Nhóm ông Nguyễn Bá Dương rộng cửa thắng gói 35.000 tỷ sân bay Long Thành: Khi tướng cũ Cotecccons xây đế chế tỷ đô đối trọng
Theo công bố của ACV, nhà thầu duy nhất có hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu 5.10 là liên danh VIETUR. Điểm nhấn của liên danh VIETUR là sự có mặt của một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương - cựu Chủ tịch HĐQT Coteccons như Ricons, Newtecons và SOL E&C.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố thông tin nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu 5.10 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách, thuộc dự án thành phần 3 của dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất của dự án sân bay Long Thành, với tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng.
Theo công bố của ACV, nhà thầu duy nhất có hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu 5.10 là liên danh VIETUR do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng ICISTAS thuộc Tập đoàn IChoding của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu.
Liên danh VIETUR bao gồm 10 thành viên: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng Số 1, Công ty cổ phần Kết cấu Thép ATAD, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty cổ phần Hawee Cơ điện, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.
Điểm nhấn của liên danh VIETUR là sự có mặt của một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương - cựu Chủ tịch HĐQT Coteccons như Ricons, Newtecons và SOL E&C.
Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Bá Dương sinh ngày 22/04/1959 tại tỉnh Nam Định, sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Ông Dương tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ Hà Nội năm 1977, tốt nghiệp ĐH Xây dựng Kiev (Ukraina) chuyên ngành kiến trúc vào năm 1984 và nhận bằng kiến trúc sư ngành xây dựng.
Ông Nguyễn Bá Dương |
Lập nghiệp và lèo lái Coteccons thành công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam
Năm 1985, ông trở về nước và làm việc trong Viện Xây dựng Công nghiệp và Công ty Giày Phú Lâm thuộc Bộ Xây dựng trong 5 năm.
Đến tháng 5/1990, ông Nguyễn Bá Dương công tác tại Công ty Công nghiệp nhẹ số 2 - DESCON và từng nắm giữ các chức vụ: Phó Giám đốc Xí nghiệp xây dựng và trang trí nội thất, Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng số 1, Phó Giám đốc Công ty Xây dựng DESCON.
Từ tháng 6/2002 đến tháng 8/2004, ông đảm nhận vị trí Phó Giám đốc kiêm Giám đốc khối xây lắp tại Công ty KTXD và VLXD COTEC.
Từ tháng 8/2004, ông trở thành Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons. Với tài lãnh đạo của mình, Coteccons từ một công ty có mức vốn điều lệ chỉ vẻn vẹn 15 tỷ đồng đã tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức vốn điều lệ lên đến 792 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty còn là nhà thầu xây dựng nhiều công trình lớn trong nước như: Vinhomes Central Park, Landmark 81, Goldmark City...
Cuộc “chia tay" ồn ào và kéo theo việc chảy máu chất xám tại Coteccons
Ngày 5/10/2020, ông Nguyễn Bá Dương từ chức Chủ tịch HĐQT Coteccons, rời công ty xây dựng do chính mình sáng lập và đứng đầu suốt 16 năm. Sau khi rời đi, ông Dương cũng "dứt tình" với Coteccons bằng việc bán cổ phần, không còn là cổ đông lớn công ty.
Ngay từ trước khi ông Dương chính thức rời Coteccons, nhiều nhân sự cấp cao đã lần lượt rút khỏi công ty. Sau khi nhà sáng lập từ chức chủ tịch, hàng loạt thành viên lâu năm trong ban điều hành Coteccons cũng nối gót ra đi.
Nhưng không chỉ có các nhân sự cấp cao nghỉ việc. Báo cáo năm 2020 của Coteccons cho biết số lượng nhân sự của tập đoàn vào cuối năm 2020 chỉ còn 1.659 người, giảm gần 30% so với con số 2.272 người vào cuối năm 2019. Đến cuối tháng 6/2021, số nhân sự của công ty cũng chỉ tăng nhẹ lên 1.718 người.
Tại họp đại hội thường niên cuối tháng 4/2021, chảy máu chất xám chính là một trong những vấn đề được cổ đông chất vấn ban lãnh đạo mới của Coteccons nhiều nhất cùng với hiện tượng mất dự án vào tay nhà thầu khác. Phó Tổng Giám đốc Phạm Quân Lực giải thích trong một công ty đang tái cơ cấu, việc có những người không phù hợp ra đi là đương nhiên. Một lãnh đạo khác của Coteccons cho biết do tỷ lệ doanh thu/nhân viên luôn ổn định, việc nhân sự hao hụt khi doanh số công ty sụt giảm là việc khách quan.
Đế chế mới của ông Nguyễn Bá Dương thời hậu Coteccons
Sau khi rời khỏi Coteccons (tháng 10/2020), ông Nguyễn Bá Dương gây chú ý xuất hiện tại lễ ký kết kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 của CTCP Vật liệu và Giải pháp SOL (SOL E&C) với vai trò là Chủ tịch sáng lập. Ngoài ông Dương, SOL E&C còn có sự góp mặt của Tổng giám đốc là ông Lê Chí Trung, người từng làm Tổng giám đốc tại Unicons. Giám đốc điều hành là ông Ngô Thanh Phong, người từng làm Chánh văn phòng tại Coteccons.
Doanh nhân Nguyễn Bá Dương tại lễ ký kết tại SOL E&C |
SOL E&C tiền thân là CTCP Vật liệu và Giải pháp S.M.A.R.T, được thành lập vào tháng 11/2015, vốn điều lệ ban đầu 18 tỷ đồng, 3 cổ đông sáng lập là ông Huỳnh Nhật Minh (70%), ông Nguyễn Xuân Đạo (29,9%) và bà Phạm Thị Thu Huyền (0,1%). Dù vậy, đến cuối tháng 5/2017, cả 3 cổ đông sáng lập của SOL E&C cùng thoái hết vốn. Cập nhật đến tháng 11/2020, quy mô vốn điều lệ của SOL E&C đạt 305 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được công bố.
Cuối năm 2022, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng SOL E&C do ông Dương sáng lập đã cán mốc doanh thu gần 4500 tỷ. Dù từng là “người cũ” thuộc nhóm Coteccons Group, song SOL E&C hiện lại đang là đối thủ đáng gờm, đang đe dọa vị thế nhà thầu số 1 Việt Nam của Coteccons.
Hiện tại, Coteccons và Ricons tiếp tục trong một "cuộc chiến mới" khi Ricons gần đây đã kiện Coteccons và yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Ricons của ông Nguyễn Bá Dương tiếp tục trúng thầu dự án đắc địa ở phía Tây Thủ đô
3 doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương làm tổng thầu siêu dự án 18.000 tỷ