Mặc dù nợ xấu đang tăng nhanh song giới chuyên gia vẫn cho rằng, nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay chưa đến mức lo ngại.
Nợ xấu tăng nhanh đang là nỗi lo lớn nhất của các ngân hàng hiện nay. Ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank cho hay, nếu như năm 2022, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là thanh khoản, lãi suất…, thì năm 2023, rủi ro lớn nhất của các ngân hàng là rủi ro tín dụng, rủi ro nợ xấu, buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Theo nhận định của ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích, CTCP Chứng khoán MayBank Kim Eng, nợ xấu sẽ tiếp tục có áp lực tăng tuy nhiên không gây áp lực rủi ro hệ thống và các ngân hàng cũng không phải tăng chi phí trích lập dự phòng đột ngột.
Chuyên gia MBKE cho rằng, khi nhìn nhận chất lượng tài sản của các ngân hàng, nhà đầu tư không nên nhìn con số tuyệt đối mà nên nhìn theo chỉ số, trong đó có tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu, tức các ngân hàng đã trích lập bao nhiêu để dự phòng cho tương lai.
Ngoài ra, một vấn đề khác mà nhà đầu tư cần quan tâm khi đánh giá về tỷ lệ nợ xấu của một ngân hàng đó là mô hình hoạt động của ngân hàng.
Chẳng hạn như với VPBank, ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu theo công bố khoảng 4-5%, nhưng đây lại là ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng với tỷ trọng cho vay tiêu dùng chiếm rất cao, tỷ lệ nợ xấu này là bình thường.
Thông thường trong hoạt động cho vay tiêu dùng, tỷ lệ nợ xấu bình quân từ 6-8%, đây là lĩnh vực có biên lãi ròng (margin) có thể lên tới 18 - 28%, do đó các ngân hàng có đủ sức để xử lý được nợ xấu với tỷ lệ ở mức như vậy.
Theo ông Thành, từ giữa năm ngoái sau khi vấn đề về bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp xảy ra, chúng ta có thể thấy ngành bất động sản đang gặp vấn đề pháp lý rất nặng khiến dòng tiền không đáp ứng được kế hoạch trả nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu góp phần làm tăng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng.
Hiện tại, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng niêm yết là 1,7%, còn cả hệ thống là 2%.
Về áp lực nợ xấu từ lĩnh vực BĐS, ông Thành phân tích hiện cho vay kinh doanh BĐS chiếm tỷ lệ khoảng 7% tổng dư nợ, cộng với phần trái phiếu mà ngân hàng nắm giữ 2,5% (trong đó chỉ có 30% là cho vay BĐS) là khoảng 10%.
"Ngay cả trong trường hợp một nửa trong số đó trở thành nợ xấu thì cũng không đẩy hệ thống ngân hàng về tình trạng cách đây 10 năm", ông Thành nói.
Nguyên nhân là các ngân hàng hiện nay đã xây dựng được bộ đệm dự phòng tương đối lớn có có thể xử lý được số nợ xấu trong vòng 1- 1,5 năm.
Bên cạnh đó, NIM của các ngân hàng hiện tại khoảng 4,1% (có giảm nhẹ so với trước), từ đó ước tính lãi ròng của ngân hàng khoảng 1,8 - 2%, đủ sức xử lý nợ xấu ở tỷ lệ nói trên.
"Do đó, chúng ta có thể kiểm soát được tình trạng nợ xấu, sẽ không gây áp lực rủi ro hệ thống và các ngân hàng cũng không phải tăng chi phí trích lập dự phòng đột ngột".
Theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, tính tới cuối tháng 2/2023, nợ xấu toàn hệ thống đã ngấp nghé mức 3%, cao gấp đôi cuối năm 2021. Nợ xấu gộp toàn hệ thống đã lên tới mức 5%.
Rủi ro nợ xấu ngân hàng sẽ còn tăng lên khi thị trường bất động sản và TPDN vẫn chưa thể phục hồi, nợ xấu hai lĩnh vực này tăng nhanh.
Theo TS. Cấn Văn Lực, tính tới cuối quý 1/2023, tỷ lệ nợ xấu bất động sản đang cao hơn tỷ lệ nợ xấu chung toàn hệ thống. Chưa có tỷ lệ nợ xấu TPDN của hệ thống ngân hàng, song theo thống kê của FiinRatings, nợ xấu TPDN phi tài chính tính tới đầu tháng 5/2023 cũng đã lên tới 16,3%.
Mặc dù nợ xấu đang tăng nhanh, song giới chuyên gia vẫn cho rằng, với nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay chưa đến mức lo ngại.