Dù giảm điểm nhưng sự phục hồi của VN-Index 2 phiên cuối tuần đã giúp cải thiện tâm lý giao dịch của nhà đầu tư sau chuỗi phiên bán tháo.
Tuần 17 - 21/1/2022 tiếp tục là một tuần giảm điểm của VN-Index khi chỉ số đã chốt phiên tại mức 1.472,89 - giảm 23,13 điểm (1,55%) so với mức đóng cửa tuần trước. Dù giảm điểm nhưng VN-Index đã hồi phục đáng kể trong các ngày cuối tuần qua đó giúp cải thiện tâm lý giao dịch của nhà đầu tư sau chuỗi phiên bán tháo.
Trong đà hồi phục của thị trường chung, các cổ phiếu đã giảm mạnh, mất thanh khoản trong các phiên trước đã dần được “giải cứu”, giúp nhà đầu tư bớt hoang mang và chủ động cơ cấu danh mục đầu tư.
Dẫn đầu nhóm ảnh hưởng tích cực đến VN-Index trong tuần là bộ ba VCB, BID và MBB với đóng góp tổng cộng 13,7 điểm tăng cho chỉ số. Ngược lại, GVR (-3,5 điểm), HPG (-3,5 điểm), VHM (-3,4 điểm) cũng như nhiều midcap GEX, DIG, FLC, DGW giảm sâu,… đã kéo giảm chỉ số.
Về diễn biến giá cổ phiếu, điểm nhấn trong tuần thuộc về nhóm cổ phiếu bất động sản với ba phiên đầu tuần bị bán tháo ồ ạt và được giải cứu trong hai phiên còn lại.
Dù vậy, nhóm này cả tuần vẫn là nhóm tiêu cực nhất trên thị trường với hàng loạt cái tên quen thuộc giảm sâu như DIG (-7,8%), CEO (-11,8%), LDG (-7,8%), ITA (-1,9%), SCR (-6,6%), HQC (-7,7), DXG (-2,3%), IDC (-8,5%), NLG (-6,4%), DRH (-7,7%), HAR (-9,7%), FLC (-19,9%), ROS (-19,6%), CII (-19,8%),...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán là nhóm cổ phiếu bị bán rất mạnh với SSI (-8,5%), HCM (-8,6%), VCI (-6,8%), VND (-8,6%), SHS (-13,7%), MBS (-10,2%), FTS (-5,9%),...
Ở chiều ngược lại, nhóm trụ ngân hàng nổi bật với những cái tên VCB (+7%), BID (+7%), CTG (+0,3%), MBB (+7,3%), ACB (+1,2%),...
Bên cạnh đó, nhóm dầu khí cũng có diễn biến tương đối tích cực với BSR (+7,8%), OIL (+5,4%), PVD (+7,8%), PVS (+5,7%), PVC (+2,5%),...
Về diễn biến dòng tiền, nhà đầu tư cá nhân trong nước giao dịch tích cực trở lại sau 3 tuần "xả hàng". Trong khi đó, cả khối ngoại lẫn tổ chức trong nước đều bán ròng mạnh.
Theo dữ liệu từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước chấm dứt chuỗi 3 tuần bán ròng liên tiếp ở sàn HOSE và mua ròng trở lại 5.885 tỷ đồng ở tuần từ 17 - 21/1. Dù vậy, nếu chỉ xét về khớp lệnh thì dòng vốn này mua ròng với 872 tỷ đồng.
Bên cạnh nhà đầu tư cá nhân trong nước, khối tự doanh công ty chứng khoán vẫn giữ được sự tích cực khi mua ròng tuần thứ 4 liên tiếp với giá trị giảm 8,7% so với tuần trước và đạt 156 tỷ đồng.
Trái ngược với hai dòng vốn trên, tổ chức trong nước bán ròng trở lại 1.067 tỷ đồng trong đó dòng vốn này bán ròng 1.123 tỷ đồng thông qua phương thức khớp lệnh.
Khối ngoại bán ròng đột biến 4.974 tỷ đồng ở sàn HOSE. Tuy nhiên, nếu chỉ tính khớp lệnh, khối ngoại bán ròng chỉ 216 tỷ đồng.