Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, vùng 1.200 - 1.220 vẫn sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho VN-Index trong tuần tới. Nhà đầu tư có thể cân nhắc mua tích lũy các cổ phiếu lớn có định giá tốt khi nhịp điều chỉnh xuất hiện.
Tổng quan thị trường chứng khoán tuần 16 - 20/5
Sau 6 tuần giảm điểm liên tiếp, VN-Index đã có sự hồi phục trở lại trong tuần 16 - 20/5/2022.
Kết tuần, VN-Index đứng ở mức 1.240,71 điểm - tương ứng tăng 57,94 điểm (4,9%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 4,63 điểm (1,53%) lên 307,02 điểm; UPCoM-Index cũng tăng 0,5 điểm (0,53%) lên 94,11 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với tuần trước đó, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 16.021 tỷ đồng/phiên - giảm 16,6% trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm gần 15% xuống còn 14.807 tỷ đồng/phiên.
Về diễn biến dòng tiền, tuần qua, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng trở lại 1.727 tỷ đồng trên sàn HOSE trong đó mua ròng mạnh nhất mã SSI với giá trị 603 tỷ đồng; HPG và VIC đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 519 tỷ đồng và 304 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, DPM bị bán ròng mạnh nhất với 233 tỷ đồng; DCM và VHC đều bị nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng trên 100 tỷ đồng.
Ngược chiều cá nhân, tổ chức trong nước bán ròng trở lại 1.584 tỷ đồng trong đó có 1.631 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.
Tổ chức trong nước bán ròng mạnh nhất mã VIC với 169 tỷ đồng; VHM và DIG bị bán ròng lần lượt 168,8 tỷ đồng và 166 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, FPT được mua ròng mạnh nhất với 86 tỷ đồng; MWG và HSG được mua ròng lần lượt 68 tỷ đồng và 67 tỷ đồng.
Tính từ phiên 17/5 đến 20/5/2022, khối tự doanh chứng khoán ghi nhận bán ròng là 604 tỷ đồng trong đó bán mạnh nhất mã VIC với 89 tỷ đồng; MSN và VHM bị bán ròng lần lượt 81 tỷ đồng và 63 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, DXG được mua ròng mạnh nhất với 69 tỷ đồng; tiếp theo là APH với 30 tỷ đồng; các mã STB và REE đều được mua ròng hơn 16 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng trở lại 142 tỷ đồng tại sàn HOSE trong đó SSI bị bán ròng mạnh nhất với 576 tỷ đồng. Tiếp sau đó, HPG cũng bị bán ròng 422 tỷ đồng. STB, VIC và VCB đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng.
Ngược lại, nhóm này mua ròng mạnh nhất mã DPM với 221 tỷ đồng. VNM và MSN đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 147 tỷ đồng và 134 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND cũng được mua ròng 129 tỷ đồng.
Về diễn biến giá cổ phiếu, nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh nhất trong tuần qua với 12,1% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu như BSR tăng 26,5%, OIL tăng 18,8%, PVD tăng 22,1%, PVS tăng 19%, PVB tăng 17,3%,...
Tiếp theo là ngành nguyên vật liệu với 7,7% giá trị vốn hóa trong đó các cổ phiếu hóa chất như DGC tăng 17,1%, DCM tăng 16,2%, DPM tăng 12,1%,...; cổ phiếu thép như NKG tăng 7,6%, HPG tăng 4,9%, HSG tăng 1,2%,...
Nhóm cổ phiếu trụ ngân hàng cũng hồi phục 6,1% giá trị vốn hóa, củng cố thêm cho sắc xanh của thị trường. Cụ thể, VCB tăng 3,2%, VPB tăng 5,5%, TCB và ACB đều tăng 5,6%, CTG tăng 8,4%, BID tăng 8,5%, MBB tăng 12%, SHB tăng 15,2%,...
