Doanh nghiệp

Những 'ông lớn' nào từ Singapore đầu tư 80 tỷ USD vào Việt Nam?

Mạnh Hà 29/08/2023 - 16:33

Các quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore và các tập đoàn tư nhân nước này đã rót khoảng 80-90 USD vào Việt Nam trong những năm gần đây, có mặt ở hầu hết lĩnh vực cũng như các doanh nghiệp lớn hàng đầu tại nước ta.

Dòng tiền tỷ USD từ hai quỹ chính phủ Singapore GIC và Temasek

GIC là quỹ đầu tư quốc gia của Singapore. Tổ chức này đang đầu tư mạnh vào các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam và đa dạng hóa sản xuất bên ngoài Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung nổi lên kể từ năm 2018.

GIC được ước tính có tài sản khoảng hơn 700 tỷ USD. Gần đây, GIC đầu tư nhiều vào các dự án cơ sở hạ tầng và bất động sản để tránh lạm phát.

Trong khi đó, Temasek Holdings là một cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của Chính phủ Singapore và 100% vốn do Bộ Tài chính Singapore chủ sở hữu, với quy mô khoảng 300 tỷ USD.

Cả hai quỹ này đầu tư tập trung vào các sản phẩm có tính an toàn cao.

GIC và Temasek chính là hai tổ chức có mặt trong danh sách cổ đông của VNG Limited - doanh nghiệp hôm 24/8 đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ (giống VinFast).

Tại VNG Limited, GIC đang nắm giữ 11,1% lợi ích kinh tế, trong khi đó Seletar Investments Pte Ltd (trực thuộc quỹ đầu tư Temasek Holdings) nắm giữ 6,9%. Bên cạnh đó, Tencent của Trung Quốc nắm 47,4%. Ant Group nắm 5,7%. VNG Limited nắm giữ 49% VNG (đơn vị sở hữu mạng xã hội Zalo của Việt Nam với khoảng 70 triệu thành viên).

Hồi đầu năm 2019, Temasek định giá công ty chủ quản Zalo ở mức 2,2 tỷ USD. Tổ chức này khi đó đã thông qua Seletar Investments mua cổ phiếu quỹ của VNG với mức giá 1,86 triệu đồng/cp.

Những năm qua, GIC rót nhiều tỷ USD vào các bluechips Việt Nam, tổng trị giá lên tới khoảng 2 tỷ USD. Trong đó, GIC nắm hơn 217,4 triệu cổ phiếu Vinhomes (4,99%), trị giá hơn 12.000 tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD, tính tới sáng 29/8); 2,55% tại Vietcombank (khoảng 433 triệu USD); 5,87% tại Masan (khoảng 280 triệu USD)...

Năm 2018, GIC đầu tư 853 triệu USD vào Vinhomes và 500 triệu USD vào VCM - khi đó là công ty mẹ của Vinmart và Vinmart+.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thăm chính thức Việt Nam (Ảnh: P.H)

Với Temasek, quỹ này có rất nhiều thương vụ đầu tư lớn tại Việt Nam. Nổi bật là thương vụ một nhóm nhà đầu tư do KKR đứng đầu, trong đó có Temasek đã chi 650 triệu USD mua cổ phần của Vinhomes vào giữa năm 2020. Riêng Temasek đã bỏ ra tới 200 triệu USD.

Hồi cuối tháng 10/2019, Temasek đã đầu tư vào Scommerce - công ty mẹ của CTCP Dịch vụ Giao Hàng Nhanh (GHN) và CTCP Dịch vụ Tức Thời (AhaMove). Giá trị thương vụ không được công bố chính thức, nhưng đồn đoán ở mức khoảng 100 triệu USD. Hai công ty giao hàng này phát triển rất mạnh và được cho là có giá trị tăng vọt.

Bên cạnh đó, Temasek cũng từng đầu tư vào Thủy sản Minh Phú, FPT, OnPoint, Golden Gate...

Hơn 70 tỷ USD từ Singapore đầu tư vào Việt Nam

Theo Bộ KH-ĐT, trong 8 tháng năm 2023, Singapore trở thành nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký mới hơn 3,8 tỷ USD, chiếm 21,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Singapore hiện đứng đầu ASEAN và thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với hơn 3.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 70 tỷ USD. Các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) là biểu tượng của sự hợp tác kinh tế giữa hai nước với hàng nghìn hecta đất, thu hút 18 tỷ USD vốn đầu tư và tạo hàng trăm nghìn việc làm.

Các nhà đầu tư Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, điều hòa.

Siêu dự án của Singapore tại Việt Nam gần đây là nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu (vốn đăng ký 4 tỷ USD); khu nghỉ dưỡng Nam Hội An ở Quảng Nam (4 tỷ USD) và dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (3,12 tỷ USD)...

