Sau chuyến khảo sát 1 doanh nghiệp, Singapore muốn nhập trứng và thịt của Việt Nam
Đây là một trong những doanh nghiệp nổi tiếng nhất ngành trứng.
Chiều ngày 12/7, Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore (SFA) đã tiến hành khảo sát trang trại công nghệ cao Bến Lức (Long An) thuộc Công ty CP Ba Huân, nhằm xúc tiến đàm phán nhập khẩu trứng gà tươi từ Việt Nam. Theo ông Abdul Kader, Phó Tổng Giám đốc điều hành SFA, Singapore đang có nhu cầu lớn về các sản phẩm tươi sống, bao gồm trứng gà tươi.
Ông Abdul Kader đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa hai bên sau chuyến tham quan thị trường và các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, để thúc đẩy hợp tác, cần sự quan tâm và hỗ trợ từ cả hai phía về các tiêu chuẩn chăn nuôi và chất lượng sản phẩm trước khi tiến hành giao thương chính thức.
Theo ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, thị trường Singapore dù chỉ có 6 triệu dân nhưng là trung tâm thương mại của thế giới. Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được các thị trường lớn thông qua Singapore.
Đoàn SFA trong chuyến công tác lần này đã tập trung khảo sát các đơn vị sản xuất thịt heo, thịt gà và trứng gà tươi tại Bình Phước, Tây Ninh và Long An. Qua đánh giá sơ bộ, Việt Nam rất có tiềm năng trở thành nhà cung cấp những mặt hàng này do có quy mô chăn nuôi và trình độ quản lý tốt. Tuy nhiên, các mặt hàng này cần trải qua quá trình đàm phán để thống nhất các biện pháp quản lý về an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Đoàn công tác SFA thăm trang trại trứng gà công nghệ cao Bến Lức của CTCP Ba Huân |
>> Nguồn vốn đầu tư FDI liên tục đổ về tỉnh 'giàu có' thứ 3 cả nước, đạt 138% kế hoạch năm 2024
Ông Trần Việt Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân, cho biết doanh nghiệp đã xuất khẩu trứng gà tươi sang Hồng Kông và Campuchia; các loại trứng muối và trứng bắc thảo đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khác. Tuy nhiên, Singapore có yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn và chất lượng. Mục tiêu của Ba Huân khi xuất khẩu sang Singapore không phải về số lượng mà là cơ hội để cải thiện quy trình chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm và làm quen với việc xuất khẩu sang những thị trường khó tính khác.
Từ 'gánh trứng' đến doanh nghiệp tiếng tăm trong ngành trứng gia cầm Việt Nam
Cô Ba hay Bà Ba Huân là cái tên gọi thân mật của nữ doanh nhân Phạm Thị Huân (sinh năm 1954) người sáng lập nên Công ty Ba Huân.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên bà chỉ học hết lớp 5 rồi phải bỏ ngang để đi làm phụ giúp gia đình lo cho đàn em ăn học. Nhờ năng khiếu kinh doanh, đến năm 16 tuổi, bà Huân được mẹ truyền nghề. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, trải qua nhiều biến động, tới năm 2001 vựa trứng Ba Huân phát triển thành Công ty TNHH Ba Huân với vốn điều lệ hơn 5 tỷ đồng, giải quyết được việc làm cho hơn 100 công nhân. Lúc đó thương hiệu Ba Huân đã trở thành cái tên quen thuộc của biết bao người tiêu dùng.
Nữ doanh nhân Phạm Thị Huân |
Người phụ nữ này đã lèo lái doanh nghiệp vượt qua đại dịch gia cầm H5N1 bùng phát năm 2003 bằng cách mua thiết bị xử lý trứng gia cầm của Tập đoàn Moba (Hà Lan). Năm 2005, nhà máy trứng sạch Ba Huân thành lập ở huyện Bình Chánh. Thời điểm lúc bấy giờ, đây là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sở hữu dây chuyền xử lý trứng sạch khép kín tự động 100%. Thông tin này còn khiến ngành chăn nuôi Đông Nam Á nói chung có thêm điều khởi sắc khi trứng sạch nhà bà Ba Huân còn xuất khẩu sang các thị trường lân cận như Malaysia, Singapore,...
Cuối tháng 2/2018 Vietnam Opportunity Fund, đơn vị chủ quản của VinaCapital từng thông báo trên Sở Giao dịch Chứng khoán London về việc hoàn tất thương vụ đầu tư 32,5 triệu USD vào Công ty cổ phần Ba Huân. Tuy nhiên đến tháng 8/2018 mối lương duyên từng nổi đình nổi đám trong giới đầu tư lại đổ vỡ.
Trung tuần tháng 7/2021, cao điểm dịch Covid-19, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng do giãn cách xã hội, giá thành nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng cao, dẫn đến tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp sản xuất. Sở Công Thương TP.HCM đồng ý cho tăng giá một số mặt hàng thực phẩm, các doanh nghiệp cũng đều đề nghị tăng giá bán ra nhưng bà Ba Huân không nhất trí. Doanh nghiệp bình ổn đóng vai trò giải cứu thị trường, nếu Ba Huân tăng giá, sẽ khiến mặt bằng giá trứng tăng cao. Người nghèo mới xài trứng nên phía bà phải giữ giá bằng được và đã có hai lần từ chối tăng giá trứng.
Hệ thống trang trại, nhà máy của Ba Huân |
Hiện, mô hình khép kín tại Ba Huân đạt chuẩn chất lượng quốc tế từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến nuôi gia cầm và cho ra sản phẩm cuối cùng là sản phẩm trứng, thịt gà và các sản phẩm chế biến liên quan. Sản phẩm mang thương hiệu Ba Huân đã có mặt tại 3.000 siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc. Ba Huân cũng là đơn vị cung ứng nguyên liệu uy tín cho thương hiệu bánh kẹo quốc dân – Kinh Đô, ngoài ra còn mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp tương tự như Bibica, Đồng Khánh…