Vào ngày Black Friday, mua đồ mà không có chiến lược hợp lý có thể khiến bạn tốn kém hơn là tiết kiệm khi mua hàng giá rẻ.
Dịp Black Friday hàng năm tới cũng là lúc các nhà bán lẻ đang chuẩn bị cho các đợt giảm giá ồ ạt diễn ra. Vì lý do này, ngày càng có nhiều người tiêu dùng chi tiền vào dịp Black Friday như thể nếu mua vào đồ vào dịp này ắt sẽ thu về nhiều món hời lớn.
Song, cũng chính vì lý do này nên mọi người càng dễ mắc phải sai lầm trong mua sắm. Vậy làm thế nào để tránh lãng phí, cháy túi trong những dịp này?
Mua hàng mà không suy nghĩ thấu đáo
Điều quan trọng nhất bạn nên làm trước ngày Black Friday là nghiên cứu trước xem khuyến mãi nào là thật, cái nào chỉ là chiêu trò.
Đầu tiên, đừng bị phân tán bởi những chương trình giảm giá sâu và thấp nhất. Thứ hai, kiểm tra kỹ xem sản phẩm đó mình có thực sự cần và có các đặc điểm như ý. Bạn sẽ hối tiếc nếu mua đồ rồi và sau đó phát hiện món này ở chỗ khác lúc nào cũng có giá thấp hơn, dù không chạy giảm giá.
Vì vậy, hãy tự hỏi bản thân một vài câu hỏi trước khi mua bất cứ thứ gì và suy nghĩ thật kỹ, ngay cả khi nó đang được giảm giá.
"Mua ngay, trả sau" mà không xây dựng kế hoạch
Các chương trình "mua ngay, trả tiền sau" giờ đây đã quá quen thuộc và nở rộ khắp mọi nơi, song nó cũng khiến nhiều người dễ rơi vào bẫy nợ nần.
Nếu không lập kế hoạch rõ ràng cho các khoản thanh toán của mình, rất có thể bạn sẽ rơi vào tình trạng không kiểm soát được các khoản chi. Các khoản thanh toán từ đó cũng sẽ bị bỏ lỡ hoặc trễ hạn, làm giảm điểm tín dụng, ảnh hưởng đến khả năng đủ điều kiện vay của bạn trong tương lai.
Không lập kế hoạch mua sắm
Không có kế hoạch hoặc lên kế hoạch mua sắm muộn là sai lầm cực phổ biến. Hãy nhớ rằng bạn cần danh sách những thứ mình muốn mua, gồm những mặt hàng trong nhà còn thiếu, những món quà bạn muốn tặng trong dịp Giáng Sinh, Tết Dương lịch...
Nếu không có kế hoạch, bạn sẽ dê dàng bị lôi cuốn bởi những quảng cáo hấp dẫn ở cửa hàng và chi tiêu quá khả năng, từ đó rơi vào khủng hoảng tài chính. Trong khi đó, từ giờ đến cuối năm, bạn còn rất nhiều thứ thiết thực hơn cần mua.
Tưởng mọi ưu đãi Black Friday đều tốt
Mỗi mùa Black Friday có hàng trăm nghìn giao dịch mua sắm, nhưng không có nghĩa là tất cả các mặt hàng được mua đều xứng đáng. Trước khi quyết định mua gì, bạn nên dành chút thời gian kiểm tra giá, xem xét kỹ mức giá thường ngày để xác định mức giá hiện tại có thật là ưu đãi hay không. Ngay cả khi giá hời, bạn cũng chỉ nên mua khi đang thực sự cần nó.
Chi tiêu vượt khả năng
Đặt giới hạn chi tiêu hợp lý với tình hình tài chính cá nhân là điều bạn nhất định phải quan tâm. Nút "Thêm vào giỏ hàng" có thể quá hấp dẫn khi đối mặt với một giao dịch trực tuyến đang được giảm giá "đậm", vì vậy, điều quan trọng là phải viết một danh sách mua sắm toàn diện, tính toán ngân sách chi tiêu và bám sát nó để tránh mắc nợ không cần thiết.
Biết giới hạn tài chính và thực tế về những gì bạn có thể và không thể mua được là điều quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi có thêm thời gian và cơ hội để tận dụng nhiều đợt giảm giá trong năm khác nhau - không riêng gì Black Friday.
Không so sánh giá trước khi mua
Dù đã lên kế hoạch và tìm hiểu trước, bạn có thể bất ngờ gặp một món khuyến mãi hời. Cách tốt nhất để quyết định món đó có đáng tiền hay không là sử dụng ứng dụng so sánh giá. Như vậy bạn sẽ biết giá thực của sản phẩm này cũng như những cửa hàng khác đang niêm yết, có mức khuyến mại thế nào.
Bị nhử mồi mua những thứ mình không cần
Trò này hầu như năm nào cũng có người bị mắc. Bạn lao tới siêu thị điện máy khi thấy quảng cáo chiếc TV đời mới giảm giá tới 70% nhưng khi đến nơi thì nó bán mất rồi.
Sau đó, bạn được mời chào tới những chiếc đắt tiền hơn và có thể sa chân xem một loạt các món điện máy khác cũng được giảm giá sâu (sau khi đã được nâng giá lên cao). Đừng mắc mồi câu này. Nếu ở cửa hàng không có món bạn định mua, tốt nhất nên về tay không.
Không tận dụng nhân viên để nhờ tư vấn
Các nhân viên bán hàng ở đó để giúp bạn, vì vậy, hãy tận dụng sự tư vấn của họ. Đừng đặt niềm tin rằng họ sẽ chọn cho bạn món tốt nhất mà hãy hỏi họ về sản phẩm cụ thể bạn định mua. Khi cửa hàng đông đúc, nhân viên bán hàng có thể sẽ giúp định hướng tốt hơn, thay vì bạn một mình ngắm nghía và bị sao nhãng.
Quên các dịp khuyến mại khác trong năm
Hãy nhớ rằng có rất nhiều chương trình giảm giá khác đang chờ. Đừng quá nôn nóng, sợ mình không mua ngay món đó thì nó sẽ hết hoặc không bao giờ có giá hời như vậy nữa. Tiền chưa tiêu vẫn là tiền của bạn. Các món hàng thì lúc nào cũng có.
TPHCM chuẩn bị hàng Tết dồi dào, tung chiêu khuyến mãi kích cầu mua sắm
Khảo sát: Người thu nhập 30 triệu đồng thường mua hàng không quan tâm khuyến mãi