Như chưa hề có cuộc chia ly: ‘Biết bây giờ con ở nơi nào đâu? Vái cho con được ở chỗ sung sướng'
23 năm, ký ức về gia đình là ngôi nhà nằm sát biển và ám ảnh chuyến đi xa "nhớ đời" mà anh Võ Cường (Nguyễn Văn Dũng) đã lạc cha.
“Quanh ta có phép màu” chính là thông điệp của chương trình Gala kỷ niệm 15 năm chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) phát sóng vào đúng đêm 30 Tết Quý Mão (ngày 21/1/2023). Trong Gala, câu chuyện trùng phùng với gia đình sau 23 năm khiến người xem xúc động hơn cả.
Cái tên giả theo bản thân suốt 23 năm
Anh Nguyễn Văn Dũng đi lạc năm 4-5 tuổi. Khi đó, ba đưa Dũng từ quê lên TP.HCM thăm bà. Rồi một buổi sáng, ba em nói chuyện với họ hàng, em ra ngoài chơi rồi đi lạc không biết đường về.
Một trường hợp đi lạc đặc trưng khi đứa trẻ ở quê theo ba hay mẹ lên thành phố rồi mải chơi mà đi xa dần người lớn. Các gia đình lạc mất con thường phần nào tan nát, tìm nhau rất khó khi đứa trẻ phát hiện ra mình bị lạc thường hoảng hốt tới mức quên mất cả tên mình.
Nguyễn Văn Dũng chính là cái tên được công an phường đặt cho trước khi đưa đứa trẻ đi lạc tầm 6 tuổi vào một mái ấm ở TP.HCM, cũng là cái tên gắn với anh tới bây giờ.
Đến gần 30 tuổi, Dũng vẫn sống trong một cơ sở nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, điều hiếm xảy ra với bất cứ một trẻ lạc nào. 23 năm xa nhà, anh đã từng sinh sống qua hai mái ấm và một ngôi chùa. Sau này, chùa đóng cửa, Dũng được sư cô trao cho mẩu giấy ghi địa chỉ và gửi xe đò lên Long Thành.
Năm 2010, anh Dũng từng gửi thư nhờ chương trình tìm lại gia đình mình. Anh lúc đó chỉ nhớ một thông tin ít ỏi là gia đình gần biển, nhìn ra ngoài 20m là thấy biển. Thời gian càng lâu, con người dần trưởng thành, anh cũng không còn muốn tìm gia đình vì thất vọng.
“Lúc em muốn tìm lại gia đình là khi em học cấp 2, giai đoạn đó em cần sự yêu thương. Qua thời gian đó thì em đã quen với cuộc sống chấp nhận rồi, trưởng thành hơn, nên nỗi nhớ tới gia đình đã giảm đi nhiều”.
Đây là một tâm lý rất đặc biệt của những người bị thất lạc, bởi nhiều khi người ta phải nén nỗi đau lại tới mức tưởng chừng như họ không còn cần tới gia đình nữa, họ không có khả năng và niềm tin mình có thể tìm lại người thân.
Thời gian anh Dũng ở mái ấm cũng có nhiều người nói rằng anh không cần tìm lại gia đình làm gì vì cuộc sống hiện tại của anh ở mái ấm cũng rất ổn định, anh học tốt và có thể tự có cuộc sống cho riêng mình.
Năm 2013, một đơn vị nhân đạo đưa Dũng đi học tiếng Pháp rồi chắp nối cho anh sang Bỉ học nghề làm bánh. Gia đình chủ tiệm rất quý Dũng, muốn nhận làm con nuôi nhưng sau 8 tháng, anh nhất quyết quay về Việt Nam.
“Em không thích làm bánh lắm, em thích làm tóc hơn”, anh Dũng chia sẻ.
Anh đã từng tự rời mái ấm này vào TP. HCM để học cắt tóc. Thời gian đó, anh làm đủ nghề để trang trải, kể cả đi theo xe lượm rác hay bán vé số.
“Em gặp nhiều trường hợp người ta khổ hơn mình nhiều, nên em không bao giờ thấy chạnh lòng cả. Không biết tính cách của em giống ai trong gia đình, nhưng em nghĩ cuộc sống xã hội khiến em trở nên như vậy”, Dũng nói.
Sau này, anh vay tiền mở được một tiệm cắt tóc nhỏ, sáng đi làm, trưa và chiều tối làm xong lại về mái ấm.
“Em sợ người ta giúp đỡ. Em đi làm ở tiệm, người ta hỏi thì em cũng bịa ra một câu chuyện là mình có gia đình này kia, chứ nói ra họ lại thương hại mình này kia. Em sợ nhất điều đó. Cuộc sống mình bình thường, cũng không thua thiệt ai nên em không muốn làm phiền tới ai hết
Lúc cảm thấy thiếu thốn nhất chắc là lúc đi làm về, nơi về lại không phải là ngôi nhà”, anh Dũng chia sẻ.
