Những cái nhất của bí thư, chủ tịch 6 tỉnh miền Tây sau sáp nhập
Trong số các lãnh đạo 6 tỉnh, thành miền Tây sau sáp nhập, có 1 bí thư tỉnh ủy trẻ tuổi nhất cả nước. Hầu hết chủ tịch UBND tỉnh thuộc thế hệ 7X.
Từ ngày 1/7, 6 tỉnh, thành mới của miền Tây chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sau khi hợp nhất. Lục tỉnh miền Tây mới gồm: Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, An Giang, Cà Mau.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã công bố các quyết định chỉ định nhân sự bí thư các tỉnh, thành nhiệm kỳ 2020-2025, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Thủ tướng ký quyết định chỉ định nhân sự giữ chức chủ tịch UBND các tỉnh, thành mới, nhiệm kỳ 2021-2026.
Bí thư tỉnh ủy trẻ nhất nước
Bí thư, chủ tịch UBND 6 tỉnh, thành nói trên đều là nam. Trong đó, bí thư tỉnh ủy cao tuổi nhất là bí thư tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải (60 tuổi). Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong là người trẻ nhất - 47 tuổi. Ông Phong cũng là bí thư tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.

Trong số bí thư tỉnh ủy, thành ủy của 6 địa phương miền Tây có 4 người là ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư Vĩnh Long Ngô Chí Cường, Bí thư Cần Thơ Đỗ Thanh Bình, Bí thư Đồng Tháp Lê Quốc Phong và Bí thư An Giang Nguyễn Tiến Hải.
Về trình độ, đa phần các bí thư tỉnh, thành ủy có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Đơn cử như Bí thư Đồng Tháp Lê Quốc Phong có trình độ tiến sĩ Sinh học ứng dụng, chuyên ngành Công nghệ sinh học. Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Văn Quyết có trình độ thạc sĩ Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình là thạc sĩ Kinh tế…
Dàn Chủ tịch tỉnh 7X
Về chủ tịch UBND 6 tỉnh, thành phố nói trên, có 5 người thuộc thế hệ 7X. Người còn lại là ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, sinh năm 1969, cũng là người lớn tuổi nhất trong các chủ tịch UBND tỉnh, thành miền Tây.
Chủ tịch UBND tỉnh trẻ tuổi nhất là ông Trần Trí Quang (Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp) và Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng - cùng 48 tuổi. Ông Mừng là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khoá 13.
Đa phần chủ tịch tỉnh có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ. Cụ thể như Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời có trình độ tiến sĩ ngành Chính trị học; Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng có trình độ thạc sĩ Quản lý kinh tế; Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang thạc sĩ Xây dựng công trình giao thông; Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Út thạc sĩ Kinh tế; Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại có trình độ thạc sĩ Luật kinh tế.

Trong số bí thư, chủ tịch UBND tỉnh, thành của 6 tỉnh miền Tây sau sáp nhập có duy nhất 1 người xuất thân từ lực lượng vũ trang là Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu - Đại tá quân đội.
Ngoài ra, sau sáp nhập có các bí thư, chủ tịch tỉnh đã “đổi vị trí”. Cụ thể, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh (cũ) làm Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh mới.
Bà Hồ Thị Hoàng Yến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre sau sáp nhập làm Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long mới.
Ông Đồng Văn Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang sau sáp nhập giữ chức Phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ
Ông Trần Văn Huyến, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang làm Phó bí thư Thành ủy Cần Thơ mới.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (cũ) sau sáp nhập giữ chức Phó bí thư Thành ủy Cần Thơ mới.

Ông Lê Văn Hẳn - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh (cũ) sau sáp nhập giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long mới.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang (cũ) sau sáp nhập giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang mới.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (cũ) sau sáp nhập giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau mới.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu rà soát việc sử dụng biên chế khối chính phủ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi vận hành bộ máy mới