Thế giới

Nhật Bản chuẩn bị kịch bản nếu núi lửa Phú Sĩ phun trào

Kim Thảo - Theo Theo Japan Times, Reuters, The Asahi Shimbun 31/03/2025 08:30

Một nhóm chuyên gia của Văn phòng Nội các Nhật Bản vừa công bố báo cáo hướng dẫn đối với người dân nếu núi lửa Phú Sĩ ở gần Thủ đô Tokyo phun trào với sức tàn phá gấp 10 lần trận động đất và sóng thần năm 2011 ở nước này.

Theo Japan Time, báo cáo hôm 21/3 của các chuyên gia Nhật Bản ước tính rằng vụ phun trào lớn của đỉnh núi Phú Sĩ có thể tạo ra khoảng 1,7 tỷ m3 tro núi lửa, trong đó khoảng 490 triệu m3 sẽ tích tụ trên đường sá, tòa nhà và bay vào bầu khí quyển - con số này gấp 10 lần lượng mảnh vỡ do trận động đất và sóng thần năm 2011 từng tàn phá phần lớn vùng đông bắc nước này, ước tính gây thiệt hại kinh tế tới 2.500 tỷ yên (16,6 tỷ USD).

Nếu dựa trên điều kiện gió hiện tại, phần lớn các mảnh vỡ có thể phủ kín một khu vực ở phía tây quận Sagamihara của Tokyo - cách đỉnh núi khoảng 60km, với lớp tro bụi dày tới 30cm. Cùng đó, hầu như toàn bộ tỉnh Shizuoka, thành phố Yokohama và Kawasaki cũng như 23 quận của Tokyo sẽ hứng chịu khoảng 3cm tro.

Một quan chức chính quyền Tokyo cho biết sẽ mất hàng thập kỷ để loại bỏ tro nếu núi Phú Sĩ thật sự phun trào.

Nhật Bản chuẩn bị kịch bản nếu núi lửa Phú Sĩ phun trào ảnh 1
Các chuyên gia Nhật Bản ước tính rằng vụ phun trào lớn của đỉnh núi Phú Sĩ ở Nhật Bản có thể tạo ra khoảng 1,7 tỷ mét khối tro núi lửa. Ảnh minh họa: The Daily Galaxy.

Nhóm chuyên gia đã phân loại nguy cơ tro bụi từ vụ phun trào núi Phú Sĩ thành bốn cấp độ: Mức 1 lượng tro bụi rơi xuống dưới 3 cm; Mức 2 tro bụi rơi từ 3 cm đến 10 cm; Mức 3 tro bụi rơi từ 10 cm đến 30 cm; Mức 4 tro bụi rơi quá 30 cm.

Đối với 3 cấp độ đầu tiên tro bụi không gây nguy hiểm ngay lập tức cho những người ở ngoài trời. Tuy nhiên, việc tiếp xúc lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp như kích ứng mắt và đau cổ họng. Do đó, chuyên gia khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà và hạn chế các hoạt động ngoài trời. Nếu cần ra khỏi nhà thì phải đeo khẩu trang và kính bảo hộ.

Nếu mức độ 4 xảy ra thì người dân phải dự trữ ít nhất một tuần lương thực và nhu yếu phẩm vì các tuyến đường giao thông có thể bị chặn, chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Đặc biệt, việc tro bụi tích tụ có thể khiến một số tòa nhà sụp đổ bởi chỉ cần 10cm tro cũng đã khiến một chiếc xe bốn bánh không thể di chuyển.

Nhật Bản chuẩn bị kịch bản nếu núi lửa Phú Sĩ phun trào ảnh 2
Hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy núi Phú Sĩ cao 3.776m sẽ sớm phun trào. Ảnh: Getty.

"Tro núi lửa sẽ làm sập nhà và khiến tàu hỏa ngừng chạy", giáo sư Sagiya nói và nhấn mạnh rằng tro núi lửa còn khiến động cơ máy bay dừng hoạt động ngay khi hút loại tro này vào. Minh chứng là năm 2010 khi một ngọn núi lửa ở Iceland phun trào đã khiến các hãng hàng không toàn cầu gặp phải tình trạng hỗn loạn.

Tuy nhiên, tờ The Asahi Shimbun nhấn mạnh rằng hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy núi Phú Sĩ cao 3.776m sẽ sớm phun trào. Các nhà chức trách vẫn đang theo dõi chặt chẽ đỉnh núi này, vì về bản chất đây chỉ là ngọn núi lửa đang ngủ yên chứ không phải đã tắt.

Lần phun trào gần nhất của núi Phú Sĩ là vào tháng 12/1707 sau hai năm động đất ở chân núi. Khi ấy vụ phun trào có tên là Hoei và kéo dài 16 ngày, giải phóng khoảng 800 triệu m3 tro bụi bao phủ trung tâm Edo (tức Tokyo ngày nay) với lớp tro bụi được mô tả là dày tới vài cm. Hoei đã gây thiệt hại cho mùa màng, khiến nạn đói hoành hành khắp nơi và phá hủy các tòa nhà gỗ truyền thống.

>> Động đất 7,1 độ tấn công Tonga, kích hoạt hệ thống cảnh báo sóng thần

Động đất 7,1 độ tấn công Tonga, kích hoạt hệ thống cảnh báo sóng thần

Việt Nam viện trợ 300.000 USD giúp Myanmar khắc phục hậu quả động đất

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/nhat-ban-chuan-bi-kich-ban-neu-nui-lua-phu-si-phun-trao-post1729592.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhật Bản chuẩn bị kịch bản nếu núi lửa Phú Sĩ phun trào
    POWERED BY ONECMS & INTECH