Như chưa hề có cuộc chia ly: 'Gần hết một cuộc đời, con mới gặp lại mẹ'
Bốn mươi mấy năm sau khi bị thất lạc, anh Thái Tấn Sơn mới có thể gặp lại gia đình với những mảnh ký ức mờ nhạt của đứa trẻ 5 tuổi…
“May nhờ - rủi chịu” là thông điệp chính của tập 177, Như chưa hề có cuộc chia ly số mới nhất. Trong số này, ta mới thấy thời cuộc và chiến tranh, cả sự vô trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình đã khiến người phụ nữ Việt Nam đã khổ lại càng khổ.
Anh Thái Tấn Sơn lạc gia đình khi mới chỉ là một đứa trẻ 4-5 tuổi. Giờ đây, khi đã có vợ con và một gia đình nhỏ hạnh phúc, anh Sơn mới liên lạc với chương trình để nhờ tìm lại người thân của mình. Bốn mươi mấy năm xa cách, khoảnh khắc trùng phùng vẫn khiến anh cùng tất cả những người có mặt tại trường quay Như chưa hề có cuộc chia ly khi đó vô cùng xúc động.
Ký ức về người phụ nữ thả những quả trứng vào thau nước
Theo anh Sơn nhớ, mình thất lạc gia đình vào năm 1977. Khi được ba nuôi hỏi anh mấy tuổi, anh Sơn nhớ mang máng rồi trả lời “Con 4-5 tuổi gì đó ạ”, để ba đi làm giấy khai sinh cho vào năm 1973.
Trí nhớ của đứa trẻ 5 tuổi lạc gia đình có rất nhiều phong cảnh: có ruộng lúa, sông nước, có những nhà máy lớn và tiếng còi đổng.
Và điều may mắn hơn cả, anh Sơn nhớ được tên 2 người anh em ruột của mình, giúp cho việc tìm kiếm gia đình anh trở nên dễ dàng hơn nhiều. Một người anh tên là Tuấn, một người em tên là Hùng còn anh ở giữa, tên là Sơn.
Một mảnh ký ức khác mà anh Sơn còn nhớ tới bây giờ là về người phụ nữ cứ thả những quả trứng vào xô nước, mà khi sau này lớn lên, anh mới hiểu đó là để thử trứng lộn. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó, anh Sơn chẳng có thông tin gì nhiều về người phụ nữ này là ai, hay tại sao hình ảnh đó lại ghim vào trí nhớ của mình.
Chương trình đã đi tìm người phụ nữ ấy đầu tiên, kết quả đó lại chẳng phải mẹ ruột của anh Sơn, chẳng phải cô, dì mà lại là bà Lan - vợ trước của ba. Người phụ nữ xuất hiện trong ký ức của anh chính là người đã chăm sóc 3 anh em mà chẳng nề hà đó không phải con mình.
Bà Lan năm nay đã ngoài 90 tuổi, nhưng ký ức về đứa trẻ tên Sơn mà mình đã từng chăm sóc vẫn còn: “Tôi là vợ lớn, còn má nó là vợ nhỏ. Dù tôi thôi ở với chồng từ khi con nhỏ xíu, nhưng thấy tội nghiệp nên tôi nuôi, cho nó ở, cho nó ăn cơm. Thằng Sơn nó chỉ ở đây mấy tháng thôi, sau đó nó đi theo má nó. Tội nghiệp, lúc nó đi nó còn nhỏ xíu…”
Bà Nguyễn Thị Lan, vốn quê gốc Long An, là người vợ đầu của ông Lâm Văn Sáng, lúc bấy giờ là hạ sĩ quan, lái xe cho tướng tá Việt Nam Cộng hòa. Khi hai người không còn ở với nhau, bà Lan và 4 người con vẫn sống ở Sài Gòn. Rồi ông Sáng lấy bà Phạm Thị Chiến, sinh 3 người con trai tên là Hùng, Sơn, Tuấn. Sau đó ông lại quen với người khác, lúc đó là năm 1977, Hùng mới lên 7, Sơn lên 5 còn Tuấn lên 3.
