Xã hội

Như chưa hề có cuộc chia ly: 'Anh ơi thương nhớ, em chỉ mong anh về với gia đình'

Manh Lan 07/07/2024 23:42

Người cậu thất lạc tròn 70 năm của ông Nguyễn Văn Ngó đến nay cuối cùng đã được trở về vòng tay của gia đình và mảnh đất quê hương, chỉ tiếc là...

Tập 178 của Như chưa hề có cuộc chia ly là số lại tìm thân quyến của ông Nguyễn Văn Ngó, tìm người cậu của mình là ông Vũ Văn Bốn, lạc gia đình từ năm 1954 đến nay đã tròn 70 năm. Ông Ngó năm nay đã 84 tuổi, với mái tóc bạc và bộ quân phục gắn đầy những huy chương, chỉ mong có thể tìm lại cậu cùng gia đình cậu, giúp ông ngoại đưa cậu trở về cội nguồn.

“Nhớ anh em lắm nhưng biết làm thế nào, giờ chỉ muốn biết ổng còn sống hay không…”

Ông Ngó sinh năm 1941, những ký ức trong ông về những ngày thơ ấu xoay quanh thời gian khi đất nước mới giành độc lập, kinh tế còn khó khăn. Sau đó, khi thực dân Pháp trở lại xâm lược, ông Bốn khi đó đi hoạt động du kích, tới năm 1952 thì bị bắt. Thời điểm cậu đi du kích rồi bặt tin vào năm 1954, ông Ngó đã 14 tuổi, vậy nên ký ức về người cậu thân thương vẫn còn rõ trong trí nhớ của ông.

“Ông cậu tôi bị địch bắt, mới đầu không biết bị đưa về đâu, sau này mới nhận tin là ở bốt Tây Đằng, rồi chuyển đến bốt Trung Hà, được một thời gian thì đưa về Hỏa Lò. Tới năm 1954, được tin cậu bị địch cho lên tàu vào Nam. Kể từ đó, gia đình chúng tôi xa cách”, ông Ngó kể lại.

Ông Ngó nói rằng, làng xóm và những người đồng đội khi đó của ông Bốn đều nói rằng ông là người rất gan dạ, mọi người đều yêu quý.

“Cậu tôi mặt trái xoan, người cao cao, có thể nói là điển trai nhất trong các cậu. Cậu Năm mất rồi, còn cậu Sáu hiện tại (nay đã 90 tuổi) trông cũng tựa tựa”, ông Ngó kể thêm.

Ông Nguyễn Văn Ngó đăng ký tìm thân quyến là người cậu Vũ Văn Bốn. Ảnh: Chụp màn hình

Ông Nguyễn Văn Ngó đăng ký tìm thân quyến là người cậu Vũ Văn Bốn. Ảnh: Chụp màn hình

Theo lời kể của cụ Sáu, gia đình cụ Vũ Văn Thai và cụ Phan Thị Quýp (ông bà ngoại của ông Ngó) có 6 người con, 2 gái và 4 trai. Bốn người con trai có tên gọi ở nhà lần lượt theo tuổi, là ông Ba, ông Bốn, ông Năm và ông Sáu.

Ông Sáu kể lại về thời gian hoạt động du kích của anh trai mình: “Ông đứng canh ở bốt để bắn giả, bị địch vây thì chạy mất. Ổng gan thế cơ mà. Mãi cũng mới bắt được ổng chứ không phải muốn là bắt được.

Sau này bị Tây bắt, tra tấn khổ lắm. Chúng nó dí điện giãy đành đành ở sân đình, nhưng hỏi thì ổng không nói, lại lôi ra đánh đập. Sau đó chỉ biết là bị đưa đi thôi chứ cũng chẳng biết bị đưa đi đâu”.

Cụ Sáu, em trai của ông Bốn. Ảnh: Chụp màn hình

Cụ Sáu, em trai của ông Bốn. Ảnh: Chụp màn hình

Cụ Sáu kể, cụ Quýp khóc suốt khi biết ông Bốn bị bắt đi, tới năm 1967 thì cụ bà mất. Ông Bốn lúc đó ở trong Nam, chẳng biết tin để mà giỗ mẹ.

