Chứng khoán

Nguồn gốc khoản tiền 147 triệu USD Trương Mỹ Lan dùng để thâu tóm dự án BĐS của doanh nghiệp Singapore?

Lan Phương 16/06/2024 13:31

Giai đoạn 1 xét xử vụ án, Viện Kiểm sát (VKS) khẳng định hơn 94% tài sản của Trương Mỹ Lan có được sau khi ‘rút ruột’ SCB. Nhiều bất động sản của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát được mua bởi tiền chiếm đoạt từ SCB.

Trong quá trình điều tra giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cơ quan điều tra đã thực hiện các kiến nghị của Tòa án nhân dân TP.HCM, yêu cầu làm rõ nguồn gốc một số tài sản liên quan bà Trương Mỹ Lan.

Trước đó, quá trình xét xử giai đoạn 1, TAND TP.HCM xác định bà Lan đã sử dụng rất nhiều tiền của SCB mua các bất động sản. Trong đó, khoản tiền 147 triệu USD mà Chủ tịch Vạn Thịnh Phát thông qua Vivaland để mua 100% cổ phần Công ty Amaland (doanh nghiệp sở hữu toàn bộ vốn của Công ty TNHH Đô thị Sing Việt, chủ đầu tư dự án Khu đô thị Sing - Việt) có phải từ nguồn tiền của SCB hay không thì chưa được làm rõ. Do đó, tòa đề nghị Bộ Công an tiếp tục điều tra.

Khu đô thị Sing - Việt là khu liên hợp thể thao, du lịch, thương mại và khu căn hộ, diện tích hơn 331ha tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh l, vốn đầu tư lên đến hơn 300 triệu USD. Dự án đã được Bộ Kế hoạch Đầu tư, UBND TP HCM chấp thuận về chủ trương từ năm 1997 và cấp giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, trong đó một vài khu được phê duyệt tỷ lệ 1/5000. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn "đắp chiếu" do chưa có giấy phép xây dựng.

Do vốn góp của Công ty Amaland tại Công ty Đô thị Sing Việt đang có tranh chấp, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ủy thác tư pháp cho Cơ quan Tổng chưởng lý Singapore tương trợ tư pháp về hình sự, tiến hành xác minh hồ sơ pháp lý, chủ sở hữu tài sản và tình trạng pháp lý hiện nay của các tài sản liên quan đến Công ty Amaland PTE, bà Trương Mỹ Lan và ông Chu Lập Cơ (hiện chưa có kết quả). Căn cứ kết quả xác minh trên, cơ quan điều tra chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan để tòa án xem xét xử lý theo quy định.

Toàn cảnh về vụ tranh chấp liên quan đến việc thâu tóm chủ đầu tư dự án trăm triệu USD

Ngày 5/4/2020, Công ty Amaland PTE (bên bán) và CTCP Đầu tư Singapore - Việt Nam (SVIC - bên mua) ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty Đô thị Sing Việt và một hợp đồng phụ kèm theo với giá trị chuyển nhượng là 170 triệu USD, thanh toán trước 16,5 triệu USD.

Bên mua đã 2 lần chuyển 50 triệu USD vào tài khoản tạm khóa và đề nghị Amaland chuyển giao cổ phần nhưng Công ty Amaland không thực hiện mà lại ra văn bản yêu cầu bên mua hủy hợp đồng, sẽ trả lại 50% số tiền đặt cọc nhưng bên mua không đồng ý.

Sau đó, bên bán đã làm thủ tục khởi kiện bên mua ra tòa án tại Singapore về việc không thực hiện hợp đồng và yêu cầu hủy hợp đồng đã ký kết. Bên mua cũng khởi kiện bên bán ra tòa án tại Việt Nam để yêu cầu bên bán phải tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Theo báo cáo của Chu Duyệt Phấn (con gái bà Lan) tại giai đoạn điều tra vụ án, bà Lan mua 100% vốn của Công ty Amaland, trong đó 97% do Công ty Regionaland Pte.Ltd (Regionaland) nắm giữ, 3% còn lại của các cổ đông nhỏ lẻ. Amaland đã ủy quyền cho 3 cá nhân (do bà Trương Mỹ Lan chỉ định) nắm giữ 100% cổ phần vốn góp tại Công ty đô thị Sing Việt.

Theo đó, trước tranh chấp phần vốn góp của Amaland tại Công ty Sing - Việt với SVIC, phía gia đình bà Trương Mỹ Lan đã liên hệ với luật sư Chiu Bing Keung Kenneth (đang bị truy nã) để làm thủ tục chuyển 97% cổ phần do Regionaland nắm giữ tại Amaland cho Chu Duyệt Phấn (đã nộp hồ sơ tại Singapore vào tháng 9/2023).

Đến nay, Vạn Thịnh Phát báo cáo về việc phía Singapore từ chối hoàn tất thủ tục chuyển cổ phần về cho Chu Duyệt Phấn vì họ nắm được thông tin bà Trương Mỹ Lan và chồng là ông Chu Lập Cơ bị khởi tố, điều tra.

Giai đoạn 1 xét xử vụ Vạn Thịnh Phát, Viện Kiểm sát (VKS) khẳng định hơn 94% tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan có được sau khi ‘rút ruột’ SCB.

"Tiền ở đâu bị cáo chiếm đoạt? Là tiền huy động của dân. Ngân hàng Nhà nước gồng mình để cho SCB vay khoản tiền khổng lồ để chi trả dần, ổn định tình hình tài chính, không biết khi nào thu hồi đủ. Số tiền khổng lồ này đáng lẽ sử dụng nhiều mục đích cho chúng ta, con cháu chúng ta. Luật sư nói bị cáo chiếm đoạt tài sản làm gì? Để mua nhiều bất động sản"- VKS gay gắt.

Được biết, theo lời khai của Lê Khánh Hiền - Tổng Giám đốc SCB, NHNN và các tổ chức tín dụng đã "bơm" cho SCB đến gần 40.000 tỷ đồng để tái cơ cấu. Trong số 1.169 bất động sản kê biên, bị cáo Lan thừa nhận của bị cáo, liên quan bị cáo phải thuê nhờ người đứng tên. VKS cho rằng điều này làm rõ sự gian dối của bị cáo. Đây là số tài sản nhờ sử dụng tiền chiếm đoạt của SCB để đầu tư, để mua. VKS nhấn mạnh toàn bộ hồ sơ vụ án và kết quả xét xử công khai là căn cứ chứng minh hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan.

>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Novaland (NVL) lên tiếng về việc dự án Aqua City bị nhắc tên

Lịch chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền tuần từ 17-21/6, cao nhất tỷ lệ 45%

Vụ Vạn Thịnh Phát: NHNN, UBCKNN và HNX vô can

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-van-thinh-phat-dieu-tra-147-trieu-usd-truong-my-lan-dung-de-thau-tom-du-an-bds-cua-doanh-nghiep-singapore-co-phai-tien-tu-scb-238837.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nguồn gốc khoản tiền 147 triệu USD Trương Mỹ Lan dùng để thâu tóm dự án BĐS của doanh nghiệp Singapore?
    POWERED BY ONECMS & INTECH