Đồng USD lao dốc không tưởng, nhà đầu tư tháo chạy: Chuyện gì đang xảy ra với siêu cường số 1 thế giới?
Đồng bạc xanh tiếp tục lao dốc, bất chấp việc Tổng thống Trump rút lại các đe dọa thuế quan và thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi sau đợt sụt giảm.
Trong sáu tháng qua, đồng USD đã mất giá hơn 10% so với rổ tiền tệ của các đối tác thương mại chính của Mỹ. Lần cuối cùng đồng đô mất giá mạnh như vậy vào đầu năm là năm 1973, sau khi Mỹ thực hiện một thay đổi mang tính bước ngoặt: chấm dứt việc neo giá đồng USD với vàng.
Lần này, sự kiện gây chấn động là nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm tái định hình trật tự thế giới bằng cách thúc đẩy chính sách thuế quan cứng rắn và đối ngoại mang tính biệt lập hơn.
Sự kết hợp giữa các đề xuất thương mại của ông Trump, lo ngại lạm phát và nợ công gia tăng đã gây áp lực lên đồng USD, đồng thời làm suy giảm niềm tin vào vai trò trung tâm của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Điều này đồng nghĩa với việc người Mỹ sẽ phải trả nhiều tiền hơn khi đi du lịch nước ngoài, và đầu tư vào Mỹ trở nên kém hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư quốc tế – trong bối cảnh chính phủ đang tìm cách vay thêm. Ở chiều ngược lại, đồng đô yếu hơn có thể hỗ trợ xuất khẩu của Mỹ và khiến hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn, dù các tác động thương mại này đang bị xáo trộn bởi các đe dọa thuế quan.
Tâm lý đảo chiều
Ngay cả khi ông Trump đã rút lại phần lớn các đe dọa thuế quan cực đoan và thị trường chứng khoán, trái phiếu Mỹ đã phục hồi sau đợt sụt giảm đầu năm, đồng đô vẫn tiếp tục lao dốc.
“Việc đồng đô mạnh hay yếu không phải là vấn đề cốt lõi”, Steve Englander, Giám đốc nghiên cứu thị trường ngoại hối G10 toàn cầu tại Standard Chartered cho biết. “Vấn đề là: điều đó phản ánh thế giới đang nhìn nhận ra sao về chính sách của bạn”.
Ban đầu, đồng USD tăng vọt sau cuộc tái đắc cử của ông Trump. Giống như các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, giới giao dịch tiền tệ tin rằng ông sẽ theo đuổi các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và thân thiện với doanh nghiệp – điều có thể thu hút dòng vốn đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, làm tăng nhu cầu với đồng USD.
Tuy nhiên, sự lạc quan đó không kéo dài. Sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 1, chỉ số đồng USD bắt đầu giảm. Hy vọng về một chính quyền thân thiện với doanh nghiệp nhường chỗ cho những lo ngại về lạm phát dai dẳng và tác động của lãi suất cao lên nền kinh tế cũng như doanh nghiệp niêm yết.
Sau đó, ông Trump bất ngờ công bố các mức thuế quan cao vượt xa mọi dự đoán – từ các nhà kinh tế, nhà đầu tư đến giới phân tích – khiến thị trường từ chứng khoán, trái phiếu đến đồng USD rơi vào trạng thái hoảng loạn.
Giới đầu tư lo ngại rằng tác động làm tăng lạm phát từ thuế quan có thể buộc lãi suất phải duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn, gây áp lực lên một nền kinh tế vốn đã có dấu hiệu suy yếu.
Khi chính quyền ban đầu còn tỏ ra cứng rắn với thuế quan, các lo ngại kinh tế leo thang thành quan ngại về độ an toàn của tài sản Mỹ trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động mạnh. Những lo ngại ban đầu về lạm phát và thị trường lao động dần chuyển sang tập trung hơn vào tác động nghiêm trọng mà thuế quan có thể gây ra cho toàn bộ hệ thống tài chính.
Các nhà phân tích lo lắng về khả năng xảy ra sự chuyển dịch quy mô lớn khỏi tài sản Mỹ – điều trái ngược với những năm gần đây, khi Mỹ thống trị thị trường đầu tư toàn cầu và hút dòng vốn đổ vào. Tuy vậy, cần lưu ý rằng dù đồng đô đã giảm mạnh đầu năm, tính trên toàn cục thì nó vẫn chưa yếu nhiều, vì xuất phát điểm quá cao.
“Tôi nghĩ nhiều người lo ngại rằng nước Mỹ – vốn từng vượt trội – nay đang trở lại mức ngang bằng với các quốc gia khác”, ông Englander nhận định.