Nhóm tài chính tăng 2,3% giá trị vốn hóa trong đó các cổ phiếu chứng khoán khởi sắc với TVS (+29,2%), VCI (+23,5%), SHS (+23,4%), CTS (+21%), BSI (+17,3%), VIX (+17%), HCM (+16,7%), SSI (+10,3%), VDS (+10,7%), ORS (+8,4%), APG (+8%), FTS (+5,1%),…; Cổ phiếu hàng tiêu dùng tăng 4,3% vốn hóa với VNM tăng 3%, MSN tăng 11,2%,...
Nhóm dược phẩm và y tế tăng 1,3% giá trị vốn hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng 3,9%, công nghiệp tăng 5,8%, công nghệ thông tin tăng 4,7%, với trụ cột trong nhóm là FPT tăng 4,2% và CMG tăng 2,8%.
Các ngành còn lại đều có mức tăng trưởng tốt như tiện ích cộng đồng tăng 4,5% giá trị vốn hóa, với GAS tăng 4,5%, POW tăng 11,8%,...
Nhận định thị trường chứng khoán tuần 23 - 27/5
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, sau phiên đảo chiều mạnh mẽ ngày 17/5, hiện tượng “đè” bán vào cuối phiên vẫn diễn ra trên nền thanh khoản thấp. Diễn biến ở các nhóm ngành cũng đang có phân hóa. Điều này cho thấy sự thận trọng vẫn đang bao trùm lên tâm lý của các nhà đầu tư.
Do đó, nhiều khả năng thị trường sẽ cần 1 nhịp lùi để kiểm tra lại cung cầu và để chờ đợi sự tham gia đồng bộ hơn của dòng tiền ở các nhóm ngành.
VDSC dự kiến vùng 1.200 - 1.220 vẫn sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho VN-Index trong tuần sau. Vì vậy, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua tích lũy tại các cổ phiếu lớn có định giá tốt trong khi đợt điều chỉnh diễn ra, VSDC khuyến nghị.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, phiên cuối tuần qua, thị trường tuy giảm nhẹ nhưng về tổng thể vẫn là phiên giao dịch giằng co với biên độ nhỏ và thanh khoản ở mức thấp. Vẫn có những điểm tích cực đối với thị trường như độ rộng vẫn khá cân bằng dù chỉ số giảm. Bên cạnh đó, thị trường cũng xuất hiện nhiều nhịp rung lắc nhưng không có đợt bán như ở các phiên trước.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp và phù hợp với quan điểm của MBS rằng đây là tín hiệu tốt của thị trường cho thấy lực cung đang dần cạn kiệt, kết hợp với biên độ dao động của thị trường khá hẹp.
Cùng với đó, diễn biến hồi phục từ thị trường chứng khoán thế giới, thị trường trong nước nhiều khả năng sẽ có phiên tăng điểm vào tuần sau với thanh khoản được cải thiện so với 5 phiên vừa qua, MBS nêu quan điểm.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường tuần 16 - 20/5 đã hồi phục sau sáu tuần giảm điểm liên tiếp với thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó.
Theo SHS, sau sáu tuần căng thẳng với đà giảm liên tiếp của thị trường, nhà đầu tư đã có thể thoải mái hơn khi VN-Index hồi phục trong tuần qua. Tuy nhiên, việc thanh khoản thấp cho thấy nhà đầu tư vẫn còn dè dặt trong việc tham gia trở lại thị trường.
Bên cạnh đó, góc nhìn về phân tích kỹ thuật cũng đang có sự ủng hộ nhất định cho xu hướng hồi phục của thị trường với việc chỉ số VN-Index lấy lại ngưỡng 1.200 điểm trong tuần qua để xác nhận kết thúc sóng điều chỉnh và bước sang sóng hồi phục với mục tiêu theo lý thuyết gần nhất quanh ngưỡng 1.300 điểm. Tuy nhiên, nếu thị trường suy yếu trở lại và VN-Index không thể giữ được ngưỡng 1.200 điểm thì thị trường sẽ một lần nữa quay trở lại sóng điều chỉnh.
Nhận định chứng khoán 12/12: Thận trọng VN-Index điều chỉnh
VN-Index vùng 1.270-1.280 điểm: Dòng tiền lớn giữ giá để gom hàng?