Cho đến những ngày cả nước chống dịch, khi sự sống và cái chết cách nhau gang tấc và phải chứng kiến quá nhiều điều mất mát, thì khát vọng tìm gia đình của Dũng lại càng cháy bỏng hơn. Dũng một lần nữa gửi thư nhờ chương trình kết nối, bởi không có gì thiêng liêng hơn tình cảm gia đình.
Anh Dũng xúc động chia sẻ: “Em đi trực ở mấy bệnh viện, thấy người ta đi 4 người mà về được có 2 người. Lúc đó em mới cảm nhận được mình muốn tìm lại cha mẹ”.
Cha mẹ chẳng bao giờ thôi nhớ con
Dựa vào thông tin ít ỏi trong lá thư nhờ chương trình tìm kiếm gia đình là “nhà gần biển, chưa tới 20m là ra tới biển, có nhiều thuyền thúng”, Như chưa hề có cuộc chia ly tìm tới làng chài Xuân Hải, thị trấn Xuân Sông Cầu, Phú Yên, một địa điểm du lịch vô cùng đẹp và yên bình.
Chuyện ông Võ Phải đưa con Võ Cường đi thăm bà nội rồi để lạc con cả thôn đều biết. Bà nội khi đó mới chuyển vào Cát Lái, TP. HCM chưa được bao lâu, ông Phải vào thăm bà lần đầu, dẫn theo đứa con mà ông quý nhất. Ông Phải có tới 10 người con, người con đi lạc của ông là người con thứ 8.
Bà Cách - vợ ông Phải, khi nghe tin chồng báo con đã đi lạc còn tưởng ông đùa giấu con, nên chạy quanh thôn để tìm, rồi bà ngã ngất. Sau đó, ông Phải cầm hình con lên lại thành phố để báo công an, còn bà Cách vội bán miếng đất mà mẹ chồng cho chưa lâu được trăm rưởi ngàn rồi nhờ ông cậu là bộ đội tập kích dẫn đi tìm con.
“Hồi đó vô tìm 5-6 ngày không được, ông cậu mới nói thôi về đi cháu chứ biết đâu mà tìm”, bà Cách xúc động nói.
Mất con, ông Phải đau buồn chìm trong rượu. Ông bà cự cãi, nhiều lúc tưởng bỏ nhau. “Ngày nào ổng cũng uống rượu hết. Ổng chết ngấp nghẻ lắm, đúng 2 giờ sáng là ổng đi chứ có đau bệnh gì đâu”, bà Cách nói.
Khi ông mất, bà Cách đi làm lại sổ hộ khẩu bỏ tên ông, nhưng nhất quyết giữ lại tên Võ Cường, đợi sau này tìm lại con. 9 người con của bà Cách đều ở quanh nhà bà, chỉ có người con thứ 7 là Võ Hùng là lên thành phố làm xây dựng. Anh Hùng là người anh sát với Cường, cũng là người cùng mẹ giữ hy vọng tìm được em.
Mỗi lần nhớ con, bà Cách lại lên lăng ông Nam Hải. Buổi tối, trước ngày theo cha vào Sài Gòn, Cường còn đến lăng này nghe hát bội. Nửa đêm, bà rọi đèn đi tìm thấy Cường ngủ quên nằm một góc, bà ẵm con về nhà. Lúc đó, Cường tròn vo, trắng trèo lắm.
Bà Cách chia sẻ nỗi nhớ con chưa bao giờ vơi trong tâm trí: “Thời gian cứ quay qua quay lại, cứ trong cái tâm mình… cứ nói tới thằng con mình là mình khóc, tới giờ bà vẫn tủi thân bà khóc.
Đi làm về, nửa đêm gà gáy là lại nhớ tới con. Biết bây giờ con ở nơi nào đâu? Vái cho con được ở chỗ sung sướng”.
Khoảnh khắc đoàn tụ cuối cùng cũng tới. Nhờ có Như chưa hề có cuộc chia ly, Dũng được tiếp thêm niềm tin và có buổi đoàn tụ đầy nước mắt cùng gia đình. Dũng tìm lại được tên thật sau 23 năm - Võ Cường, được mẹ cùng rất đông người thân từ quê nhà Phú Yên lên hội ngộ.
Các chị của Cường khóc lên nói với em: “Chị xin lỗi em ơi, chị còn tưởng em chết mất rồi…”
Chỉ đáng tiếc một điều, Dũng không còn cơ hội đoàn tụ cùng cha của mình. “Ngàn lần tha lỗi cho sự sơ suất này của cha” chính là tiếng lòng chân thành nhất mà ông Phải gửi tới chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, là sự ân hận bởi một khoảnh khắc vụt qua nhưng lạc con hơn 20 năm của mình.
Như chưa hề có cuộc chia ly: 'Anh ơi thương nhớ, em chỉ mong anh về với gia đình'
Như chưa hề có cuộc chia ly: ‘Em chẳng nhớ tên cha, tên mẹ, tên mình cũng chẳng nhớ’