Chương trình đưa hình ảnh ông Bốn cho cụ Sáu nhìn, cụ cười cười, hỏi có phải đây là anh trai của mình không: “Nhìn ảnh là nhớ đấy. Nhớ anh em lắm nhưng làm thế nào được. Bây giờ tôi chỉ muốn biết ổng còn sống hay chết rồi, nếu mất rồi thì còn đứa con nào không, vợ ổng còn không, giờ gia đình tôi chỉ muốn thế thôi…”

Cụ Sáu cười khi được nhìn ảnh ông Bốn, dù đã tuổi cao mắt kém nhưng vẫn nhận ra người anh trai thất lạc năm ấy. Ảnh: Chụp màn hình

Cụ Sáu cười khi được nhìn ảnh ông Bốn, dù đã tuổi cao mắt kém nhưng vẫn nhận ra người anh trai thất lạc năm ấy. Ảnh: Chụp màn hình

Ông Ngó là con trai của cụ Sen Nhớn, con gái cả của cụ Thai. Khi bà ngoại mất, ông Ngó đã đi bộ đội chống Mỹ được mấy năm, là Trung đội trưởng Trung đội Trinh Sát của Bộ Tư lệnh Công Binh. Năm 1972, đơn vị ông vượt qua vĩ tuyến 17 vào Quảng Trị tham gia Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Năm 1979 chiến tranh biên giới, ông Ngó xung phong trở lại quân đội đánh quân bành trướng, tới năm 1983 mới phục viên, về làm cán bộ xã suốt 15 năm.

Và đến nay đã 84 tuổi, ông Ngó vẫn cố gắng gắn kết một nhánh trong đại gia đình, đã biệt tăm từ năm 1954. Ông vẫn luôn nhớ đến người cậu của mình. Thời điểm vào Nam đánh Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, lúc nào cũng nhớ đến cậu nhưng lại chẳng biết cậu ở đâu mà tìm.

70 năm - thời gian dài hơn một đời người

70 năm là một cột mốc lịch sử, diễn ra nhiều sự kiện chiến tranh đánh dấu những trang sử hào hùng của dân tộc, nhưng giản dị hơn, đó cũng là 70 năm một ngày giỗ phải chia đôi, cách xa gần 2.000km.

Không biết ông Bốn đi tàu cảng từ Hải Phòng vào Nam đã dừng lại tại những cảng nào, trong những năm đầu tiên kể từ năm 1954 đó ông đã làm gì để sống. Chương trình tìm được thông tin đầu tiên về ông tại thị xã Phan Thiết (nay là TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Năm 1962, tức là 8 năm sau khi rời đất Bắc, ông Bốn làm thợ mộc tại đây.

Thời điểm những năm 1960, ông Bốn làm mộc ở thị xã Phan Thiết. Ảnh: Chụp màn hình

Thời điểm những năm 1960, ông Bốn làm mộc ở thị xã Phan Thiết. Ảnh: Chụp màn hình

“Má kể là lúc đó nhà má đối diện quán mộc của ông Bốn, hai bên để ý nhau rồi sau này được làm mai, trở thành vợ chồng”, chị Vũ Thị Hằng, con gái đầu lòng của ông Bốn - bà Năm kể lại.

Ông Bốn sinh chị Hằng được vài tháng thì bị bắt đi lính, đóng quân ở Sài Gòn. Ông Ngó kể lại, vào năm 1964, gia đình cũng từng nhận được một lá thư rất ngắn của ông Bốn, cũng nói rằng mình đang ở Sài Gòn.

Vậy mà gia đình ông Bốn đến nay vẫn chưa từng biết đến sự cố gắng kết nối với quê nhà của ông.

Bà Nguyễn Thị Năm xúc động kể, ông Bốn ít khi kể về gia đình mình, nên bà cũng chẳng biết gia đình ông ngoài Bắc như thế nào, hỏi sao không đưa mình về quê thì ông nói kinh tế khó khăn, không có tiền về.

Chị Hằng, con gái đầu lòng của ông Bốn và bà Năm. Ảnh: Chụp màn hình

Chị Hằng, con gái đầu lòng của ông Bốn và bà Năm. Ảnh: Chụp màn hình

Chị Vũ Thị Hằng nhớ lại: "Ba có nói đến chuyện về quê, nhưng nói đi lâu về quê phải có quà không thì họ hàng cười chê".

Khi sắp mất, ông Bốn mới kể với con gái về quê nhà của ông, khi ấy, gia đình mới tìm được tờ hôn thú của cha mẹ ông, biết được tên của ông bà nội.

Ông Bốn đi lính 6-7 năm thì được về nhà. Ông đưa 4 người con được sinh ra ở Sài Gòn, cũng người con gái lớn trở về quê nhà ở Phan Thiết, làm nghề mộc thêm một thời gian thì đất nước thống nhất.

Bà Năm xúc động khi nhớ về người chồng đã mất, kể rằng ông rất ít khi nói về gia đình mình. Ảnh: Chụp màn hình

Bà Năm xúc động khi nhớ về người chồng đã mất, kể rằng ông rất ít khi nói về gia đình mình. Ảnh: Chụp màn hình

Ông Bốn năm đó đã trung niên, làm nghề mộc cho tỉnh đội Bình Thuận, có nghĩa là đường về quê của ông không có trở ngại ngay những năm đầu thống nhất.