Bà Chiến sau đó đem 3 người con về quê ngoại nhưng lại không nuôi nổi, bèn trả lại cho ông Sáng. Lúc ấy, bà Lan thương mà một mình nuôi cả 7 đứa trẻ suốt mấy tháng, cho tới khi không thể cố gắng hơn được nữa. Chỉ có Hùng và Tuấn là ở với bà lâu, còn Sơn thì được mẹ ruột đón đi, không bao lâu sau thì nghe tin mất tích.
Một mình nuôi 4 người con, lại nuôi thêm 3 người con không phải của mình sinh ra, trần đời ai bao dung như bà Lan. Khi Sơn đi theo mẹ, bà Lan mới tập buôn trứng, tối đến bà thả trứng vào chậu nước to, xem quả nổi quả chìm.
Anh Sơn xem những video được chương trình ghi lại về bà Lan, không khỏi xúc động. Vậy là, người phụ nữ với đôi bàn tay thả trứng vào xô nước trong ký ức của anh chính là về người mẹ đỡ đầu này của mình.
Anh Sơn cũng khóc lên khi gặp lại người anh là con của bà Lan, những người anh em từng sống chung chỉ trong vài tháng, mờ nhạt trong trí nhớ mỏng manh hồi nhỏ ấy. Mấy anh em cứ nói với nhau trong sự xúc động “4-5 chục năm rồi mới gặp lại…”
Cuộc sống lênh đênh trên biển êm ấm cùng gia đình nhỏ
Bà Thái Thị An là người nhận nuôi anh Sơn đầu tiên rồi đưa anh từ TP. HCM về huyện Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận. Chặng đường 300km về Cà Ná hẳn là dài đằng đẵng với một đứa trẻ lạc gia đình mới 5 tuổi. May mắn, anh Sơn gặp được bố mẹ nuôi thương yêu mình.
Anh Sơn kể trong video phóng sự, vẫn nhớ rõ như in ngày mình bị lạc ở ga xe hỏa Bến Thành năm 1977: “Lúc mẹ đi, bà nói muốn đi mua nước uống. Mình mới nói ‘thôi má đi đi, để con ở lại trông đồ’, sau đó bà bảo để cầm luôn tại sợ mất, rồi bà xách đi luôn, đi biệt tăm luôn. Tôi không có qua tay ai, mà cứ ngồi ở bến xe khóc từ sáng tới chiều, chẳng biết ba mẹ đi đâu”.
Lúc còn trẻ, anh cứ nghĩ sao mẹ bỏ mình, tại khi lạc mẹ đi mãi không về, nhưng giờ thì anh hiểu và không bao giờ hận mẹ. Hiện tại, anh đã có vợ - người anh quen từ thời thơ ấu, và họ có ba người con trai. Các con của anh cũng nối nghiệp cha, ra biển đánh bắt cá, giúp gia đình có cuộc sống kinh tế ổn định. Anh được cha nuôi cho một mảnh đất và đang tiết kiệm tiền để xây nhà.
Người khuyến khích anh tìm lại gia đình là cha nuôi. Còn vợ anh, trong những ngày anh đi biển, chị luôn năng nổ tìm kiếm thông tin về gia đình chồng. Chị cũng là người giúp anh bỏ đi cái ý nghĩ giận mẹ.
Nhiều khán giả xem chương trình cũng đã bày tỏ niềm vui khi thấy anh Sơn gặp được một gia đình có cha mẹ yêu thương anh hết mực.
Anh tâm sự: “Nhiều khi mình cũng nghĩ sao mình lại bị mẹ bỏ. Nhưng cũng lại nghĩ cho mẹ, năm đó cũng mới giải phóng, còn khó khăn. Không giận mẹ gì đâu, giờ giận mẹ cũng được cái gì. Mẹ sinh mình ra, cho mình sống, vậy là được rồi. Mẹ mình mà mình giận gì đâu.
Mình cũng có cái duyên, gặp cha mẹ nuôi tốt, cho mình cái ăn cái mặc, cuộc sống không cha không mẹ mà được như bây giờ là quá hạnh phúc rồi. Giờ mình chỉ ao ước gặp được anh, cô, dì, chú, bác, để sau này con mình không mất cái cội nguồn.
Nếu mẹ còn là mình ôm mẹ trong lòng, chứ không bao giờ buồn mẹ. Gặp cha mẹ là mừng”.