Giới đầu tư cũng chứng kiến các "ông lớn" Shopee, Grab thống trị ngành thương mại điện tử và giao vận tại Việt Nam, với doanh thu vài tỷ USD mỗi năm.

Wilmar International của Singapore là nhà sản xuất dầu ăn lớn nhất và có cả chục nhà máy tại Việt Nam, sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Neptune, Simply, MEIZAN, Cái Lân, Kiddy,...

KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) là biểu tượng của sự hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore (Ảnh VSIP).

Các tập đoàn tư nhân lớn đổ tiền vào cổ phiếu Việt

F&N Dairy Investments Pte Ltd - doanh nghiệp của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi - sở hữu gần 17,7% vốn tại Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk (VNM), trị giá gần 1,2 tỷ USD tính tới sáng 29/8. Em trai Thủ tướng Lý Hiển Long là chủ tịch tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore này giai đoạn từ 2007-2013.

Một cái tên khác là Platinum Victory PTE Ltd - công ty thuộc Jardine Cycle & Carriage (JC&C), doanh nghiệp hàng đầu của Singapore trong lĩnh vực phân phối ô tô tại khu vực Đông Nam Á - đang sở hữu 10,62% cổ phần Vinamilk, trị giá khoảng 715 triệu USD.

JC&C cũng là đơn vị sở hữu hơn 26,6% cổ phần tại Thaco và từng đầu tư mạnh vào CTCP Cơ điện lạnh (REE).

Mới đây, tập đoàn Singapore Thomson Medical Group (TMG) đã đồng ý mua lại FV Hospital với mức giá 381,4 triệu USD (hơn 9.000 tỷ đồng).

Hồi đầu năm 2023, Daytona Investments Pte. Ltd (Singapore) chi 1.400 tỷ đồng mua 9% cổ phần của CTCP Sữa Quốc Tế (UpCOM: IDP). Trước đó, theo Bloomberg, Growtheum đã đồng ý mua 15% cổ phần của IDP với giá khoảng 100 triệu USD.

Cuối năm 2022, TEPCO Renewable Power Singapore đã gom 25% cổ phần để trở thành cổ đông lớn của CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam (VPD).

Đầu năm 2019, Wan Hai Lines - một trong những hãng vận tải biển lớn nhất thế giới - thông qua Wan Hai Lines (Singapore) Pte. Ltd chi gần 400 tỷ đồng để sở hữu 20% cổ phần Cảng Đà Nẵng.

Đồ tiền vào bất động sản Việt Nam

Một số tập đoàn bất động sản Singapore như Keppel Land, CapitaLand, Frasers Property... đang rót tiền vào lĩnh vực địa ốc của Việt Nam.

Trong đó, Keppel Land đầu tư hàng trăm triệu USD vào dự án tòa tháp Saigon Centre, dự án Empire City Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức)...

CapitaLand là một trong những nhà đầu tư bất động sản lớn tại Việt Nam với hai dự án phức hợp, trên 13.000 căn hộ tại 17 dự án nhà ở và một khu bán lẻ tại TP.HCM và Hà Nội như: dự án Zenity, Feliz en Vista, Vista Verde, Define...

Gần đây, Temasek cũng quan tâm nhiều tới bất động sản, thông qua Mapletree với nhiều tòa nhà lớn như: Mplaza Saigon (mua lại từ Kumho Asiana), trung tâm thương mại SC Vivo City, Mapletree Business Centre, Pacific Place Hà Nội... Quỹ này cũng rót tiền vào các dự án trung tâm logistics.

Hồi cuối tháng 3, theo Reuters, Tập đoàn CapitaLand của Singapore khi đó đã đàm phán để mua lại một số dự án của Vinhomes, với tổng trị giá lên đến 1,5 tỷ USD.

Nikkei Asia cho hay, các nhà đầu tư Singapore gần đây có xu hướng dịch chuyển một số mảng đầu tư ra khỏi Trung Quốc để tránh ảnh hưởng bất lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đối phó với những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đích tới của các nhà đầu tư Singapore được xem là các thị trường mới nổi, trong đó có Mexico, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

Dự án trăm tỷ từ 'ông lớn' Singapore tiếp tục đưa Nam Định thành 'thủ phủ dệt may' của Việt Nam

Sau chuyến khảo sát 1 doanh nghiệp, Singapore muốn nhập trứng và thịt của Việt Nam

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nhung-ong-lon-nao-tu-singapore-dau-tu-80-ty-usd-vao-viet-nam-2183241.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Những 'ông lớn' nào từ Singapore đầu tư 80 tỷ USD vào Việt Nam?
    POWERED BY ONECMS & INTECH