Nhựa Tiền Phong (NTP) từng là doanh nghiệp "bao sân" ngành nhựa dân dụng phía Bắc.
CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã chứng khoán NTP) hiện nay trên thị trường được biết đến là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa, nhựa dân dụng. Thị phần của công ty ở thị trường Miền Bắc chiếm khoảng 60% đến 70%. Thế nhưng ít ai biết đến xuất phát điểm của công ty - như cái tên gọi - là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ thiếu niên nhi đồng.
Nhựa Thiếu niên Tiền Phong tiền thân là Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, được xây dựng từ năm 1960 với mục đích ban đầu là sản xuất các mặt hàng phục vụ thiếu niên nhi đồng. Mãi đến năm 1990 mới chuyển hướng kinh doanh từ các mặt hàng truyền thông sang ống nhựa PVC. Năm 1993 Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong được thành lập – là đơn vị hạch toán độc lập trực thuộc Bộ Công Nghiệp.
Trên thực tế, thời điểm những năm đầu thập niên 90 rất nhiều Xí nghiệp, nhà máy thuộc quản lý của Nhà nước đã được chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp, hạch toán độc lập trực thuộc các Bộ ngành. Ngành nhựa cùng những năm đó ngoài Công ty Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong được thành lập thì còn có Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP) cũng được chuyển đổi thành Doanh nghiệp nhà nước. Công ty Nhựa Sài Gòn (NSG) cũng được thành lập vào giai đoạn này – là chuyển đổi từ Xí nghiệp Quốc doanh Nhựa 7…
Bước ngoặt đầu tiên là việc thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp vào năm 2003. Năm 2004 việc cổ phần hoá hoàn tất theo hình thức bán bớt vốn Nhà nước và huy động tăng vốn điều lệ lên 90 tỷ đồng. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Cũng trong giai đoạn này, là giai đoạn nhiều doanh nghiệp Nhà nước cùng tiến hành cổ phần hoá. Trong nhóm các doanh nghiệp ngành nhựa, song song với Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, thì còn nhiều doanh nghiệp khác trong đó điểm danh các doanh nghiệp trên sàn hiện tại còn có Nhựa Bình Minh, Nhựa Sài Gòn.
Ngay sau khi cổ phần hoá, Nhựa Tiền Phong tiến hành tăng vốn điều lệ vào năm 2006, từ 90 tỷ dồng lên mức 144,46. Cơ cấu cổ đông lúc này SCIC vẫn nắm giữ phần vốn Nhà nước tương ứng 37,1% vốn điều lệ công ty.
Hai năm sau cổ phần hoá, doanh thu năm 2006 tăng 17% so với 2005. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 17% lên 119 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 336 tỷ đồng.
Cũng hai năm sau cổ phần hoá, năm 2006 Nhựa Thiếu niên Tiền Phong một lần nữa đưa công ty vào một bước tiến mới khi đưa cổ phiếu NTP lên niêm yết trên sàn chứng khoán. Cơ cấu cổ đông trước khi lên sàn ghi nhận SCIC vẫn nắm 37,1% vốn điều lệ. Số còn lại 34,05% vốn điều lệ do người lao động trong công ty sở hữu. Còn cổ đông ngoài doanh nghiệp nắm 28,85% vốn điều lệ. Ngành nghề kinh doanh vẫn giữ nguyên hoạt động chính là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nhựa dân dụng và sản phẩm nhựa phục vụ ngành xây dựng, công nghiệp, nông ngư nghiệp.
Một điểm khá trùng hợp là doanh nghiệp cùng ngành – Nhựa Bình Minh cũng quyết định đưa cổ phiếu lên niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh – chính thức trở thành đối trọng với Nhựa Tiền Phong trong rất nhiều lĩnh vực. Ngành nghề kinh doanh chính của Nhựa Bình Minh ban đầu là sản xuất ống nhựa, bình phun thuốc trừ sâu và các sản phẩm nhựa kỹ thuật.