Có lẽ ông Bốn đã giữ riêng trong mình một nỗi đau nào đó, ông chẳng kể về cội nguồn của mình. Ông còn khiến gia đình nhỏ hiểu lầm vì nghĩ rằng ông có vợ ngoài Bắc. Nhưng sự thật là, khi ông bị đi tù ở Hòa Lò năm 24 tuổi, ông còn chưa có vợ. Ông cũng có người yêu trước khi bị bắt, hẹn sau khi trở về thì sẽ cưới nhau, nhưng lúc về thì bà đã lấy người khác.

Ông Bốn sau khi vào Nam cưới bà Năm là người vợ đầu tiên, là người rất yêu thương gia đình, yêu vợ con và có cuộc sống bình yên, hạnh phúc tới khi mất. Dù đi lính nhiều năm nhưng ông bài bản, không cờ bạc, trăng hoa.

Các con gái của ông kể lại, cha mình thích bóng đá và vé số. Ai vào bán ông cũng mua bằng tiền để dành từ tiền của các con cho, với mong ước sẽ trúng số để có thể về quê với gia đình. Ông cũng hát rất hay, các con của ông vẫn còn nhớ tiếng ru “Cò ơi…” của ông.

Những người con gái của ông vẫn còn nguyên ký ức về những ngày sống cùng cha. Ảnh: Chụp màn hình

Những người con gái của ông vẫn còn nguyên ký ức về những ngày sống cùng cha. Ảnh: Chụp màn hình

Anh Vũ Ngọc Minh, con trai ông Bốn, kể lại: “Thương ổng lắm. Thương là khi ổng mất, ngoại có mà nội không có. Ông thích về quê lắm chứ, tại xa quê lâu quá rồi mà, từ khi thanh niên vào đây, tới năm 88 tuổi ổng mới mất mà”.

Các con kể, ông Bốn ra đi nhẹ nhàng lắm, dòm qua nhà một lượt rồi đi. Các cháu ông nhìn bàn vị của ông ngoại, mong muốn gia đình bên nội tới thắp cho ông được cây nhang.

Kể cả khi cha đã mất đi, con cái ông Bốn đến nay vẫn còn nhớ ngày 27/5 âm lịch hàng năm là ngày giỗ ông nội, và có lẽ ngày giỗ chia đôi ấy sẽ còn được truyền tới đời con, đời cháu nữa, nếu không có cuộc kết nối chia ly của chương trình.

Khoảnh khắc đoàn tụ, ông Ngó ôm lấy anh Hậu, là cháu thế hệ thứ 3 của ông Bốn. Anh Hậu là người tinh tế đến mức, đã đặt bài vị và bàn thờ cho ông Bốn từ ngoài Hà Nội vào, dù chưa biết quê chính xác của ông cố là ở đâu, để ông có thể cảm nhận được sự ấm áp từ quê hương.

Khoảnh khắc đoàn tụ khiến cả trường quay xúc động của ông Ngó và những người em, người cháu chưa bao giờ gặp mặt

Ông Ngó cũng khóc và kêu lên: “Xúc động quá. Các em ơi, 70 năm trời mới được đoàn tụ”, với những người em họ mà sống cả một đời mới được gặp lại. Ông Ngó xúc động giới thiệu những người anh em họ trong đại gia đình mình với con cháu của ông Bốn.

Cụ Sáu, vì tuổi cao sức yếu không thể có mặt tại trường quay, cũng tha thiết được gửi một bức thư đến cho người anh trai đã lạc nhau cả một đời người. Cuối thư, cụ Sáu có viêt: "Anh Bốn thương nhớ, các cháu yêu thương, em chỉ mong gia đình ta hạnh phúc".

>> Như chưa hề có cuộc chia ly: ‘Em chẳng nhớ tên cha, tên mẹ, tên mình cũng chẳng nhớ’

Đau đáu việc nối tiếp di sản âm nhạc, gia đình Trịnh Công Sơn muốn tìm thế hệ mới hát nhạc Trịnh

Từ vụ nam sinh Hà Nội hôn mê nhập viện cấp cứu: Nan giải bài toán quản lý chất hóa học trong thuốc lá điện tử hệ thống mở

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nhu-chua-he-co-cuoc-chia-ly-anh-oi-thuong-nho-em-chi-mong-anh-ve-voi-gia-dinh-d127064.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Như chưa hề có cuộc chia ly: 'Anh ơi thương nhớ, em chỉ mong anh về với gia đình'
POWERED BY ONECMS & INTECH