11 - 3/12:
Các công ty chứng khoán:
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Mở rộng thêm nhịp điều chỉnh
VN-Index tiếp tục có nhịp tăng điểm đầu phiên 26/11 trước khi đảo chiều và dần mở rộng đà giảm về cuối phiên. Vùng cản tâm lý quanh 1.500 điểm tiếp tục gây sức ép cho thị trường đặc biệt trong bối cảnh đà tăng điểm không được hậu thuẫn bởi sự gia tăng tương ứng của khối lượng giao dịch.
Áp lực chốt lời sau nhịp tăng mạnh cùng với việc hình thành mẫu nến engulfing tiêu cực khiến chỉ số đang phải đối mặt với rủi ro mở rộng thêm nhịp điều chỉnh trong những phiên tới, xuống vùng hỗ trợ gần quanh 1.480 và sâu hơn là 1.460 điểm.
Sau khi tạm đóng các vị thế ngắn hạn còn lại trong danh mục, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ kê mua lại 1 phần tỷ trọng khi giá cổ phiếu mục tiêu quay xuống các vùng hỗ trợ mạnh.
CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS): Kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ quanh 1.490 điểm
VN-Index đã chính thức bước vào xu hướng tăng ngắn hạn song chủ yếu là nhờ lực kéo của các cổ phiếu ngành Ngân hàng và đà tăng chưa có sự lan tỏa rộng trên thị trường chung.
VCBS cho rằng, xu hướng của chỉ số trong tuần 29/11 - 3/12 sẽ là kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ quanh ngưỡng 1.490 điểm và chờ đợi sự lan tỏa rộng hơn của sắc xanh ra các cổ phiếu khác trên thị trường trước khi có thể chinh phục các mốc kháng cự mới.
Nhà đầu tư theo trường phái “lướt sóng” ngắn hạn vẫn được khuyến nghị tập trung giao dịch ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt trên thị trường, nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng mức định giá của mỗi cổ phiếu cụ thể cũng như không nên nắm giữ các cổ phiếu đầu cơ với tỷ trọng cao để tránh rủi ro trong trường hợp chỉ số bất ngờ điều chỉnh giảm với thanh khoản đột biến nhằm kiểm tra lại vùng 1.500 điểm. Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu đang có mức định giá hấp dẫn hơn so với mặt bằng chung trên thị trường và vẫn còn tiềm năng tăng trưởng tích cực trong quý IV/2021 cũng như năm 2022.
CTCK Bản Việt (VCI): Có thể điều chỉnh giảm
Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index, VN30, VN Midcap và HNX-Index vẫn duy trì ở mức tích cực trong khi chỉ số VN-Smallcap vẫn chưa cải thiện được tín hiệu trung tính. Đáng chú ý, VN-Index cũng đang ở khá gần kháng cự ngắn hạn tiếp theo quanh 1.520 điểm.
VCI dự báo, trong phiên giao dịch tới, thị trường có thể xuất hiện phiên điều chỉnh giảm sau khi VN-Index tiệm cận vùng cản mới còn những VN Midcap, VN Smallcap có những nỗ lực chinh phục kháng cự chưa thành công.
Theo đó, chỉ số VN-Index có thể sẽ giảm để kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ, đồng thời là stoploss ngắn hạn ở vùng 1.575 điểm. Nếu có thể hồi phục trở lại từ hỗ trợ này, chỉ số đại diện sàn HOSE sẽ có cơ hội kiểm định lại vùng cản tại 1,520 điểm một lần nữa. Ngược lại, nếu đóng cửa dưới 1.575 điểm, VN-Index sẽ nới rộng đà giảm để kiểm định ngưỡng stoploss trung hạn đang nằm tại 1.535 điểm. Chiến lược nắm giữ được VCI ưu tiên ở thời điểm hiện tại.
CTCK Mirae Asset (Mirae Asset): Rung lắc và tích lũy
Diễn biến tăng tốc của VN-Index đến từ sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu Ngân hàng, cùng với những thông tin lạc quan về khả năng nâng room tín dụng, bơm thêm tiền cho nền kinh tế. Vượt ngưỡng 1.500 điểm, chỉ số sẽ có những nhịp rung lắc, tích lũy trước khi tiếp tục diễn biến tăng điểm.
Nhận định chuyên gia:
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư - CTCP VPS cho biết, phiên giao dịch điều chỉnh cuối tuần chỉ giảm 7,78 điểm - Chỉ biến động giảm giá không nhiều không kèm thanh khoản lớn cho thấy, chưa có tín hiệu quá tiêu cực đối với thị trường chứng khoán.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng tạm thời giữ nhịp và cũng chưa thấy có tín hiệu đáng báo động từ nhóm cổ phiếu quan trọng này.
Ngưỡng cản quan trọng của VN-Index vẫn ở quanh mốc 1.500 - 1.520 điểm và dư địa cho điều chỉnh và tích lũy, kể cả hồi phục trở lại vẫn còn. Nhà đầu tư cũng không nên quá lo lắng về chủng COVID-19 mới Omicron mà bán tháo cổ phiếu. Tuy nhiên, áp lực điều chỉnh của thị trường trong các phiên đầu tuần lớn là cao, nhưng đà giảm sẽ không nhiều khi thị trường sẽ có lực cầu bắt đáy gia tăng.
Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư - CTCK Maybank KimEng Việt Nam nhận định, không chỉ chứng khoán Việt Nam mà chứng khoán Mỹ, châu Á đều giảm rất mạnh, ngoại trừ vàng và USD-Index tăng, còn dầu, hàng hóa khác, ngoại hối và cả thị trường tiền số đều lao dốc. Nhiều khả năng, tâm lý thị trường sẽ bị ảnh hưởng vào đầu tuần nhưng sẽ tích cực dần lên khi dòng tiền vẫn còn mạnh, đặc biệt từ các nhà đầu tư cá nhân, bên cạnh đó hỗ trợ thị trường được giữ vững nhiều tuần nay sẽ là bệ đỡ cho thị trường.
Theo ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường - CTCK MBS, tuần tới, thị trường vẫn còn áp lực điều chỉnh ở 1 đến 1,5 phiên đầu tuần. Tuy vậy, sẽ không có sự hoảng hốt của nhà đầu khi thị trường đang ghi nhận những bước tiến gần đây về vaccine, các loại thuốc đặc trị Covid và các phương pháp khác để chống lại căn bệnh này.
Trước đó, nhà đầu tư cũng đã trải qua hết làn sóng này đến làn sóng khác của COVID-19 và các biến chủng khác nhau của virus, kết quả là thị trường luôn tạo các đỉnh cao hơn. Một phần là do dòng tiền có sự xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu, một phần là do sau mỗi làn sóng Covid, chúng ta lại học thêm được cách sống chung và ứng phó với virus. Do vậy, tôi không cho rằng COVID-19 sẽ là một chủ đề khiến thị trường phải lo lắng quá lâu.
VN-Index suy yếu, chứng khoán đang ngóng đợi điều gì?
Nhận định chứng khoán 8/10: VN-Index đi ngang vùng 1.270 điểm