Nhắc về Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong và Nhựa Bình Minh, có rất nhiều điểm trùng hợp thú vị như thời điểm chuyển đổi thành doanh nghiệp nhà nước, thời điểm cổ phần hoá, thời điểm đưa cổ phiếu lên sàn. Không những thế, còn trùng hợp ở thời điểm “lấn sân” của nhau.
Nhựa Thiếu niên Tiền Phong có địa chỉ trụ sở chính tại Hải Phòng, ban đầu “bao sân” ngành nhựa phía Bắc. Còn Nhựa Bình Minh trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và chiếm lĩnh thị trường Miền Nam.
Năm 2007, Nhựa Tiền Phong phía Nam được thành lập, chính thức tìm kiếm thêm thị phần nhựa Miền Nam. Cùng diễn biến, Nhựa Bình Minh cũng không thua kém khi thành lập Nhựa Bình Minh Miền Bắc để "xâm chiếm" thị trường ống nhựa Miền Bắc.
Trên thị trường cổ phiếu NTP hiện giao dịch quanh mức 31.800 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá doanh nghiệp đạt khoảng 4.500 tỷ đồng.
Năm 2006 Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, nhanh chóng mở rộng thị trường vào miền Nam. Mặc dù vậy, công ty vẫn không tập trung tăng vốn như nhiều doanh nghiệp trên sàn khác. Mức vốn điều lệ gần 217 tỷ đồng giữ nguyên đến hết năm 2010 trước khi diễn ra quá trình tăng vốn nhanh chóng.
Đến nay vốn điều lệ Nhựa thiếu niên tiền phong đạt gần 1.300 tỷ đồng, gấp 6 lần thời điểm lên sàn, trong đó quá trình tăng vốn mạnh nhất diễn ra từ 2013 đến 2020.
Cùng với quá trình tăng vốn Nhựa Tiền Phong cũng dần mở rộng hoạt động kinh doanh ra các tỉnh thành khác. Năm 2013 chi nhánh Miền Trung chính thức ra đời. Năm 2015 công ty mở rộng quy mô sản xuất, điều chuyển trụ sở chính công ty về quận Dương Kinh, Hải Phòng trên lô đất rộng 20ha. Năm 2019 mở rộng quy mô nhà máy tại Hải Phòng và Bình Dương, nâng tổng năng lực sản xuất lên 160.000 tấn/năm. Hệ thống phân phối đến nay đạt con số 300 nhà phân phối với gần 20.000 cửa hàng trái dài trên khắp các tỉnh, thành phố.
Về tình hình sản xuất, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong sở hữu nhiều dây chuyền sản xuất lớn, tráng thiết bị hiện đại. Hiện Công ty có hơn 10.000 mã sản phẩm dựa trên 3 chủng loại HDPE, PP-R và PVC được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn quốc tế trước khi lưu thông trên thị trường.
Tăng vốn, tăng quy mô hoạt động. Tính đến 30/9/2022 tổng tài sản của công ty đạt hơn 5.700 tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm đầu năm 2022. Nợ phải trả duy trì mức 2.700 tỷ đồng (tăng 600 tỷ đòng so với thời điểm đầu năm). Trong đó riêng dư vay nợ thuê tài chính gần 2.200 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với đầu năm.
Doanh thu của công ty từ năm 2016 đến nay đều đạt con số trên 4.300 tỷ đồng trong đó năm 2021 vừa qua doanh thu đạt hơn 4.800 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế duy trì mức quanh quanh 300 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng trong đó năm 2017 lãi sau thuế cao nhất mức 493 tỷ đồng; các năm 2019, 2020 và 2021 công ty đều duy trì mức lợi nhuận sau thuế trên 400 tỷ đồng.
Còn riêng 9 tháng đầu năm 2022 doanh thu đạt trên 4.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đã đạt 410 tỷ đồng.
--------------------
Chuỗi các bài viết Mỗi tuần tìm hiểu sâu một doanh nghiệp là nỗ lực của chúng tôi trong việc giúp nhà đầu tư hiểu rõ các thông tin về doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Nhà đầu tư cần chú ý, chúng tôi không chịu trách nhiệm trong việc nhà đầu tư sử dụng thông tin để đưa ra quyết định đầu tư cho mình.