Những cánh thư thời hoa lửa: 'Anh mong cho chiến tranh mau chóng kết thúc để chúng ta được sống gần nhau'
Mỗi dòng thư của người lính gửi về từ chiến trường mang đầy ắp yêu thương và tin tưởng về ngày đoàn tụ khi đất nước thống nhất.
Tại Bảo tàng Quân khu 4 (TP. Vinh, Nghệ An) đang gìn giữ, bảo quản và trưng bày hàng nghìn lá thư được của tiền tuyến gửi về hậu phương trong giai đoạn chiến tranh. Đó là minh chứng sinh động cho lý tưởng, hoài bão của cả một thế hệ và tình yêu nồng nàn, sâu sắc, bất diệt của người lính.
Trong đó, 136 lá thư của liệt sĩ Nguyễn Anh Mậu (đoàn vận tải quân y chiến lược) do bà Hoàng Thị Síu (quê Hưng Yên) tặng bảo tàng được trưng bày một khu riêng. Những bức thư được trân trọng lưu giữ như minh chứng cho mối tình son sắt, vượt qua mọi gian khó trong thời chiến.
Những bức thư được viết tay nắn nót trong khoảng thời gian từ năm 1963 đến năm 1968, khi ông Mậu đang chiến đấu ở chiến trường ác liệt. Từng dòng chữ, từng câu thơ đều thể hiện tình yêu thương sâu sắc, nỗi nhớ nhung da diết và niềm hy vọng về ngày đoàn tụ của người lính trẻ dành cho hậu phương.
Tình yêu qua những lá thư
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Yên Mỹ (Hưng Yên), năm 1965, chàng trai trẻ Nguyễn Anh Mậu lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Quân y Đoàn 559, thuộc một đơn vị vận tải Trường Sơn. Hành trang người lính trẻ mang theo là tình yêu dành cho cô gái mang tên Hoàng Thị Síu và quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc đoàn tụ.
Lá thư đầu tiên được viết cho bà Síu vào hồi 20h, ngày 13/4/1965, khi ông Mậu mới đặt chân đến đơn vị: "Chỉ biết đi, đi bộ đội, thế thôi, còn chẳng biết là đi đâu, đóng quân ở nơi nào..."
Bước chân vào nơi chiến trường ác liệt, nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh, nhưng người lính vẫn không hề nao núng. Lời ông nói với người yêu nhẹ nhàng, tự nhiên như một lẽ thường.
Trải qua những nẻo đường hành quân gian khổ, ông Mậu luôn dành thời gian viết thư cho người yêu. Mỗi bức thư được gửi từ những địa danh khác nhau dọc theo chiến trường. Ông kể cho bà nghe về cuộc sống chiến trường đầy gian nan, thiếu thốn nhưng ấm áp tình đồng chí, đồng đội. Qua từng dòng thư, nỗi nhớ nhung da diết dành cho bà, cho quê hương và khát khao đoàn tụ dưới mái ấm gia đình luôn hiện hữu.
Ngày 9/5/1965, từ miền đất Quảng Bình, lá thư mở đầu bằng tiếng gọi thân thương: “Síu em yêu quý! Qua bảy đêm không ngủ, vượt đủ mọi khó khăn anh đã tới nơi đây. Nơi đây họ sẽ giao quân để tất cả các đoàn xe quay về Hà Nội, anh thanh thản viết thư cho em”.
Giữa mưa bom bão đạn, trong khói lửa chiến tranh tàn khốc, ông Mậu vẫn “thanh thản” gửi về những cánh thư đong đầy yêu thương và nỗi mong chờ tha thiết. Tình yêu của họ vẫn ươm mầm, nảy nở giữa bom đạn, không hề phai nhạt.
Luôn ghi nhớ nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, nhưng ông Mậu không bao giờ quên người yêu tảo tần nơi hậu phương. Mỗi khi có thời gian, ông đều đặn viết thư cho bà Síu. Từng dòng chữ là lời thổ lộ nỗi nhớ nhung da diết, khát khao được đoàn tụ: "Síu ơi, anh tính bấm đốt ngón tay hàng ngày mong đợi tin em. Anh mong cho chiến tranh mau chóng kết thúc để chúng ta được sống gần nhau..."
