Liên quan đến quy định xử phạt đối với người tham gia đấu giá đất nhưng tự ý bỏ cọc, từ chối đấu giá đất, được đề xuất tại Dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thảo luận thêm.
Theo dự thảo sửa đổi của Bộ Tài nguyên & Môi trường đang lấy ý kiến góp ý, người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì phải bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước. Khoản tiền này có giá trị tối thiểu là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
Với người huỷ kết quả trúng đấu giá đất không có lý do chính đáng, ngoài tiền đặt trước, phải nộp 50% giá trị quyền sử dụng đất và các chi phí liên quan đến phiên đấu giá.
Bên cạnh đó, người tự ý bỏ cọc và từ chối đấu giá đất thì trong 5 năm sẽ không được tham gia các cuộc đấu giá đất khác.
Góp ý cho Dự thảo, ông Dương Đăng Huệ - nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự, Bộ Tư pháp cho rằng, việc để người từ chối tham gia đấu giá mất hai lần tiền cọc là không có cơ sở, cần xem xét lại.
Chuyên gia pháp lý đầu tư bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cũng cho rằng có nhiều vấn đề phải bàn xung quanh 2 vấn đề nêu trên.
Theo ông Đỉnh, trong điều khoản dự thảo lần này quy định, người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước và phải bồi thường thêm một khoản tiền bằng giá trị đặt trước khiến một số trường hợp tổ chức tham gia đấu giá mất hai lần tiền đặt trước.
Vì vậy, cần làm rõ thế nào là "tự ý bỏ khoản tiền đặt trước" và "từ chối tham gia đấu giá" để thống nhất áp dụng. Đồng thời, cần phân tách rõ ràng trường hợp nào mất một lần tiền đặt trước, trường hợp nào mất hai lần. Bởi trường hợp mất 2 lần tiền đặt trước, tức tối thiểu 40% giá khởi điểm, là rất lớn và càng mâu thuẫn với Luật Đấu giá tài sản.
Ngoài ra, với khoản bồi thường bằng 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá nếu cá nhân, tổ chức tự hủy kết quả mà không có lý do chính đáng, cũng cần rà soát lại. Vì người trúng đấu giá không thể tự hủy kết quả mà chỉ có trường hợp không nộp hoặc không nộp đủ tiền dẫn đến cơ quan nhà nước hủy kết quả.
Mặt khác, ở góc độ pháp lý, "phạt vi phạm" và "buộc bồi thường thiệt hại" là 2 chế tài khác nhau. Trong đó, "bồi thường thiệt hại" là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do mình gây ra cho bên kia; còn "phạt vi phạm" là việc bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm thoả thuận mà không cần phải có thiệt hại.
Trường hợp doanh nghiệp trúng đấu giá bỏ cọc, tài sản của Nhà nước vẫn còn và có thể đấu giá lại. Thiệt hại nếu có chỉ gồm chi phí tổ chức đấu giá và tiền lãi mà Nhà nước lẽ ra nhận được nếu thu tiền sớm. Do vậy, việc quy định khoản bồi thường 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá là không phù hợp với tính chất của bồi thường thiệt hại.