Vĩ mô

Nhân lực ngành chip bán dẫn: Cần 'sự bắt tay' giữa nhà trường và doanh nghiệp

Minh Trang 21/10/2023 - 23:52

Để gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nhân lực trong lĩnh vực chip bán dẫn, rất cần sự hợp tác và vào cuộc của doanh nghiệp trong đào tạo sinh viên ngay từ trong nhà trường, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí đào tạo lại.

Nhân lực ngành chip bán dẫn: rất cần

Việc đào tạo thực hành cho sinh viên ngay từ cơ sở đại học sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí và thời gian đào tạo lại - Ảnh: VGP/Minh Trang

Sinh viên phải được đào tạo trong lòng doanh nghiệp

Tại Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam" vừa diễn ra tại TP. Đà Nẵng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Anh Dũng cho biết, hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ đại học trở lên.

Ông Trịnh Khắc Huề, Tổng Giám đốc Qorvo Việt Nam, chia sẻ về câu chuyện "khát" nhân lực và cũng là thực trạng mà nhiều công ty lớn gặp phải: "Năm nay công ty chúng tôi có nhu cầu tuyển 20 kỹ sư, đến nay chỉ mới tuyển được 6 kỹ sư có kiến thức vi mạch. Con số này cho thấy thực tế và mục tiêu đặt ra còn có khoảng cách rất xa. Đồng thời cũng đặt ra bài toán làm sao để thu hút được nhiều sinh viên học về chuyên ngành vi mạch, bán dẫn."

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nhìn nhận, các doanh nghiệp công nghệ cao như vi mạch bán dẫn khi muốn tuyển dụng nên bắt tay sớm với các trường đại học. Cách đây vài năm, một số doanh nghiệp đã kết nối với các trường đại học và truyền thông cho sinh viên thấy rõ đầu ra của ngành, nhu cầu của doanh nghiệp. Lĩnh vực công nghệ cao như vi mạch bán dẫn cũng vậy, cần phải đi sớm một bước".

Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, vi mạch bán dẫn là một ngành rất kén nhân lực, đòi hỏi sự đam mê, yêu thích. Sinh viên phải được đào tạo trong lòng doanh nghiệp.".

Nhân lực ngành chip bán dẫn: rất cần

Lễ ký kết biên bản hợp tác liên minh đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn - Ảnh: VGP/Minh Trang

Giảm thời gian đào tạo chuyên sâu cho doanh nghiệp

Chia sẻ về kinh nghiệm hợp tác giữa cơ sở đại học - doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, khẳng định sự hợp tác này là tất yếu, mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Nhà trường có rất nhiều hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, trong một năm diễn ra hàng trăm hoạt động về chuyển giao công nghệ.

"Mục tiêu hợp tác là kết quả đào tạo gắn liền với thực tiễn, sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và doanh nghiệp đỡ chi phí đào tạo lại. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tăng cao.", PGS.TS Nguyễn Minh Tâm nói.

Để triển khai đạt hiệu quả, theo PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, nên quan tâm đến các yếu tố: Hợp tác giữa thầy cô-doanh nghiệp, hợp tác giữa nhà trường-doanh nghiệp, thực tế nhu cầu, cách tiếp cận của các doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng.

Theo đó, nhà trường có chính sách hỗ trợ giảng viên tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, như công nhận giờ hợp tác với doanh nghiệp coi như hoạt động khoa học công nghệ. Trong quá trình hợp tác, để đạt hiệu quả và gia tăng tính ứng dụng, thầy cô phải nắm bắt được công nghệ lõi, công nghệ chủ chốt thì giá trị mà thầy cô mang lại cho doanh nghiệp mới mang tính bền vững.

Ngoài ra, cần tập trung liên kết với các doanh nghiệp có tầm nhìn và chiến lược để hợp tác dài hạn. Thông qua chương trình, 2 bên cùng thành lập bộ phận nghiên cứu và triển khai (R&D) với mục tiêu, nội dung và có đánh giá hàng năm.

Tập trung xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phối hợp với bộ phận R&D của doanh nghiệp, ươm tạo và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp.

Nhân lực ngành chip bán dẫn: rất cần

Các giảng viên trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng tham quan tại doanh nghiệp - Ảnh: Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng

Cùng chia sẻ giải pháp hợp tác giữa nhà trường-doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho biết trong thời gian qua, với sự đầu tư từ Bộ GD&ĐT và các nguồn tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, Đại học Đà Nẵng đã đầu tư một số phòng thí nghiệm liên quan về chíp bán dẫn tương đối hiện đại và đồng bộ. Những yếu tố này sẽ là tiền đề hết sức quan trọng cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

"Nhà trường cần thay đổi quan điểm nhận thức, chuyển từ thụ động sang chủ động hợp tác với doanh nghiệp. Thay vì trước đây doanh nghiệp cho gì thì nhận nấy, thông qua các học bổng cho sinh viên thì nay chủ động kết nối với doanh nghiệp, xem đây là 1 sự hợp tác đôi bên cùng có lợi", PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ nêu.

Về nội dung hợp tác với doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho hay: "Sắp tới chúng tôi có 2 trọng tâm, thứ nhất là xây dựng học kỳ doanh nghiệp, thiết kế lại chương trình đào tạo, trước đây chỉ chương trình thực tập phục vụ cho tốt nghiệp, thì bây giờ thiết kế 1 học kỳ, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại doanh nghiệp".

"Thứ hai là chương trình đào tạo ngắn hạn bổ sung, có cấp chứng chỉ, được đào tạo bởi chính doanh nghiệp và các chuyên gia hàng đầu để cung cấp những kiến thức thực tiễn. Chúng tôi đã làm việc với các Hiệp hội và sẽ sớm mở khóa đào tạo thí điểm", Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho hay.

Doanh nghiệp 67.000 tỷ đồng sắp niêm yết sàn HoSE: Kỳ vọng mới cho gần 40.000 cổ đông

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Khẩn trương ưu tiên nguồn lực, nỗ lực hết mình để thực hiện các hành động đã cam kết với FATF

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/nhan-luc-nganh-chip-ban-dan-can-su-bat-tay-giua-nha-truong-va-doanh-nghiep-102231021114852964.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhân lực ngành chip bán dẫn: Cần 'sự bắt tay' giữa nhà trường và doanh nghiệp
    POWERED BY ONECMS & INTECH