“May nhờ - rủi chịu”
Bà Chiến sau khi lạc con, tới năm 1978, vẫn mãi mải miết tìm con, kể cả có phải ngủ ngoài đường phố, ngoài hiên nhà người ta. Bà lên thành phố buôn bán, đau đáu nỗi đau tìm kiếm đứa con thất lạc của mình. Đi ngoài đường, cứ nhìn thấy đứa trẻ nào giống con là lại sờ tay, sờ tóc, thậm chí còn bị người ta đánh vì tưởng là bắt cóc trẻ em.
Bà Chiến quê gốc ở Long An. Năm 16 tuổi, bà lên thành phố để phụ việc, số phận khi ấy cứ mới lớn lên là phải mưu sinh rồi lấy chồng, không có sự lựa chọn nào khác. Quen ông Sáng, bà bồng con theo chồng đi khắp các trại gia binh. Tới lúc ông Sáng bị tai nạn, bà mới hay nhà nội trong đám cưới của bà và ông Sáng đều là đóng giả. Lúc ấy, bà Chiến mới biết vợ lớn của ông Sáng là bà Lan.
Những mảnh ký ức của anh Sơn về những nhà máy, công xưởng, có lẽ là bắt đầu từ năm 1976, khi ông Sáng đưa vợ con đi tìm việc ở Biên Hòa, sống ở khu công nghiệp.
Sau khi ông Sáng có người mới, bà Chiến đưa con về quê, nhưng không nuôi nổi. Lúc trả lại con cho ông Sáng nuôi, vậy mà cuối cùng lại thành bà Lan nuôi.
“Năm đó lên Sài Gòn thăm con, sau thằng Sơn lại đòi theo. Thì cũng đưa theo nó ra ga Sài Gòn đề về cùng, để nó ở ngoài để mình vào trong mua vé, lúc đi ra thì mất nó. Bà bán nước ở đó kể, có người đàn bà dẫn nó đi”, bà Chiến kể lại chuyện lúc lạc mất anh Sơn.
Bà Chiến sau này quen thêm một người, có thêm một cô con gái thì lại phát hiện ra người đó đã có vợ con rồi. Bà lại một mình nuôi ba con. Giờ bà chỉ có sức cho các con được sống, chứ không thể cho gì khác. Con cái bà cũng đi thuyền, nuôi tôm, nhưng thua suốt. Cuộc sống đến giờ vẫn khó khăn.
“Mấy chục năm rồi, vẫn nhớ nó hoài. Bởi vậy tôi mới theo đạo Chúa, cầu nguyện hàng đêm mong con khỏe mạnh, có gia đình hạnh phúc. Giờ kiếm được con tôi chết cũng được. Nay tìm được, mai chết cũng được luôn”, bà Chiến chia sẻ, nỗi mong ngóng con hằn trên gương mặt của người phụ nữ đã khó khăn cả một đời.
Và điều ước của bà cũng thành hiện thực. Khoảnh khắc đoàn tụ của 2 mẹ bà Chiến và anh Sơn ngập tràn trong nước mắt và sự xúc động. Người mẹ lạc con khi ấy chỉ có thể nghẹn trong tiếng khóc, kêu lên “Con ơi, con ơi…”.
“Bốn mươi mấy năm rồi, gần hết một đời người, con mới tìm được mẹ”, anh Sơn nghẹn ngào nói. Hai mẹ con ngồi tâm sự, nắm tay nhau trong sự bồi hồi.
Trong tháng 5/2024, Chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" đã có:
- 6 cuộc tìm ra.
- 830 đầu thông tin mới được xử lý.
- 73 hồ sơ tìm kiếm mới được thiết lập.
"Như chưa hề có cuộc chia ly" tìm kiếm để đoàn tụ thân nhân hoàn toàn miễn phí, mong muốn trở thành hoạt động nhân đạo đầu tiên do các cá nhân nuôi nấng bằng sự tham gia đều đặn, định kỳ. Bạn hãy góp sức 1 ổ bánh mì mỗi tháng để "Như chưa hề có cuộc chia ly" tiếp tục tìm kiếm và đoàn tụ cho những người Việt còn chịu ly tán.