Tài chính Ngân hàng

Nhiều vụ thi hành án bị trì hoãn, ảnh hưởng đến thu hồi nợ xấu của ngân hàng

Hoàng Hiếu 16/09/2024 - 14:33

Giá trị thi hành án tín dụng ngân hàng luôn chiếm trên 50% tổng thi hành án dân sự.

Cuối tháng 8 vừa qua tại Quảng Ninh, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tọa đàm về "Hoàn thiện cơ chế chính sách thi hành án dân sự và giải quyết vướng mắc thực tiễn trong thi hành án tín dụng ngân hàng".

Tại buổi tọa đàm, Phó tổng cục trưởng THADS, ông Nguyễn Văn Sơn, cho hay, từ trước đến nay, giá trị các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng chưa khi nào dưới 50%, có thời điểm lên đến 60% giá trị các vụ việc mà Tổng cục THADS thực hiện.

Giai đoạn 2015-2023, trung bình một chấp hành viên phải thi hành khoảng 227 việc, tương ứng số tiền gần 60 tỷ đồng/năm. Trong khi theo đánh giá hiệu quả công việc của chấp hành viên 3 năm trở lại đây, trung bình một chấp hành viên có năng lực, kỹ năng làm việc thi hành xong 140 việc, tương ứng với khoảng 15 tỷ đồng/năm.

Tính chất công việc ngày càng phức tạp, đặc biệt các vụ việc liên quan tới thi hành các khoản thu cho tổ chức tín dụng, tuy không nhiều nhưng giá trị phải thi hành luôn chiếm tỷ trọng lớn so với các loại án (thông thường chiếm trên 50% so với tổng số tiền phải thi hành chung của tất cả các loại).

Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 8, THADS đã xử lý cho 41 tổ chức tín dụng trong nước, 5 ngân hàng nước ngoài và nhiều công ty tài chính khác.

Tổng số vụ phải thi hành là 46.562 việc, tương ứng với hơn 193.858 tỷ đồng, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2023. Các vụ việc tín dụng ngân hàng chiếm 5,11% tổng số vụ và 40,66% tổng số tiền phải thi hành toàn hệ thống năm 2024.

Nhiều vụ thi hành án bị trì hoãn, ảnh hưởng đến thu hồi nợ xấu của ngân hàng
Hình ảnh tại tọa đàm, nguồn: Internet

>> Công an cảnh báo trước hoạt động tín dụng đen lan rộng

Tuy nhiên, dù có những chuyển biến tích cực, nhiều vụ việc thi hành án tín dụng vẫn bị trì hoãn, dẫn đến tồn đọng lớn, ảnh hưởng đến quá trình thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.

Hiện nay, gần 400 vụ việc gặp khó khăn, trong đó tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Hải Dương.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, nguyên nhân chính của những khó khăn trong thi hành án là do sự không đồng bộ và rõ ràng trong các quy định pháp luật liên quan.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, cho biết các thủ tục cưỡng chế hiện hành không quy định rõ thời hạn cưỡng chế, dẫn đến quá trình bị kéo dài.

Nhiều vụ thi hành án bị trì hoãn, ảnh hưởng đến thu hồi nợ xấu của ngân hàng
Phó tổng cục trưởng THADS, ông Nguyễn Văn Sơn, nguồn: Internet

Để cải thiện tình hình, Tổng cục THADS đã đề xuất sửa đổi Nghị định 62/2015/NĐ-CP, nhằm tháo gỡ khó khăn trong thi hành án nói chung và tín dụng ngân hàng nói riêng.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng hy vọng các vướng mắc trong thi hành án sẽ sớm được giải quyết thông qua sự đồng bộ giữa Luật THADS và các quy định pháp luật liên quan.

Đại diện TPBank cũng kiến nghị tạo cơ chế liên thông giữa các cơ quan thi hành án và các đơn vị liên quan như Cục Cảnh sát giao thông, cơ quan đăng kiểm, để có thể cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm (TSBĐ) một cách kịp thời và chính xác.

Bên cạnh đó, bà Tạ Thị Hồng Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ 11 (Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao), cũng chỉ ra rằng, thực tế, quá trình kiểm sát đã phát hiện vụ việc, bản án tuyên không rõ nhưng cơ quan thi hành án dân sự không có văn bản hỏi tòa án hoặc diễn đạt không rõ ý dẫn đến tòa án trả lời chung chung, rốt cuộc vẫn không thể thi hành. Đây là việc cần rút kinh nghiệm.

>>Sắp ban hành quy trình chung để xử lý tài khoản, thẻ nghi ngờ lừa đảo

Hiệu quả thu hồi nợ của TCTD chưa đạt do... chưa hoàn thiện chính sách thi hành án

Ngân hàng ‘chật vật' với thu hồi nợ xấu

Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Nhiều vụ thi hành án bị trì hoãn, ảnh hưởng đến thu hồi nợ xấu của ngân hàng
POWERED BY ONECMS & INTECH