Mức thuế cao hơn đồng nghĩa với việc nhập khẩu sẽ giảm, kéo theo việc thanh toán đồng USD cho doanh nghiệp nước ngoài cũng giảm. Điều này có thể khiến lượng đồng USD được tái đầu tư vào Mỹ – như vào thị trường trái phiếu chính phủ – sụt giảm, do hạn chế trong việc trao đổi tiền tệ và mức độ tin tưởng vào thị trường Mỹ.
Tác động từ sự suy yếu của đồng đô gần đây rất sâu rộng. Lần gần nhất đồng đô bắt đầu một năm với mức giảm sâu như vậy là năm 1973, khi các đồng tiền lớn ngừng liên kết với đồng đô – một bước đi bắt đầu sau quyết định của Tổng thống Nixon vào năm 1971, khi chấm dứt việc lấy vàng làm chuẩn cho đồng USD.
Nhà đầu tư đổ sang thị trường nước ngoài
Với một số nhà đầu tư, đồng đô yếu hơn đã làm giảm lợi nhuận từ thị trường chứng khoán Mỹ – vốn đang tăng trưởng mạnh trở lại. Chỉ số S&P 500 vừa đạt mức cao kỷ lục tuần trước, với mức tăng 24% kể từ khi chính quyền rút lại phần lớn kế hoạch thuế quan ban đầu.
Tuy nhiên, khi chuyển đổi lợi nhuận của S&P 500 sang euro, mức tăng này chỉ còn 15% và vẫn thấp hơn 10% so với đỉnh lịch sử.
Với các nhà đầu tư Mỹ, việc đồng USD yếu đi có thể thúc đẩy họ tìm kiếm cơ hội bên ngoài nước Mỹ. Chỉ số Stoxx 600 – thước đo toàn diện của thị trường cổ phiếu châu Âu – đã tăng khoảng 15% trong cùng kỳ, nhưng khi quy đổi ngược về đồng USD thì mức tăng lên tới 23%. Trên thực tế, nhiều quỹ hưu trí và quỹ tài trợ giáo dục đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các thị trường ngoài Mỹ vì lý do này.
Nhu cầu sụt giảm đối với tài sản Mỹ – một phần đến từ các chính sách thuế quan – cũng đang xung đột với kế hoạch gia tăng chi tiêu của chính phủ, làm tiêu tan hy vọng của những người theo chủ nghĩa tài khóa bảo thủ rằng ông Trump sẽ giữ lời hứa giảm chi tiêu công.
Bất chấp sự phản đối tại Thượng viện, dự luật chi tiêu này đã bắt đầu quay trở lại Quốc hội và được ước tính sẽ khiến thâm hụt ngân sách tăng thêm hàng nghìn tỷ USD trong vòng một thập kỷ tới.
Chính phủ sẽ bù đắp thiếu hụt này bằng cách vay thêm từ các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu kho bạc – đúng vào thời điểm những nhà đầu tư này đang bắt đầu rút lui, làm dấy lên lo ngại về sự ổn định của thị trường.
Những lo ngại đó đã làm suy yếu vai trò của cả trái phiếu kho bạc lẫn đồng USD như những "hầm trú ẩn" trong thời kỳ bất ổn.
Thông thường, khi nhà đầu tư lo lắng, họ sẽ tìm đến những tài sản được coi là an toàn và giữ giá trị trong thời kỳ biến động. Tuy nhiên, lo ngại về đồng đô hiện nay khiến nó tiếp tục yếu đi ngay cả trong các điều kiện giao dịch bất ổn – cho thấy đồng tiền này không còn đóng vai trò trú ẩn một cách nhất quán như trước.
“Việc phi đô la hóa toàn diện – nếu xảy ra – vẫn còn là câu chuyện dài hạn”, Rick Rieder, Giám đốc đầu tư thu nhập cố định toàn cầu tại BlackRock nhận định trong báo cáo triển vọng quý gần nhất của quỹ. “Nhưng hiện có một xu hướng có thể làm gia tăng đáng kể rủi ro này: đó là nợ công ngày càng tăng”.
Theo The New York Times
>> Buôn vàng còn lời hơn cả chất cấm: Thế giới khát vàng, Mỹ Latinh 'đổ máu'
Đồng USD lao dốc không tưởng: Fed do dự, ông Trump lại muốn tiêu thêm 3.300 tỷ USD
Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á bắt tay Trung Quốc xây siêu nhà máy pin 6 tỷ USD