Nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán tuần từ 18 - 22/10

25-10-2021 07:40|Long Nguyễn

Tuần giao dịch từ ngày 18 - 22/10/2021 chứng kiến sự trở lại của dòng tiền nhóm nhà đầu tư cá nhân với vai trò dẫn dắt thị trường khi mua ròng mạnh để cân lại lực bán từ tổ chức trong nước và khối ngoại.

Kết thúc tuần giao dịch từ 18 - 22/10/2021, VN-Index giảm 3,46 điểm (-0,25%), xuống 1.389,24 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 2,2% lên 110.405 tỷ đồng, khối lượng giao dịch tăng 3,5% lên 3.790 triệu cổ phiếu.

HNX-Index tăng 6,37 điểm (+1,66%), lên 391,21 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 3,8% lên 13.294 tỷ đồng, khối lượng tăng 15,6% lên 652 triệu cổ phiếu.

Về diễn biến dòng tiền, giao dịch của khối ngoại vẫn là điểm tiêu cực của thị trường chứng khoán và tác động đáng kể đến tâm lý của nhà đầu tư. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua vào 143 triệu cổ phiếu - trị giá 6.540 tỷ đồng trong khi bán ra 214 triệu cổ phiếu - trị giá 10.175 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 71 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 3.635 tỷ đồng.

Giao dịch của bộ phận tự doanh công ty chứng khoán tỏ ra kém sắc khi khối này bán ròng cả 5 phiên với tổng giá trị rút ròng hơn 880 tỷ đồng. Hoạt động rút vốn của khối tự doanh chính thức ngắt mạch mua ròng liên tục trong 6 tuần trước đó.

Nhà đầu tư cá nhân quay trở lại với vai trò dẫn dắt thị trường khi mua ròng mạnh trong khi tổ chức trong nước và khối ngoại đều bán ròng mạnh.

Theo dữ liệu của FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước ở tuần từ 18 - 22/10 mua ròng trở lại đến hơn 5.100 tỷ đồng tại sàn HOSE. Nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh thì giá trị mua ròng được nâng lên 5.174 tỷ đồng.

Trái ngược hoàn toàn với nhà đầu tư cá nhân trong nước, tổ chức trong nước bán ròng trở lại 785 tỷ đồng trong đó họ bán ròng 862 tỷ đồng thông qua phương thức khớp lệnh.

Về biến động giá cổ phiếu, các nhóm ngành cổ phiếu có sự phân hóa mạnh trong tuần giao dịch vừa qua. Trong khi đó, kết quả kinh doanh quý III liên tục được công bố cũng phần nào tác động đến giá cổ phiếu và tạo ra tình trạng phân hóa này. Dù vậy dòng tiền vẫn tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong khi các cổ phiếu vốn hóa lớn chưa có được sự sôi động cần thiết.

Ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong top 30 vốn hóa chỉ có 9 mã tăng trong khi có đến 21 mã giảm giá. SAB của Sabeco (HOSE: SAB) giảm mạnh nhất nhóm này với 3,87%.

Tiếp sau đó MWG của Đầu tư Thế giới di động (HOSE: MWG) cũng giảm 3,63%. Ngày 22/10, chuỗi bán lẻ TopZone thuộc công ty Thế Giới Di Động chính thức ra mắt 4 cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội và TP. HCM. Đây là chuỗi cửa hàng chuyên bán các sản phẩm chính hãng của Apple tại Việt Nam như iPhone, iPad, Apple Watch, MacBook và các phụ kiện Apple.

Trong tuần, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất với VCB (-2,3%), BID (-0,5%), CTG (-3,3%), VPB (-0,8%), TCB (-0,6%), MBB (-1,8%), ACB (-1,9%), TPB (-0,8%), HDB (-4,29%), STB (-2,42%), LPB (-5,23%), chỉ còn MSB (+3,85%), OCB (+5,25%), SHB (+0,18%) đi ngược dòng.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu bất động sản với nhiều mã vừa và nhỏ hút dòng tiền hơn, ngoài đầu tàu NVL (+1,3%), PDR (+8,4%) thì KDH (+3,9%), NLG (+16,1%), DIG (+13,9%) ..

Nhóm cổ phiếu bảo hiểm có phiên giữa tuần bùng nổ, góp phần đưa nhóm này tăng tốt với BVH (+0,8%), PVI (+8,3%), BMI (+4,7%), BIC (+3,28%), MIG (+6,5%), ABI (+9,3%)...

Vợ con sếp lớn ngân hàng, tập đoàn dồn dập mua cổ phiếu: Tín hiệu gì?

Phiên 22/11: Công ty BĐS trong Top 9 vay nợ nhiều nhất được khối ngoại rót ròng 242 tỷ đồng

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhin-lai-dien-bien-thi-truong-chung-khoan-tuan-tu-18-2210-128336.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán tuần từ 18 - 22/10
    POWERED BY ONECMS & INTECH