Sợ bà ở nhà buồn, ông Mậu luôn dặn dò: “Em vẫn phải đi chơi đây đó, xem phim ảnh và những gì giải trí cho tâm hồn thoải mái. Đừng trầm ngâm, đăm chiêu và buồn phiền. Nếu không thanh thản, sinh ốm đau thì lại khổ vì em phải sống một mình trong lúc xa anh”. Những lời dặn dò mộc mạc mà chan chứa yêu thương thể hiện sự quan tâm sâu sắc của ông dành cho người yêu.
Nơi hậu phương, bà Síu vẫn một lòng chờ đợi ông bằng tình yêu son sắt, thủy chung. Từng lá thư của ông được bà nâng niu, trân trọng và đáp lại bằng tất cả tấm lòng. Cứ thế, tình yêu của họ ấy lớn dần theo năm tháng của một thời hoa lửa, niềm tin và trách nhiệm với non sông đất nước đã chắp cánh cho tình yêu thêm bền chặt, trường tồn.
Những lời hứa dở dang...
Hai năm xa cách trong thời chiến tranh gian khổ, tình yêu của ông Nguyễn Anh Mậu và bà Hoàng Thị Síu cuối cùng cũng đơm hoa kết trái bằng một đám cưới giản dị vào ngày 27/6/1967.
Thế nhưng, niềm vui đoàn tụ ngắn ngủi, vội vã, bởi ngay sau đó, ông Mậu lại lên đường nhận nhiệm vụ mới, tiếp tục chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Trong ngày hạnh phúc, ông đã trao cho vợ 5 điều về lẽ sống vợ chồng, nguyện sẽ mãi mãi yêu thương, thủy chung, cùng nhau xây dựng tổ ấm và nuôi dạy con cái. Nói xong, ông chia tay người vợ hiền để lao vào khói lửa chiến tranh.
Dù biết chiến tranh tàn khốc, dù hiểu rõ sự mong manh của cuộc sống, dù cả hai đều có thể mất nhau bất kỳ lúc nào, ông Mậu vẫn luôn động viên vợ qua từng bức thư: "Vì nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước, chúng ta phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn để giành lại cuộc sống hạnh phúc cho toàn dân..."
Ông hứa rằng sẽ hoàn thành nhiệm vụ và trở về, vì trách nhiệm chống Mỹ cứu nước cao hơn cả tình yêu đôi lứa. Ông cũng không quên an ủi, tiếp thêm niềm tin cho chị: "Vì chiến tranh, chúng mình có thiệt thòi về tình cảm, nhưng đó là điều đương nhiên. Sau khi cách mạng thành công, chúng ta sẽ có một tương lai tốt đẹp để nói chuyện với con cháu".
Bằng niềm tin đó, bà Síu vẫn một lòng chờ đợi, còn ông Mậu miệt mài chiến đấu. Nhưng số phận trớ trêu, giấc mơ bình dị ấy mãi không thể trở thành hiện thực. Ông Nguyễn Anh Mậu đã ngã xuống trên con đường Trường Sơn huyền thoại...
Vậy là lời hẹn ước "bao giờ anh về mình tân hôn", "nhất định mình sẽ có con" của người lính ấy mãi mãi không trở thành hiện thực. Nỗi đau chia ly bao trùm người vợ trẻ, để lại cho bà Síu một cuộc hôn nhân dang dở và niềm nhớ nhung day dứt khôn nguôi.
Tháng 10/2004, bà Hoàng Thị Síu tình cờ gặp thượng tá Nguyễn Thị Tiến - hồi đó là Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4 và đồng ý trao lại 136 bức thư của liệt sĩ Nguyễn Anh Mậu cho bảo tàng. Và câu chuyện tình yêu của ông bà đã trở thành câu chuyện cảm động tại phòng trưng bày di vật liệt sĩ Bảo tàng quân khu 4.