Xã hội

Nhiều trưởng phòng lo mất 'quy hoạch' khi không còn cấp huyện

Lê Dương 12/04/2025 - 07:12

Sau một thời gian nỗ lực, nhiều trưởng phòng được quy hoạch làm phó chủ tịch huyện. Không ít người tỏ ra lo lắng sẽ bị mất quy hoạch khi thực hiện chủ trương không tổ chức cấp huyện trong thời gian tới.

Qua ghi nhận thực tế tại một số huyện về việc thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã để tiến tới mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, vấn đề sắp xếp con người là câu chuyện nhiều cán bộ, công chức huyện, xã đang quan tâm hiện nay.

Ông K., trưởng phòng ở một huyện ở Thanh Hóa chia sẻ, học xong đại học, ông về làm chuyên viên của một phòng. Sau quá trình công tác, ông được lãnh đạo huyện cân nhắc lên làm phó phòng.

W-a1Cán bộ được quy hoạch Phó Chủ tịch huyện.jpg
Thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Ảnh: Lê Dương

Một thời gian sau, ông K. được điều động xuống cơ sở làm chủ tịch xã. Sau khi đã kinh qua các vị trí, ông được điều động về huyện làm trưởng phòng và bầu vào ban chấp hành (huyện ủy viên), đồng thời được quy hoạch làm phó chủ tịch huyện.

“Cả đời phấn đấu, trải qua nhiều vị trí công tác tôi mới được quy hoạch làm phó chủ tịch huyện. Điều đó không chỉ khẳng định sự nỗ lực của tôi mà còn là sự ghi nhận của cấp trên. Tới đây, thực hiện chủ trương bỏ cấp trung gian, không còn cấp huyện nữa, tôi không biết những gì mình nỗ lực có còn được ghi nhận", ông K. tâm sự.

Theo ông, nếu còn cấp huyện, chí ít ông vẫn còn làm trưởng phòng và có cơ hội làm phó chủ tịch huyện. Tuy nhiên, khi không còn cấp huyện, sáp nhập xã thì chức trưởng phòng như ông sẽ khó có cơ hội vào các vị trí cao hơn.

Bởi trong công tác nhân sự, người được bổ nhiệm phải trải qua các vị trí theo đúng quy trình. Chẳng hạn như Thường vụ huyện thường sẽ được bố trí về làm bí thư các xã. Huyện ủy viên (trong đó có các phó chủ tịch huyện, phó bí thư huyện, chủ tịch HĐND, MTTQ huyện…) sẽ về làm chủ tịch, phó chủ tịch xã.

"Chưa kể nhân sự do tỉnh chỉ định về nữa thì cấp trưởng phòng như tôi rất khó được sắp xếp công việc phù hợp”, ông K. băn khoăn.

Dù có lo lắng nhưng ông K. khẳng định luôn ủng hộ cuộc cách mạng chung của cả nước và sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ mới dù được cấp trên phân công ở vị trí nào.

'Chức bí thư xã cũng trở nên mong manh'

Trường hợp của anh V. cũng tương tự. Trước đây, anh làm giáo viên. Do đặc thù ở khu vực miền núi thiếu nguồn cán bộ nên huyện tuyển chọn một số giáo viên có năng lực đang giảng dạy trên địa bàn về huyện công tác.

W-a2Cán bộ được quy hoạch Phó Chủ tịch huyện.jpg
Một thôn ở huyện miền núi Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Lê Dương

Thời điểm đó, anh V. được điều động về Văn phòng Ủy ban, sau này làm lên đến các chức vụ phó phòng, trưởng phòng. Với năng lực và tố chất của mình, anh nhanh chóng được bầu vào ban chấp hành và quy hoạch phó chủ tịch huyện.

Theo quy trình, anh V. được điều động xuống cơ sở làm bí thư đảng ủy xã để rèn luyện, sau này đưa về huyện làm phó chủ tịch theo quy hoạch.

Khi thực hiện chủ trương không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã, anh V. lo lắng chức bí thư xã của anh cũng trở nên mong manh.

Anh cho biết, khi làm việc ở bất cứ vị trí nào anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để có được như ngày hôm nay, những người như anh ít nhất cũng phải cống hiến hơn 20 năm tuổi trẻ, phấn đấu, nhiệt huyết.

"Thời gian tới, ở một môi trường mới, phải làm lại từ đầu thì những trường hợp như tôi e rằng sẽ gặp không ít khó khăn, bởi thời gian, tuổi trẻ sẽ không bao giờ quay lại”, anh V. chia sẻ.

>> Bộ Chính trị giải trình ý kiến Trung ương về sáp nhập tỉnh, chế độ cán bộ

Công chức cấp huyện chuyển về làm công chức cấp xã thì lương tính thế nào? Chi tiết cách tính

Đề xuất sau sáp nhập, chuyển 85% nhiệm vụ cấp huyện xuống cấp xã

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nhieu-truong-phong-lo-mat-quy-hoach-khi-khong-con-cap-huyen-2390302.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhiều trưởng phòng lo mất 'quy hoạch' khi không còn cấp huyện
    POWERED BY ONECMS & INTECH