Uống sữa động vật mỗi ngày có thể bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, một số người lại gặp bất ổn sức khỏe khi dùng loại đồ uống này.
Sữa động vật (bò, dê) phổ biến trong cuộc sống hằng ngày, giàu protein chất lượng cao, canxi, vitamin. Thức uống này thúc đẩy sự phát triển của xương, tăng cường khả năng miễn dịch và ngăn ngừa loãng xương.
Uống một ly sữa mỗi ngày có thể bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, một số người uống sữa không những không hấp thụ được dinh dưỡng mà còn gặp các bất ổn sức khỏe.
Xiao Wang (người Đài Loan) là một thanh niên 25 tuổi rất bận rộn. Anh thường xuyên làm việc ngoài giờ và không có thời gian ăn sáng. Để bổ sung dinh dưỡng, mỗi ngày anh đều mua sữa trên đường và uống khi vội vã đến công ty.
Anh nghĩ thói quen này có thể tiết kiệm thời gian và giữ sức khỏe. Sữa là đồ uống anh yêu thích nhất.
Theo Inf, sau một thời gian, Xiao Wang bắt đầu cảm thấy khó chịu. Các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn thường xuất hiện và ngày càng trầm trọng hơn. Anh tưởng mình đã ăn phải thứ gì đó không sạch hoặc bị viêm dạ dày nên mua thuốc uống nhưng không có tác dụng.
Một buổi sáng, vừa uống xong ngụm sữa, anh chợt thấy tức ngực, khó thở, chóng mặt và ngất đi. Sau khi khám, bác sĩ chẩn đoán Xiao Wang bị dị ứng sữa. Bác sĩ cho biết, tình trạng của Xiao Wang do uống sữa lâu ngày. Nếu không được điều trị kịp thời, hậu quả sẽ rất tai hại.
Dị ứng sữa là một dạng dị ứng thực phẩm phổ biến do phản ứng miễn dịch với whey protein hoặc casein có trong sữa. Khi đó, cơ thể sản sinh ra quá nhiều histamine dẫn tới một số triệu chứng.
Theo Mayo Clinic, người bệnh sẽ thở khò khè, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn, phát ban, tụt huyết áp. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến sốc phản vệ. Bệnh chỉ có thể kiểm soát bằng cách tránh tiếp xúc các sản phẩm từ sữa đồng thời sử dụng thuốc chống dị ứng kịp thời.
Ngoài những người dị ứng sữa, một số nhóm dưới đây nên tránh đồ uống đó:
Không dung nạp lactose
Một số người không dung nạp lactose do cơ thể thiếu enzyme lactase nên không thể phân hủy đường lactose trong sữa thành glucose và galactose. Khi đó, đường lactose lên men trong ruột, sinh ra một lượng lớn khí và các chất có tính axit, gây ra các triệu chứng như chướng bụng, tiêu chảy, đau bụng.
Bị bệnh thận
Người suy giảm chức năng thận không có khả năng bài tiết nước và chất thải ra khỏi cơ thể đúng cách, dẫn đến các triệu chứng như phù nề, huyết áp cao và thiếu máu. Họ cần kiểm soát lượng protein nạp vào để giảm gánh nặng cho thận và trì hoãn sự tiến triển của bệnh.
Theo Healthline, sữa có hàm lượng protein cao, mỗi cốc (240ml) sữa nguyên chất cung cấp gần 8g protein. Do đó, người bệnh thận cần hạn chế uống sữa để tránh tích tụ chất thải protein trong máu. Dùng quá nhiều sữa làm tăng gánh nặng cho thận, tổn thương sẽ trầm trọng hơn.
Chỉ số cholesterol cao
Cholesterol là một loại chất béo đóng vai trò quan trọng với cơ thể con người trong quá trình sản xuất mô tế bào, nội tiết tố. Nhưng nếu chỉ số cholesterol quá cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch vành, đột quỵ.
Những người có cholesterol cao cần kiểm soát việc hấp thụ axit béo bão hòa và cholesterol. Nếu người có cholesterol cao uống quá nhiều sữa sẽ làm tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt.
Loét dạ dày
Loét dạ dày có các triệu chứng như đau bụng, trào ngược axit và ợ hơi. Người bệnh cần chú ý đến chế độ ăn uống, tránh các thực phẩm gây kích ứng như cay, chiên, chua… để tránh làm nặng thêm tổn thương niêm mạc dạ dày và chậm quá trình lành vết thương.
Sữa chứa hàm lượng canxi cao. Người bị loét dạ dày uống nhiều sữa sẽ kích thích tiết axit dạ dày, làm tăng tình trạng viêm niêm mạc dạ dày, cơn đau trầm trọng hơn, thậm chí gây chảy máu.