Một mã cổ phiếu ngân hàng ĐÁNG CHÚ Ý, kỳ vọng tăng gần 38%
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I/2025 của mã cổ phiếu này tăng 15% so với cùng kỳ, đạt xấp xỉ 1.687 tỷ đồng.
Chứng khoán VPBankS mới đây đã phát hành báo cáo phân tích mã cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). VPBankS đưa ra giá mục tiêu cho mã cổ phiếu này là 18.200 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng tăng gần 38% so với mức giá đóng cửa ngày 23/5.
Thu nhập ngoài lãi suy yếu do ngoại hối và chứng khoán đầu tư, kéo giảm TOI
Sau khi tăng trưởng thu nhập hoạt động (TOI) đạt đỉnh vào quý III/2024, TOI của TPBank trong quý I/2025 ghi nhận dấu hiệu suy yếu, giảm 4,3% so với cùng kỳ (svck) và giảm 12,5% so với quý trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ thu nhập ngoài lãi (non-II) giảm mạnh 12,6% svck, trong khi thu nhập lãi thuần (NII) chỉ giảm nhẹ 1,3% svck. Tổng TOI quý I/2025 đạt 4.200 tỷ đồng.
Áp lực lên thu nhập ngoài lãi chủ yếu đến từ hai mảng: kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán. Cụ thể, TPBank ghi nhận lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối với mức giảm 120,8% svck, do biến động mạnh của tỷ giá VND trong biên độ 1,5-2% trong quý. Lãi từ chứng khoán đầu tư cũng giảm 78,5% svck, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 năm và 10 năm tăng khoảng 23 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tích cực với mức tăng 27,2% svck, nhờ đóng góp từ mảng ủy thác và dịch vụ khác tăng 84,4% svck. Đồng thời, thu nhập từ hoạt động khác cũng cải thiện đáng kể, tăng 20,6% svck lên 164,4 tỷ đồng. Trong đó, riêng khoản thu nhập từ xóa nợ đạt 104,65 tỷ đồng, tăng 36,2% svck.
Lợi suất cho vay giảm mạnh khiến NIM co hẹp, kìm hãm đà tăng của NII
Thu nhập lãi thuần (NII) trong quý I/2025 đạt 3.384 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm từ quý IV/2024. Tuy vậy, số liệu cho thấy tín hiệu phục hồi từ vùng đáy. Nguyên nhân chính khiến NII giảm là do biên lãi thuần (NIM) bị thu hẹp 73 điểm cơ bản, xuống còn xấp xỉ 3,6%, dù dư nợ cho vay khách hàng vẫn tăng trưởng mạnh 30,7% svck.
NIM sụt giảm do lợi suất tài sản sinh lời (AY) giảm nhanh hơn so với chi phí vốn (COF). Cụ thể, AY giảm 102 điểm cơ bản svck, chủ yếu do lãi suất cho vay và lợi suất đầu tư chứng khoán đồng loạt giảm. Trong đó, lãi suất cho vay giảm mạnh nhất, mất 1,07 điểm phần trăm svck xuống còn 8,3%, kéo dài xu hướng giảm từ quý III/2023. Lợi suất từ đầu tư chứng khoán cũng giảm nhẹ 29 điểm cơ bản, xuống mức 5,2%.
Trong khi đó, COF giảm chậm hơn do được bù trừ giữa chi phí huy động giảm và chi phí giữ giấy tờ có giá (GTGC) tăng. Cụ thể, chi phí huy động liên ngân hàng giảm mạnh 1,02 điểm % svck, còn 4,8%. Tuy nhiên, trong 2 quý gần đây, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh từ quý IV/2024 đã khiến chi phí huy động bình quân tăng nhẹ 11 điểm cơ bản, từ 3,2% trong quý I/2024 lên 3,3% trong quý I/2025.
Áp lực chi phí gia tăng khiến CIR vượt ngưỡng 40% sau một năm duy trì ở vùng thấp
Tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) trong quý I/2025 ghi nhận ở mức 42%, cao hơn mức bình quân 3 năm gần nhất là 38,1%. Chi phí hoạt động (OPEX) tăng 12,4% so với cùng kỳ, trong khi tổng thu nhập hoạt động (TOI) giảm 4,3%, là nguyên nhân chính khiến CIR tăng mạnh trong quý.
Đây là lần đầu tiên kể từ hơn một năm qua CIR vượt mốc 40%, sau bốn quý liên tiếp duy trì ở vùng thấp dưới 36% (trung bình 4 quý là 34,8%). Nguyên nhân chủ yếu đến từ áp lực chi phí gia tăng trong bối cảnh thu nhập giảm tốc.
Lợi nhuận trước dự phòng (PPOP) giảm 13,7% svck, đạt 2.598 tỷ đồng.
Tận dụng bộ đệm dự phòng để hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của TPBank tăng lên 2,3% trong quý I/2025, cao hơn 4 điểm cơ bản so với quý trước và tăng 76 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng đạt 2,21%, kết thúc chuỗi giảm liên tiếp từ quý 3/2023. Mặc dù xu hướng gia tăng trở lại, ngân hàng cho biết phần lớn nợ xấu đến từ nhóm khách hàng SME và đã được kiểm soát, không thuộc nhóm 2 năm trước – vốn đang trong xu hướng suy giảm kể từ quý III/2023.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) tiếp tục giảm từ cuối năm 2023, xuống dưới ngưỡng 100%. Trong quý I/2025, ngân hàng chỉ dự phòng đủ 81,3% cho tổng dư nợ xấu, so với mức 100% của quý trước. Việc hình thành nợ xấu mới tiếp tục gia tăng, với tỷ lệ nợ xấu mới ghi nhận ở mức 3,69% (tăng 87 điểm cơ bản svck). Trong khi đó, ngân hàng vẫn chủ động giảm mạnh tỷ lệ xóa nợ xấu, xuống mức 0,31% (giảm 16 điểm cơ bản svck và 56 điểm so với quý trước).
Nhờ tận dụng bộ đệm dự phòng, chi phí trích lập giảm mạnh 58,5% svck, chủ yếu do giảm trích lập cụ thể (giảm 64,5% svck). Chính sách này giúp lợi nhuận trước thuế (LNTT) tăng 15,6 điểm phần trăm svck, đạt 0,76% trên dư nợ, hỗ trợ lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (LNTT) tăng 15,3% svck, bù đắp mức giảm 13,7% svck của lợi nhuận trước dự phòng (PPOP).
Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 2.019 tỷ đồng, tăng 15,3% svck, bất chấp chi phí dự phòng giảm và thu nhập giảm nhẹ 1,3% so với quý trước do áp lực từ TOI suy giảm.
>> Một cổ phiếu Big 4 ngân hàng tư nhân được khuyến nghị MUA, tiềm năng tăng giá 17%
Một cổ phiếu bất động sản được khuyến nghị MUA, tiềm năng tăng giá 27%
Một cổ phiếu Big 4 ngân hàng tư nhân được khuyến nghị MUA, tiềm năng tăng giá 17%